Tòa hỏi bị cáo tìm mua đạn có dễ không? Bị cáo nói khó mua lắm. “Mình nghe người ta nói ở chợ A Lưới có bán nên mình tìm đến.
Nhưng mình chẳng biết ai bán cả. Mình đi hỏi khắp chợ, loanh quanh cả buổi mới mua được tám viên đạn. Mỗi viên 12 ngàn đồng. Mình bắn thử hết bốn viên. Hai lần đi săn, mỗi lần mình bắn hai phát, trúng hai con sóc. Thế là hết đạn”.
“Bị cáo bắn cách bao nhiêu mét?”. “30m”. “Có chết không?”. “Chết chứ”. “Vậy bắn vào người có nguy hiểm không?”. Bị cáo ngắc ngứ rồi bảo “chắc là nguy hiểm”.
“Mình tình cờ xem được clip chỉ cách chế tạo súng trên mạng. Mình thích có một cái để vào rừng đi săn nên tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo.
Mình không nói cho ai biết hết. Mình sợ lỡ sau này chế tạo không thành công, thì người ta cười. Làm được cây súng, hai lần đi rừng, mới bắn được bốn con sóc thì bị cán bộ bắt”, đó là tâm sự của người đàn ông Tà Ôi, bị truy tố vì tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Blúp Nhách đến các cơ sở thu mua phế liệu ở địa phương rồi mua hai ống nước bằng sắt có đường kính là 3 và 4cm, dài 90cm.
Sau đó đến quán sửa xe của người quen, sử dụng nhờ các dụng cụ máy cắt sắt, máy hàn để chế tạo các bộ phận như thân súng, bộ phận kim hỏa, búa đập, bộ phận tay cò, khóa nòng và bệ khóa nòng rồi mang về nhà.
Đối với bộ phận báng súng, bị cáo sử dụng một đoạn gỗ dài rồi dùng cưa, dao để chế. Vào đầu tháng 8/2017, Blúp Nhách vào mạng xã hội đặt mua một nòng súng từ một chủ tài khoản trên mạng, không rõ lai lịch với giá 2,5 triệu đồng.
|
Blup Nhách mất bốn tháng mày mò chế tạo khẩu súng săn. |
Phiên tòa xét xử bị cáo Blúp Nhách (41 tuổi, ngụ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành vào một sáng cuối năm.
Người mẹ vùng cao ngồi co ro trong khán phòng. Gương mặt nhăn nheo, làn da đen nhẻm vì mưa nắng cũng ánh lên màu tím tái. Bà bảo: “Mùa đông, dưới này không có lửa, lạnh lắm. Trên mình đốt lửa suốt ngày đêm, nên ấm hơn nhiều”.
Để đến phiên tòa hôm nay, mới 1h sáng bà đã trở dậy. Rồi 3h cả nhà đã tập họp, rồi leo lên xe xuôi về phố. Đường đèo quanh co khúc khủyu, sương phủ kín cả lối đi. Giữa thời khắc đêm ngày giao thoa ấy, tiết trời càng lạnh cắt da cắt thịt.
Nhưng chẳng bằng cái lạnh trong lòng người mẹ già. Bà nhẩm tính, Blúp Nhách đã bị tạm giam hơn ba tháng. Cũng chừng đó ngày bà thui thủi một mình trong căn nhà nhỏ nơi miền sơn cước. Người mẹ kể, Blúp Nhách là con trai đầu của bà.
Ngoài bốn mươi tuổi, nhưng Blúp Nhách vẫn chưa lấy vợ, nên ở cùng bà. Bốn người con khác thì đều lấy vợ lấy chồng, rồi ra riêng. Nên khi con trai bị bắt, dù những người con khác vẫn dành thời gian chạy qua chạy lại thăm bà, thì căn nhà nhỏ vẫn trống trải khi thiếu vắng hơi thở của người con trai cả.
Trời đã trưa hơn, mưa cũng dần ngớt hạt, nhưng cái lạnh vẫn không giảm. Bà lão đưa đôi tay xương xẩu nổi đầy gân xanh xoa xoa cái bụng lép kẹp. “Dậy sớm lắm. Nhưng không có bụng dạ nào thổi cơm. Giờ thì thấy cái bụng đã bắt đầu đói”, mẹ bị cáo bảo.
Ở xứ của bà, người ta vẫn hay vào rừng bắt con chim con chuột về ăn. Nhưng chỉ bẫy bằng cây chông, cây nỏ. Blúp Nhách cũng vậy. Lâu lâu lại đem về nhà cho bà một miếng thịt, để cải thiện bữa cơm hai mẹ con.
