Cựu chiến binh hàng chục năm tự nguyện bảo vệ đàn voọc quý hiếm

Google News

Là cựu chiến binh về hưu, ông Tú đã tự nguyện đứng ra bảo vệ loài voọc đen gáy trắng. Được ông Tú cảm hóa nhiều thợ săn voọc cùng người dân đã tham gia bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm.

Gần chục năm cảm hóa thợ săn, vận động người dân bảo vệ voọc

Từ tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló, theo lời hẹn trước với ông Nguyễn Thanh Tú (SN 1962), chúng tôi đã xuất phát từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình) vượt gần 100 km để tới thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa để cùng đi ngắm đàn voọc đen gáy trắng quý hiếm mà ông cùng người dân đang bảo vệ.

Cuu chien binh hang chuc nam tu nguyen bao ve dan vooc quy hiem

Ông Tú cùng người dân Thạch Hóa mới đây đã phát hiện lượng lớn cá thể khỉ mốc (một loài nằm trong sách đỏ) sinh sống tại địa phương.

Đến thôn Thiết Sơn tìm hỏi nhà ông "Tú voọc" ai cũng biết và vui vẻ chỉ đường. Cái biệt danh thân thương ấy chính người dân nơi đây đã đặt cho ông, bởi vì có ông nên đàn voọc quý hiếm trên địa bàn mới được bảo vệ yên bình.

Sau nhiều năm phục vụ trong trong lực lượng biên phòng, năm 2012, Trung tá Nguyễn Thanh Tú về hưu. Bắt gặp lại những con vượn ngày xưa, với kinh nghiệm, kiến thức trong thời gian công tác, ông xác định đàn vượn gắn với tuổi thơ ông chính là loài voọc đen gáy trắng quý hiếm có trong sách đỏ cần phải nhanh chóng bảo vệ.

Từ đó, ông Tú đi núi nhiều hơn, ông len lỏi vào các lèn đá với mong muốn sẽ tìm thêm được những đàn voọc. Đồng thời theo dõi để ngăn chặn, giải thích cho những người đến săn bắn biết đó là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.

Để bảo vệ đàn voọc, chỉ sức của mình là chưa đủ, ngoài việc "đi tuần" tìm kiếm ngăn chặn thợ săn, ông Tú còn đến nhiều nhà dân sống gần núi đá để tuyên truyền, vận động cùng chung sức bảo vệ voọc quý.

Cuu chien binh hang chuc nam tu nguyen bao ve dan vooc quy hiem-Hinh-2

Những cá thể voọc đen gáy trắng đang sinh sống tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) dưới sự bảo vệ của ông Tú và người dân.

Dẫn chúng tôi đi ngắm đàn voọc, ông Tú kể, trước đây ông nghe tiếng về anh Nguyễn Văn Hồng (một thợ săn ở xã Đồng Hóa) đã săn bắt nhiều voọc, ông Tú tìm đến làm quen, dần lấy thiện cảm để ngăn chặn và giải thích rõ với người thợ săn này về hành vi sai trái của mình. Ông Tú giải thích, voọc đặc biệt quý hiếm, có tên trong sách đỏ, được pháp luật bảo vệ.

Với nguồn thu lớn từ việc săn bắt voọc, thật khó để một thợ săn lành nghề từ bỏ. Nhưng "mưa dầm thấm lâu", anh Hồng đã bỏ hẳn nghề thợ săn. Từ săn voọc, giờ anh Hồng trở thành người yêu voọc, luôn sẵn sàng bảo vệ những con voọc còn lại.

"Thời điểm cách đây gần chục năm, người dân vẫn thường xuyên săn bắt voọc, để ngăn chặn họ không phải việc dễ dàng. Có những người tôi phải đến tận nhà khuyên nhủ, giải thích cho họ hiểu. Dần dần họ cũng nhận ra được việc bảo vệ đàn voọc quý hiếm là rất cần thiết, không ai nói ai, cứ thế họ từ bỏ luôn việc săn bắt voọc", ông Tú chia sẻ.

Tập hợp những những người cùng mong muốn bảo vệ loài linh trưởng quý, ông Tú đã lập nên một tổ cộng đồng bảo vệ voọc, bất kể nắng mưa, đêm hay ngày đều sẵn sàng. Nhờ đó, từ đàn voọc với khoảng hơn 10 con ông Tú tìm thấy ở lèn Cây Gạo năm 2012, đến nay tại huyện Tuyên Hóa đã có cả trăm cá thể sinh sống phân bố rải rác tại 6 khối núi đá vôi với tổng diện tích 509,42 ha.

