Bão số 3 đi qua để lại rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục, nhưng ưu tiên lớn nhất lúc này đó là bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên cung ứng sách giáo khoa và thiết bị dạy học,
Nhằm chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) sẽ dồn toàn lực để cung ứng SGK cho học sinh vùng lũ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, thống kê sơ bộ có 25 tỉnh khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Có khoảng 190 tên sách học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 cần bổ sung tới các địa phương (không tính các chuyên đề tự chọn bậc THPT).
Về chính sách giảm giá hoặc chính sách ưu đãi, NXBGDVN cho biết, đối với số lượng SGK được NXBGDVN tổ chức in bổ sung để cung ứng cho vùng lũ thì sẽ áp dụng giảm 10% giá bìa (tương đương khoảng 50% chi phí phát hành). Đồng thời, NXBGDVN sẽ dành một khoản kinh phí để tặng số lượng lớn SGK cho học sinh những vùng bị thiệt hại nặng.
Trước mắt, NXB sẽ tổ chức in ngay 10 triệu bản SGK bổ sung. Cộng với số lượng sách hiện còn trong kho, NXBGDVN sẽ cung ứng cho vùng lũ khoảng 18 triệu bản SGK. Trong 1-2 tuần tới, sau khi có số liệu chính xác nhu cầu của các địa phương, nếu còn thiếu, NXB sẽ tổ chức in thêm.
Chi phí in gia công theo đơn giá bình quân cho 10 triệu bản sách ước khoảng dưới 30 tỷ đồng. Toàn bộ số SGK in bổ sung cung cấp cho HS bị ảnh hưởng bởi bão lũ sẽ được triển khai với tinh thần phục vụ.
Tính đến 18/9/2024, NXBGDVN đã trao tặng 2.200 bộ SGK tới các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên..., trị giá 550 triệu đồng. Thông qua Công đoàn ngành Giáo dục, NXBGDVN cũng đã quyên góp ủng hộ 620 triệu đồng gửi tới đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các NXB sẵn sàng nguồn cung ứng SGK tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân để tài trợ SGK cho HS.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban MTTQ VN khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho HS, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học. Đồng thời, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thiệt hại lớn sau mưa bão, Lào Cai công bố tình huống khẩn cấp: