Sáng 19/4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Hồng Hà - cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long cùng 27 bị cáo trong vụ án tại Công ty CP Quản lý đường sông số 3.
Trong vụ án này, ông Phạm Hồng Hà bị truy tố về hai tội danh "Tham ô tài sản" và “Nhận hối lộ”.
27 bị cáo khác hầu tòa gồm nhiều lãnh đạo của một số công ty. Trong đó có: Phạm Văn Phả - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Đỗ Công Hào - Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Phạm Văn Chinh - Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Đoàn Duy Khánh - Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ cơ khí công trình Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Công ty CP đảm bảo an toàn đường thủy Mạnh Hưng; Đoàn Văn Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường thủy Quảng Ninh; Nguyễn Việt Thắng - Trưởng phòng quản lý kết cấu hạ tầng, thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam…
|
Bị cáo Phạm Hồng Hà cùng các bị cáo khác tại tòa. |
Các bị cáo này bị truy tố với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ; đưa hối lộ; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016, Sở GTVT Quảng Ninh có bàn giao một số tuyến đường thủy nội địa trên khu vực vịnh Hạ Long cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp quản theo phân cấp. Sau khi được giao quản lý, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã làm chủ đầu tư và triển khai đấu thầu công khai các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, đầu tư, xây lắp, cung cấp, vận chuyển trên tuyến đường thủy nội địa thuộc vịnh Hạ Long.
Khi biết Ban Quản lý vịnh Hạ Long chuẩn bị tổ chức đấu thầu, Phạm Văn Phả - Chủ tịch HĐQT Công ty CP quản lý đường sông số 3 đã nhờ Bùi Sĩ Giáp - Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban quản lý vịnh Hạ Long, để gặp ông Phạm Hồng Hà – khi đó là Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, nhằm xin được thực hiện các gói thầu.
Khi gặp nhau, ông Phạm Hồng Hà đồng ý tạo điều kiện để cho Công ty Đường sông 3 trúng thầu với điều kiện phải trích lại % giá trị hợp đồng ký kết.
Để tính toán tỷ lệ % trích lại, Hà thống nhất với Phả giao cho cấp dưới hai đơn vị đi khảo sát thực tế trên tuyến, tính toán khối lượng công việc thực hiện để thống nhất giá trị khối lượng công việc thực tế không cần làm, có thể bớt xén được so với hợp đồng.
Hai bên sau khi đi khảo sát, Hà thống nhất với Phả, đối với các gói thầu quản lý, bảo trì bớt xén được khối lượng công việc phía Công ty Đường sông 3 phải trích lại 5% giá trị hợp đồng cho Hà, 3 - 5% giá trị hợp đồng cho Giáp. Các gói thầu đầu tư, xây lắp không bớt xén được khối lượng công việc, trích lại 3% giá trị hợp đồng cho Hà, 2% giá trị hợp đồng cho Giáp.
Sau khi thỏa thuận, Hà chỉ đạo Giáp làm đầu mối, trực tiếp phối hợp với phía Công ty Đường sông 3 hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đảm bảo cho Công ty Đường sông 3 trúng thầu. Giáp chủ trì, chỉ đạo cấp dưới là Phạm Thái Dương, nhân viên Phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban Quản lý vịnh Hạ Long trực tiếp làm hồ sơ theo yêu cầu trên của Hà.
Thỏa thuận, thống nhất với Phạm Hồng Hà xong, Phả quán triệt, thông báo về nội dung thỏa thuận và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty đường sông 3 gồm: Đỗ Công Hào (Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3), Phạm Văn Chinh (Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3), Ngô Thị Thu Lư (Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3), Đoàn Duy Khánh (Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ cơ khí công trình Công ty CP Quản lý đường sông số 3) cùng thực hiện.
Về % giá trị hợp đồng trích lại cho phía Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ngoài Hà, Giáp còn có Phạm Thái Dương tham gia thực hiện giúp Công ty đường sông 3, Dương chủ động nói với Hào về việc trích % cho Dương, Hào báo cáo lại Phả và được Phả thống nhất trích lại 1% giá trị các hợp đồng ký kết cho Dương.
Trước năm 2020, các gói thầu của Ban quản lý vịnh Hạ Long có giá trị trên 100 triệu đồng, đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định, phải có ít nhất 3 nhà thầu tham gia. Theo chỉ đạo của Hà, Giáp yêu cầu Phả tìm các công ty đối tác nhờ làm đơn vị dự thầu “quân xanh”. Bằng chiêu trò “quân xanh”, trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2021, Công ty Đường sông 3 đã ký kết 18 hợp đồng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, với tổng trị giá là gần 70 tỷ đồng, gồm 6 hợp đồng về công tác quản lý, bảo trì; 8 hợp đồng về công tác đầu tư, xây lắp và 4 hợp đồng về hoạt động cung cấp, vận chuyển nước.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến năm 2019, tại TP Hạ Long, Phạm Văn Phả, Đỗ Công Hào, Phạm Văn Chinh, Ngô Thị Thu Lư đã cùng các bị can Phạm Hồng Hà, nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Bùi Sỹ Giáp và Phạm Thái Dương, Ban Quản lý vịnh Hạ Long lập khống hồ sơ, bớt xén khối lượng công việc để tham ô số tiền hơn 4,5 tỷ đồng của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Đối với 4 hợp đồng đầu tư, xây lắp không cắt xén được khối lượng công việc thì Công ty CP quản lý đường sông số 3 đã trích lại 517 triệu đồng. Trong đó Phạm Hồng Hà được nhận 260 triệu đồng, Giáp nhận 170 triệu đồng, Phạm Thái Dương nhận 87 triệu đồng.
Theo tỷ lệ phần trăm "hoa hồng" đã được thống nhất, cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long được xác định đã 6 lần nhận hối lộ trực tiếp từ Phạm Văn Phả với tổng số tiền 725 triệu đồng để giúp Công ty CP quản lý đường sông 3 trúng các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, xây lắp cũng như bớt xén khối lượng thi công công việc trên tuyến đường thủy nội địa do Ban quản lý vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư.
Bùi Sĩ Giáp 7 lần nhận tổng số tiền 732 triệu đồng. Ngoài ra, Phạm Thái Dương được trích lại 1% với 9 lần nhận tổng số tiền hơn 168 triệu đồng từ lãnh đạo Công ty CP quản lý đường sông 3.
Với các hành vi trên, Phạm Hồng Hà và Bùi Sĩ Giáp bị đề nghị truy tố các tội "tham ô tài sản" và "nhận hối lộ" quy định tại điểm a, khoản 4, điều 353 và các điểm c, e, khoản 2 điều 354 của Bộ luật Hình sự. Phạm Thái Dương cũng bị đề nghị truy tố các tội "tham ô tài sản" và "nhận hối lộ" nhưng được quy định tại điểm a, khoản 4, điều 353 và điểm a, khoản 1, điều 364.
Về tình tiết giảm nhẹ, quá trình điều tra, các bị can đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình nên đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong quá trình công tác, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà có nhiều thành tích xuất sắc được Nhà nước và các cấp tặng thưởng Huân chương và nhiều bằng khen.
Phiên tòa dự kiến kéo dài trong vòng 5 ngày.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ninh Bình: 3 cán bộ công an bị tước danh hiệu CAND, vì sao?
Hải Ninh