Bà không ngờ, cũng vì có sở thích săn bắn, nên con trai bà đã tự mày mò chế tạo súng, để đến nỗi phải vướng vòng lao lí.
Tại phiên tòa, bị cáo Blúp Nhách khai vào khoảng tháng 4/2017, bị cáo sử dụng điện thoại vào mạng internet xem các clip trên trang youtube có nội dung liên quan đến việc chế tạo súng hơi, súng bắn đạn thể thao. Từ đó bị cáo nảy sinh ý định chế tạo cho mình một khẩu súng để dùng cho việc đi săn bắn.
Blúp Nhách đến các cơ sở thu mua phế liệu ở địa phương rồi mua hai ống nước bằng sắt có đường kính là 3 và 4cm, dài 90cm.
Sau đó đến quán sửa xe của người quen, sử dụng nhờ các dụng cụ máy cắt sắt, máy hàn để chế tạo các bộ phận như thân súng, bộ phận kim hỏa, búa đập, bộ phận tay cò, khóa nòng và bệ khóa nòng rồi mang về nhà.
Quá trình chế tạo, Blúp Nhách giấu biệt ông chủ tiệm sửa xe (cũng là bạn của bị cáo), không cho anh này biết chế tạo để làm gì. “Mình không nói cho ai biết là mình đang chế tạo súng. Mình sợ lỡ chế tạo không thành công, mọi người lại cười mình”, Blúp Nhách khai tại tòa.
Đối với bộ phận báng súng, bị cáo sử dụng một đoạn gỗ dài rồi dùng cưa, dao để chế thành. Vào đầu tháng 8/2017, Blúp Nhách vào mạng xã hội đặt mua một nòng súng từ một chủ tài khoản trên mạng, không rõ lai lịch với giá 2,5 triệu đồng.
Hai bên thống nhất bị cáo trả trước một triệu đồng bằng thẻ cào điện thoại. Số tiền còn lại, bị cáo lúc nhận hàng đã chuyển trả qua nhân viên bưu điện. Khi đã có nòng súng, bị cáo tiếp tục thiết kế lắp nòng súng vào bộ phận thân súng, lắp thêm bộ phận ống nhòm, đèn laze.
Đến tháng 9/2017 thì việc chế tạo khẩu súng hoàn thành. Sau khi có súng, bị cáo đến chợ A Lưới tìm mua của một người phụ nữ không rõ lai lịch tám viên đạn với giá 96 ngàn đồng. Hôm sau, Blúp Nhách rủ một người hàng xóm đi săn.
Tối hôm đó, cả hai đi vào rừng săn bắn. Bị cáo trực tiếp mang súng, dùng súng bắn trúng hai con sóc. Cả hai xách chiến lợi phẩm về nhà người hàng xóm làm thịt rồi hẹn tối mai cùng đi săn tiếp. Riêng khẩu súng, Blúp Nhách vác về nhà cất giấu trong phòng ngủ.
Y hẹn, tối hôm sau, cả hai lại lên đường vào rừng săn bắn. Cũng như lần trước, Blúp Nhách tự mang súng và tự tay bắn hai con sóc, sau đó trở về nhà hàng xóm làm thịt.
Lần này, Blúp Nhách bảo hàng xóm cất giấu súng. Người hàng xóm đồng ý và cất trong tủ quần áo của nhà mình. Sau bốn tháng chế tạo súng, vừa sử dụng được hai ngày thì vụ việc Blúp Nhách sử dụng súng bị địa phương phát hiện.
Ngay sau đó, khẩu súng bị tạm giữ, Blúp Nhách cũng bị tạm giam. Trong vụ án này, người hàng xóm đã có hành vi cùng đi săn, sau đó giúp Blúp Nhách cất giấu khẩu súng tại nhà mình.
Tuy nhiên, anh này là người không biết chữ, hạn chế về kiến thức, bản thân không nhận thức được khẩu súng mà Blúp Nhách sử dụng để đi săn là vũ khí.
Xét thấy tính chất, hành vi, mục đích và hậu quả của anh này trong vụ án này chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó cơ quan công an tỉnh đã thông báo tới chính quyền địa phương đề nghị răn đe, quản lý giáo dục.
“Mình sợ rồi”
Tòa hỏi bị cáo tìm mua đạn có dễ không? Bị cáo nói khó mua lắm. “Mình nghe người ta nói ở chợ A Lưới có bán nên mình tìm đến. Nhưng mình chẳng biết ai bán cả. Mình đi hỏi khắp chợ, loanh quanh cả buổi mới mua được tám viên đạn. Mỗi viên 12 ngàn đồng.
