Cty Thuận Phát, Sotraco... không hoàn nguyên mỏ để chuyển đổi thành dự án nghỉ dưỡng?

Google News

Dư luận đặt câu hỏi có hay không việc Công ty Thuận Phát và các công ty không hoàn nguyên mỏ vì muốn giữ đất, chuyển đổi thành dự án nghỉ dưỡng?

Mặc dù chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã nhiều lần có văn bản đề nghị các mỏ đá hết hạn khai thác tại huyện Quốc Oai thực hiện công tác đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện.
Không đóng cửa mỏ vì... tiếc đất?
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, trên địa bàn huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) có 7 mỏ đá, trong đó 5 mỏ đá đã ngừng hoạt động. Dù đã không còn sản xuất và không được đồng ý gia hạn giấy phép nhưng những ông chủ của 5 mỏ đá đều không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, chây ì, né tránh việc hoàn thổ, phục hồi môi trường... dẫn đến việc gây tác động tiêu cực tới môi trường của khu vực sau khai thác, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và gây lãng phí tài nguyên đất.
Cty Thuan Phat, Sotraco... khong hoan nguyen mo de chuyen doi thanh du an nghi duong?
Hố nước sâu của một mỏ đá không được hoàn thổ vì lý do chờ quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tiết lộ lý do chậm đóng của mỏ, một lãnh đạo Phòng Đầu tư thuộc Công ty chủ mỏ đá số 3 ở thôn Trán Voi, xã Phú Mãn cho biết, mỏ đá đã hết hạn từ năm 2019 và nay không còn hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, công ty vẫn đóng thuế tài nguyên và các loại phí khác đầy đủ, có xác nhận của cơ quan thuế.
“Lúc nhận mỏ, công ty đã bỏ tiền để giải phóng mặt bằng nên tại thời điểm quyết định còn thời hạn được xác định bên anh có quyền sử dụng đất và bên anh đang định hướng sẽ chuyển đổi thành khu nghỉ dưỡng theo quy hoạch phân khu Hòa Lạc. Toàn bộ khu đất sẽ là khu nghỉ dưỡng”, vị lãnh đạo này nói và cho biết hiện Quy hoạch phân khu L6 khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang được TP Hà Nội phê duyệt. Do đó, công ty sẽ đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất mỏ thành khu nghỉ dưỡng.
“Nếu thời điểm này thực hiện đóng cửa mỏ ngay, không đề xuất được dự án thì đất thì sẽ bị thu hồi...Trả đất thì tiếc quá”, lãnh đạo Phòng Đầu tư, Công ty cổ phần Vimeco bộc bạch.
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, văn bản mới nhất mà Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội gửi UBND huyện Quốc Oai về việc đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực là ngày 16/7/2021.
Nội dung của văn bản đề nghị: “UBND huyện Quốc Oai có văn bản đôn đốc, yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản Sotraco, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty cổ phần Cơ giới lắp máy và xây dựng, Công ty cổ phần Vimeco, Công ty TNHH Bình Minh khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ và gửi hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ về Sở TNMT đề thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt”.
Ngày 25/9/2021, UBND huyện Quốc Oai có văn bản số 2853/UBND -TNMT gửi các UBND xã Hòa Thạch, Phú Mãn, Đông Xuân và các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện về việc yêu cầu các công ty trên chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường . Yêu cầu các đơn vị tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong ranh giới khu vực khai thác và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.
“Khẩn trương lập đề án đóng cửa mỏ và gửi hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ về Sở TNMT để được hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định trước ngày 30/9/2021”, văn bản do ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai ký, ban hành nêu rõ.
Tuy nhiên, theo Sở TNMT đến nay các đơn vị trên đều chưa nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản 2010.
Cty Thuan Phat, Sotraco... khong hoan nguyen mo de chuyen doi thanh du an nghi duong?-Hinh-2
Quanh khu vực hố sâu của mỏ đá Vimeco đã được treo biển cấm tắm nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm tìm đến. 
Đáng chú ý, trước đó, UBND huyện Quốc Oai đã nhiều lần gửi văn bản đến các công ty trên để thực hiện nghĩa vụ sau khi giấy phép hết hiệu lực nhưng đều như “nước đổ đầu vịt”, không được các công ty tiếp thu, hồi đáp.
Đặc biệt, trong văn bản số 1355/UBND – TNMT của UBND huyện Quốc Oai gửi Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát và Công ty cổ phần Vimeco về việc yêu cầu lập đề án đóng cửa mỏ và gửi hồ sơ đóng cửa mỏ về Sở TNMT trước ngày 30/6/2021. Nếu sau thời hạn trên mà các công ty không thực hiện thì Sở TNTM sẽ giao Thanh tra Sở xử lý vi phạm hành chính. Dù vậy, dường như công tác đốc thúc, kiểm tra, giám sát, xử phạt không được chính quyền và Sở TNMT Hà Nội thực hiện hoặc thực hiện thơ ơ, không sát sao dẫn đến tình trạng các công ty “nhờn Luật”.
Cần cơ chế xử lý riêng
Bà Đặng Thị Quỳnh - Phó Trưởng phòng TNMT huyện Quốc Oai cho biết, UBND huyện ra nhiều văn bản và gửi đi liên tục đến các công ty, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ gửi lên Sở TNMT Hà Nội. Việc cải tạo, phục hồi mỏ, đóng cửa mỏ là thủ tục hành chính, bắt buộc phải gửi về Sở TNMT... không thuộc trách nhiệm của UBND huyện.
“Nguồn gốc từ đâu, ai là người cấp phép, ai là người giao đất...”, Phó Trưởng phòng TNMT huyện Quốc Oai nói về trách nhiệm trong việc đóng cửa các mỏ đá trên địa bàn khi giấy phép đã hết hạn.
Ông Đinh Tiến Sỹ - Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TNMT Hà Nội thừa nhận: “Đốc thúc doanh nghiệp đóng của mỏ là rất khó với địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan chuyên môn như Sở TNMT”.
Cty Thuan Phat, Sotraco... khong hoan nguyen mo de chuyen doi thanh du an nghi duong?-Hinh-3
Chính quyền Hà Nội cần sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng chây ì đóng cửa mỏ, trả lại đất cho địa phương phát triển kinh tế.
Theo Phó Trưởng phòng Khoáng sản, cuối năm 2021, Sở tiếp nhận hồ sơ đóng cửa mỏ của công ty Thuận Phát. Sau khi kiểm tra thì xét hồ sơ chưa đầy đủ nên ngày 4/10/2021, Sở yêu cầu bổ sung nhưng đến nay công ty không nộp lại.
“Nếu cứ chây ì thì không thể giải quyết được. Trong khi đó, Luật khoáng sản “cứng quá” khi bắt buộc phải làm hồ sơ đóng cửa mỏ. Do đó, theo kế hoạch, Sở TNMT sẽ cùng với quận, huyện đề xuất cơ chế với UBND thành phố thu hồi đất, không lập đề án đóng của mỏ nữa vì không thể đợi. Đề nghị thành phố, Sở Tài chính, Kho bạc phong tỏa tài khoản, thu tiền của công ty phục vụ cho việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Tuy nhiên, vấn đề nay sẽ phải thông qua Hội đồng nhân dân”, ông Đinh Tiến Sỹ nói và cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xử lý dứt điểm các mỏ chậm đóng cửa mỏ sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực.
Đại diện Sở TNMT Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn Hà Nội, phần lớn các mỏ hết hạn giấy phép đều chưa đóng cửa mỏ.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Thiên Tuấn