Đề nghị Interpol truy nã quốc tế
Mới đây, trao đổi với báo chí, đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc, Thủ tưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan điều tra đã nắm thông tin về việc bị can đang bị truy nã Phạm Văn Sáng, cựu Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai đang sống tại Mỹ.
|
Ông Phạm Văn Sáng và bằng lái xe ghi đầy đủ thông tin trùng khớp với lý lịch do cơ quan chức năng Mỹ cấp đang lan truyền trên mạng. Ảnh: Đại đoàn kết.
|
Tháng 2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai khởi bị can đối với Phạm Văn Sáng, về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, Sáng đã bỏ trốn khỏi địa phương nên bị truy nã trên toàn quốc.
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng, ông Phạm Văn Sáng đang sống ở Mỹ sau khi bỏ trốn.
Để chứng minh ông Sáng đang ở Mỹ, một tài khoản mạng đã đưa ra hình ảnh một giấy phép lái xe được ghi bang California cấp phép có thời hạn sử dụng đến ngày 4/10/2024, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh của ông Phạm Văn Sáng. Tất cả những thông tin của người này đều trùng khớp với lý lịch của ông Phạm Văn Sáng. Thậm chí có thông tin cho biết, ngày 19/6 nhiều người thấy ông Sáng có mặt ở hội chợ Phúc Lộc Thọ, bang California (Mỹ).
Nhiều người cho rằng, trường hợp Interpol vào cuộc, Cựu GĐ Sở KH&CN Đồng Nai Phạm Văn Sáng dù trốn sang Mỹ sẽ bị dẫn độ về Việt Nam để chịu tội như Trịnh Xuân Thanh và Phan Văn Anh Vũ.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa dẫn quy định của Luật hỗ trợ tư pháp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn cho biết, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
Khi yêu cầu dẫn độ liên quan đến người chưa bị kết án, phải kèm theo bản sao lệnh bắt của thẩm phán hay người có thẩm quyền khác của Việt Nam và văn bản xác nhận theo quy định của bên được yêu cầu dẫn độ, việc chuẩn bị xét xử về tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, thông tin xác nhận người bị dẫn độ là người được nêu trong lệnh bắt. Không những vậy, việc dẫn độ này cần phải có sự hợp tác của nước mà người có hành vi phạm tội đang trú.
Kê khai tài sản
Có thông tin cho biết, ông Sáng sau khi trốn sang Mỹ đã tạo cho mình một "vỏ bọc" bằng nickname Bryan Lam trên mạng xã hội. Sau đó, Bryan Lam (Phạm Văn Sáng) mua nhà và mua một chiếc ôtô Tesla trị giá 130.000 USD rồi chia sẻ những cuộc đi chơi, đi tham quan ở khắp các tiểu bang của Mỹ.
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đây cũng là một kênh thông tin để cơ quan công an tham khảo trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, trước đó cơ quan công an cũng đã điều tra, thu thập xác minh việc ông Sáng đã trốn ra nước ngoài.
Việc ông Sáng được cho tậu xe xịn, nhà sang ở Mỹ nếu đúng như thông tin trên khiến dư luận đặt câu hỏi tiền ở đâu? Đồng thời đặt ra nghi vấn về công tác kê khai tài sản trong quá trình ông Sáng còn tại vị.
Việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai là một trong những biện pháp hữu hiệu để minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tiến tới kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng, chống tham nhũng. Do đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, từng bước tạo hành lang pháp lý khá toàn diện về kiểm soát tài sản.
Tuy nhiên đến nay, việc kê khai tài sản, thu nhập người có nghĩa vụ kê khai vẫn chưa đạt được mục đích và sự kỳ vọng của xã hội. Thậm chí vẫn còn rất hình thức và vẫn chưa chặt chẽ, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện.
Bên cạnh đó, hiện nay, các đối tượng tham nhũng có rất nhiều thủ đoạn để tẩu tán tài sản sau khi chiếm đoạt như để vợ, con, người thân trong gia đình nhận tiền, tài sản tham nhũng rồi họ chuyển hóa thành các tài sản khác.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố, các đối tượng thực hiện thủ tục ly hôn giả để chuyển giao toàn bộ tài sản cho vợ và sang tên cho các con. Đến khi bị khởi tố, bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn để không tẩu tán tài sản, đối tượng không còn đứng tên tài sản nào khác dẫn đến việc phát hiện cũng như thu hồi tài sản do phạm tội mà có gặp nhiều khó khăn;
Các đối tượng mở các tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài có tính bảo mật cao như ngân hàng Thụy Sĩ, khi chiếm đoạt được tài sản, tham nhũng được tài sản thì các đối tượng chuyển tiền vào ngân hàng nước ngoài có tính bảo mật cao để các cơ quan bảo vệ pháp luật khó phát hiện cũng như khó có thể xử lý, thu hồi được...
Nói về thông tin cựu Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai bỏ trốn sang Mỹ, tậu nhà sang, xe xịn, luật sư Cường cho rằng, có thể do ông Sáng đã bỏ trốn ra nước ngoài nên việc tiến hành kỷ luật cũng như việc tống đạt quyết định khởi tố cho ông này không thể thực hiện được.
Theo quy định của pháp luật, cán bộ, đảng viên nếu nghỉ việc phải báo cáo với tổ chức, trường hợp cán bộ ra nước ngoài cũng phải báo cáo theo quy định của đảng về quản lý cán bộ. Vậy mà nửa năm nay, cơ quan quản lý cán bộ này không biết ông ta ở đâu vậy cơ quan chức năng tìm kiếm nhiều nơi nhưng không thấy. Điều này cho thấy việc ông này bỏ trốn và bị truy nã là có căn cứ.
Theo quy định của pháp luật, khi đã khởi tố bị can mà bị can bỏ trốn, phải tiến hành truy nã. Cơ quan chức năng của Việt Nam có thể phối hợp với cảnh sát quốc tế để truy nã quốc tế nếu có căn cứ cho thấy đối tượng truy nã đã ra nước ngoài. Trong vụ án này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xử lý đối với đối tượng đã bị khởi tố. Còn đối với bị can bỏ trốn mà chưa bắt được sẽ tạm đình chỉ, đến khi nào bắt được thì tiếp tục phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bị can bỏ trốn, cơ quan điều tra truy nã và tạm đình chỉ, tuy nhiên những tài sản có liên quan đến tội phạm hoặc tài sản của bị can có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phong tỏa, tránh tẩu tán tài sản và là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ dân sự sau khi xử lý theo quy định pháp luật.
Vụ việc trên cũng như vụ việc Trịnh Xuân Thanh trước đây cho thấy, tình trạng nhiều cán bộ phạm tội đã trốn ra nước ngoài để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên có những đối tượng đã bị bắt giữ như Trịnh Xuân Thanh và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, cần siết chặt công tác quản lý cán bộ, công tác kê khai tài sản. Trường hợp có vi phạm đến mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cần phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, tránh trường hợp đối tượng bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy nã Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường:
Hải Ninh