"Nhóm bảo vệ voọc hiện có 14 thành viên sinh sống tại các xã có voọc sinh sống gồm Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa và Sơn Hóa. Ngoài các thành viên trong nhóm, người dân địa phương cũng tích cực bảo vệ voọc. Khi phát hiện có người tình nghi đến săn voọc, họ báo ngay cho chúng tôi để kịp thời ngăn chặn", ông Tú cho biết.

Cuu chien binh hang chuc nam tu nguyen bao ve dan vooc quy hiem-Hinh-3

Chị Thương không may gặp nạn khi đi tuần tra bảo vệ voọc giờ phải nằm điều trị tại nhà.

Ông Tú đưa chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Thương, một thành viên trong nhóm bảo vệ voọc không may ngã từ lèn đá xuống làm gãy chân cùng nhiều xương sườn trong lúc đi tuần tra.

"Thấy yêu loài voọc nên vợ chồng tôi tham gia nhóm bảo vệ voọc cùng bác Tú. Không may bị ngã trong lúc đi thăm voọc, giờ tôi nằm một chỗ, mọi việc trong gia đình do chồng tôi cáng đáng hết. Sáng nay anh ấy vào núi thăm voọc rồi", chị Thương cho biết.

Ông Tú cho biết, nhóm bảo vệ voọc hoạt động tự nguyện nên khi có người gặp nạn thì kinh phí chữa trị đều do gia đình tự bỏ ra. Gia đình chị Thương thuộc diện khó khăn tại địa phương, chị không may bị nạn khi tham gia bảo vệ voọc nên nay kinh tế càng khó khăn hơn.

Còn sức sẽ tiếp tục bảo vệ đàn voọc

Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa đã gây được sự chú ý của các nhà nghiên cứu sinh vật trong nước và quốc tế. Rất nhiều người đã tìm đến Thạch Hóa để tìm hiểu, chụp ảnh, ngắm nhìn những chú voọc.

Để bảo vệ tốt loài linh trưởng quý hiếm, các cơ quan chức năng tại Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch khu vực hơn 509 ha có voọc sinh sống thành rừng đặc dụng. Thí điểm giao rừng cộng đồng gắn liền với giao đất và thành lập "Nhóm bảo tồn cộng đồng tự nguyện khu vực rừng đặc dụng huyện Tuyên Hoá" để người dân có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng cũng như bảo tồn voọc đen gáy trắng trên khu vực.

Cuu chien binh hang chuc nam tu nguyen bao ve dan vooc quy hiem-Hinh-4

Ông Tú voọc (bên phải) cùng anh Nguyễn Văn Hồng trong chuyến đi thăm đàn voọc.

Cùng với đó tập huấn công tác bảo tồn, nâng cao năng lực cho người dân về bảo vệ rừng, hỗ trợ ban quản lý rừng cộng đồng triển khai điều hành các hoạt động của các nhóm bảo vệ rừng cũng như xây dựng kế hoạch phát triển bền vững dựa trên nền tảng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn loài - sinh cảnh.

Hiện nay, UBND các xã trong khu vực có voọc sinh sống đã thành lập các tổ bảo vệ rừng, với mục tiêu là bảo vệ sự bình yên cho loài voọc, đồng thời gìn giữ môi trường sống và nguồn thức ăn cho voọc với sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa, Trung tâm CIRD.

Chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm Quảng Bình cũng đã tiến hành cắm biển cấm săn bắt dưới mọi hình thức đối với loài động vật này ở khu vực núi đá vôi của xã Thạch Hóa; đồng thời tuyên truyền thường xuyên đến người dân trên địa bàn.

Voọc đen gáy trắng hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, thuộc nhóm IB, cực kỳ quý hiếm, nguy cấp nằm trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới.

Loài linh trưởng này sống theo từng đàn từ 2 đến 15 cá thể, nhưng cũng gặp những nhóm tới 30 cá thể.

Lần theo ký ức của mình, ông Tú cho biết, ngày xưa loài voọc còn rất nhiều, người dân quê ông lầm tưởng chúng là loài vượn. Với hàng chục đàn, chúng sống yên bình, kiếm ăn và vui đùa trên những lèn đá. Những con vượn này hiền lành và rất dạn với con người. Những ngày đi chăn trâu, làm nông, ông thường bắt gặp chúng.

Nhưng rồi những năm chiến tranh bom đạn tàn phá rừng, chúng sợ hãi, mất đi nơi sinh sống nên người dân không còn bắt gặp voọc chuyền cành kiếm ăn trên những dãy núi đá.

Rồi khi chiến tranh qua đi, những đồn thổi về việc voọc đen gáy trắng là một loại thuốc quý khiến nhiều người dùng súng, đặt bẫy tận diệt một cách không thương tiếc. Từ đó, voọc ở Thạch Hóa dường như biến mất.

Theo Giadinh