Cty Công trình đô thị Hải Dương dùng tro lò đốt rác san lấp mặt bằng là vi phạm

Google News

(Kiến Thức) - Việc Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro của lò đốt rác để thực hiện san lấp mặt bằng hồ điều hòa là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và báo cáo ĐTM được duyệt. Đồng thời, việc sử dụng tro của lò đốt rác thực hiện san lấp không có trong nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Dùng tro lò đốt rác san lấp mặt bằng là vi phạm
Thời gian qua, việc Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác Nhà máy rác thải Việt Hồng để san lấp mặt bằng lên đến hàng nghìn m2 đã khiến người dân khu vực tiếp giáp với nhà máy rác vô cùng bức xúc.
Nhà máy xử lý rác thái Việt Hồng thuộc Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương nằm trên địa phận xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Tuy nhiên, do vị trí địa lý, nhà máy rác thải này nằm tiếp giáp các khu dân cư của hai xã Tuấn Việt và Cổ Dũng (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham
 Khu vực Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác để san lấp mặt bằng.
Theo người dân xã Tuấn Việt cho biết, từ giữa tháng 5/2020, Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương sử dụng nhiều xe chở tro lò đốt rác từ nhà máy rác thải Việt Hồng ra san lấp mặt bằng tại khu vực hồ điều hòa có diện tích lên đến hàng nghìn m2 nằm tiếp giáp ngay sát hành lang đường giao thông từ Quốc lộ 5 đi sông Rạng, cách nhà máy chỉ vài trăm mét.
Đáng chú ý, tro từ lò đốt rác được sử dụng để san lấp mặt bằng còn lẫn nhiều tạp chất do nhiều vật dụng chưa cháy hết gây mùi khó chịu, khiến người dân lo lắng lượng tro xỉ lớn sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở Tài nguyên Môi trường Hải Dương đã làm việc với công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương để thu thập hồ sơ tài liệu và tiến hành khảo sát hiện trạng khu vực phản ánh.
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham-Hinh-2
 Một lượng lớn tro lò đốt rác đã được sử dụng để san lấp...
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham-Hinh-3
Với diện tích lên đến hơn 2000 m2. 
Theo báo cáo 161 do Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương Tạ Hồng Minh ký gửi Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường...cho thấy, thông tin phản ánh về việc Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro từ lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng tại vị trí hồ điều hòa trong khuôn viên của nhà máy, cạnh đường giao thông từ QL5 đi Sông Rạng là đúng.
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham-Hinh-4
 Lượng tro lò đốt rác dùng để san lấp được lấy từ nhà máy rác thải Việt Hồng thuộc Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương.
Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, từ ngày 11/5 đến ngày 16/5, công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương có sử dụng tro của lò đốt rác để thực hiện san lấp mặt bằng xây dựng tường rào phân định ranh giới đất của công ty với hành lang đường giao thông từ QL5 đi sông Rạng. Khu vực đã san lấp có diện tích khoảng 2200 m2.
Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho rằng, việc tự ý sử dụng tro của lò đốt rác để san lấp mặt bằng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và báo cáo ĐTM được duyệt. Đồng thời, việc sử dụng tro của lò đốt rác thực hiện san lấp không có trong nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 35/QĐ – UBND ngày 8/1/2018.
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham-Hinh-5
 Trong tro lò đốt rác lẫn nhiều tạp chất chưa cháy hết. Sau khi dư luận phản ánh, công ty đã cho thu gom lại toàn bộ. 
Do đó, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã giao Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở lấy mẫu phân định ngưỡng chất thải đối với tro lò đốt rác tại khu vực san lấp. Đồng thời yêu cầu Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương thu om triệt để toàn bộ lượng tro của lò đốt rác đã san lấp và báo cáo kết quả khắc phục về UBND tỉnh.
Đáng chú ý, đại diện Chi cục phó Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, thời điểm đoàn công tác xuống kiểm tra, lập biên bản sự việc, đơn vị này đã chủ động thu gom khoảng 2/3 khối lượng tro được dùng để san lấp. Đại diện này cho biết, lẽ ra phải giữ nguyên hiện trạng cho đến khi có kết quả giám định mẫu phân tích, xét nghiệm. Việc tự ý thu gom là hành vi tiếp tục sai phạm, xóa bỏ hiện trường.
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham-Hinh-6
Báo cáo nhanh của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hải Dương về sự việc trên. 
Phải xử lý nghiêm
Việc truy trách nhiệm của Công ty CP Quản lý Công trình đô thị Hải Dương phải đợi kết quả phân tích mẫu. Tuy nhiên, người dân địa phương bức xúc bởi công ty này là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng lại vi phạm, có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, coi thường sức khỏe người dân các vùng lân cận nhà máy.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân, tổ chức và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Tại điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nghiêm cấm các hành vi có thể gây nguy hại gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí vào môi trường và làm ảnh hưởng tới môi trường. Cụ thể: Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Do đó, việc xả thải trái phép và gây hậu quả nguy hại tới môi trường, tùy vào mức độ, tính chất sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với việc xử phạt hành chính, theo điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng 2 hình thức xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.
Căn cứ Khoản 8, Điều 23 Nghị định 155 thì phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường: a) Chuyển giao, cho, mua, bán chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật; b) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật dưới 3.000 kg.
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham-Hinh-7
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 12 tháng đến 24 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều này gây ra; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự hiện nay, pháp nhân thương mại nếu có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà bị phạt tiền, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cụ thể, phạt tiền từ 3 đến 20 tỷ đồng, tạm đình chỉ từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp đình chỉ vĩnh viễn áp dụng khi việc xả rác thải gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi tường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Cty Cong trinh do thi Hai Duong dung tro lo dot rac san lap mat bang la vi pham-Hinh-8
 Luật sư Hoàng Tùng.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy có dấu hiệu hình sự cần chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của luật hình sự. Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường tại Điều 235 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật...tùy thuộc vào khối lượng và trọng lượng chất thải, ngưỡng chất thải mà sẽ có hình phạt tương ứng. Hình phạt cao nhất khi phạm tội này là phạt tù đến 7 năm kèm theo hình phạt bổ sung khác. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội sẽ phạt tiền kèm theo đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn).
>>> Mời độc giả xem thêm video Ô nhiễm môi trường ở nhà máy xử lý rác thải

Nguồn: VTC 14

Hải Ninh