Mình bắn thử hết bốn viên. Hai lần đi săn, mỗi lần mình bắn hai phát, trúng hai con sóc. Thế là hết đạn”. “Bị cáo bắn cách bao nhiêu mét?”. “30m”. “Trúng ở đâu?”. “Trúng đầu”. “Có chết không?”. “Chết chứ”. “Vậy bắn vào người có nguy hiểm không?”. Bị cáo ngắc ngứ rồi bảo “chắc là nguy hiểm”. “Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho người xung quanh, nguy hiểm cho xã hội không?”.
Bị cáo nói, bị cáo làm rừng, làm rẫy. Nhiều lúc con chim, con sóc nó phá rẫy lúa, rẫy ngô, nên bị cáo phải đặt bẫy. Nhiều lúc muốn có thịt ăn, cũng lên rẫy bắt con sóc, con chuột làm thức ăn. Nhưng dùng bẫy, dùng ná, bắn con chim nhiều khi không trúng, không chết. Nên khi thấy clip dạy chế tạo súng, bị cáo liền học theo.
“Lúc chế tạo súng, mình không ý thức được sẽ gây nguy hiểm cho người xung quanh. Nhưng sau đó cán bộ mời lên làm việc, mình mới ý thức được. Giờ đứng ở đây, mình càng ý thức sự nguy hiểm của súng. Giờ, mình sợ rồi. Mình hối hận lắm”.
Tòa: “Bị cáo nói mình không ý thức được. Nhưng nhà nước đã cấm, mọi người ai cũng biết. Kẹo, thuốc là được bày bán, nhưng súng thì không. Nhà nước cấm, vì khả năng sát thương của súng rất lớn. Bị cáo để súng trong nhà, lỡ có trẻ con nghịch súng thì sao. Hay có ai cãi nhau, rồi mượn súng của bị cáo gây ra sát thương cho người khác thì làm thế nào?”.
Bị cáo lí nhí bảo, giờ đã hối hận, chỉ mong được sớm về nhà đón Tết với gia đình. Em gái bị cáo rầu rầu giọng kể cả mấy chị em đều đã lấy chồng. Ở vùng núi khó khăn, con cái lại nheo nhóc nên càng cực khổ. Dù có miếng ngon miếng ngọt cũng mang sang cho mẹ và anh trai, nhưng việc chăm sóc, phụng dưỡng người mẹ già đều nhờ một tay bị cáo lo liệu.
Từ ngày anh trai bị bắt, mấy chị em ngoài thời gian lên nương lên rẫy, chăm sóc gia đình nhỏ, còn phải thay phiên nhau “phân thân” về chăm sóc mẹ già. Ở tuổi 70, sức khỏe đã yếu, nên khi con trai bị bắt, bà cụ lo lắng đến nỗi đổ bệnh. Đêm với người già vốn đã dài. Đêm vùng cao càng dài đằng đẵng.
Nhất là đêm nằm một mình trong nhà, nghĩ về con trai chẳng biết ấm lạnh trong tù, đêm đối với người mẹ vùng cao càng thêm mênh mông. Chị bảo bao nhiêu ngày em trai bị bắt, là chừng ấy đêm mẹ mình không có giấc ngủ trọn vẹn. Có những đêm dài thức trắng bên bếp lửa bập bùng, bà đã rớt nước mắt suốt đêm vì lo lắng cho Blúp Nhách. “Mẹ già rồi.
Mẹ chỉ mong Blúp Nhách về với mẹ thôi”. Câu chuyện với chị gái bị gián đoạn bởi câu than thở đượm buồn của người mẹ. Theo HĐXX, bị cáo là người dân tộc thiểu số, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa quyết định xử bị cáo dưới mức khung hình phạt, tuyên phạt bị cáo mức án bằng thời gian tạm giam.
Tòa tuyên thả tự do cho bị cáo tại tòa. Blúp Nhách mừng đến sững sờ. Người mẹ vui đến chảy nước mắt. Bà bảo: “Vậy là Tết này hết buồn rồi. Mẹ chỉ sợ phải ăn Tết một mình, con mẹ phải đón Tết trong tù”. Cả gia đình hớn hở kéo nhau ra khỏi phiên tòa, mặc kệ những hạt mưa lất phất trên áo.
Theo Hà Lê/Phapluatplus.vn