Cựu Phó phòng cảnh sát kinh tế xâm hại nữ sinh: Bản án chưa đủ răn đe

Google News

(Kiến Thức) - Cựu Phó phòng cảnh sát kinh tế xâm hại nữ sinh ở Thái Bình bị tuyên án 3 năm tù, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng mức án như vậy chưa đủ mức răn đe, gây bức xúc dư luận.

Ngày 19/4 vừa qua, TAND TP Thái Bình đã xét xử cựu Phó phòng cảnh sát kinh tế xâm hại nữ sinh ở Thái Bình cùng 3 bị cáo khác có liên quan về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Các bị cáo đã xâm hại tình dục tập thể nữ sinh lớp 9 trong một khách sạn.
Theo đó, Phạm Như Hiển (tên thường gọi là Kiểm, SN 1974) bị tuyên án 5 năm tù giam về tội "giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi". 
Phạm Đức Việt (SN 1974) nhận 2 năm 6 tháng tù giam về tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".
Phạm Văn Lam (cựu Phó phòng PC46 Công an tỉnh Thái Bình) nhận án 3 năm tù, Từ Minh Tuyên nhận 2 năm tù theo Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa được xét xử kín theo khoản 2, Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư 02/2018 của TAND Tối cao.
Sau khi HĐXX tuyên án cựu Phó phòng cảnh sát kinh tế xâm hại nữ sinh cùng đồng bọn, rất nhiều người tỏ thái độ bất bình, bức xúc, cho rằng hình phạt dành cho các bị cáo chưa thỏa đáng.
Cuu Pho phong canh sat kinh te xam hai nu sinh: Ban an chua du ran de
 Phiên tòa tại Thái Bình được xét xử kín.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật) đã có những nhìn nhận, phân tích về bản án đang khiến dư luận xôn xao.
Luật sư đánh giá thế nào về mức án đối với các bị cáo so với hành vi xâm hại tình dục tập thể một nữ sinh (sinh năm 2004)?
Điều 50 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt.
Mặt khác, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. Trong trường hợp người phạm tội lần đầu, giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể thì hình phạt dưới mức thấp đó không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.
Bản thân tôi rất bất ngờ đối với mức án có phần ưu ái mà tòa đã dành cho các bị cáo. Điều đáng nói nhất, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng tăng cao trong thời điểm hiện tại. Một điều gây bất bình trong dư luận nữa, là các bị cáo lại là những người công tác trong ngành pháp luật, thậm chí là cha nuôi của bị hại.
Theo điều tra, 4 bị cáo đã đưa nữ sinh sinh năm 2004 vào khách sạn rồi thực hiện hành vi giao cấu lẫn xâm hại, khiến nạn nhân hoảng loạn sau nhiều ngày mất tích. Theo luật sư, việc truy tố, xét xử 4 bị về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 liệu có thỏa đáng?
Mỗi một vụ án đều có những tình tiết vụ việc khác nhau trên cơ sở kết luận điều tra để các cơ quan tiến hành tố tụng tội danh phù hợp.
Về cá nhân, tôi chỉ được tiếp cận vụ việc qua báo chí, internet mà không được đọc hồ sơ vụ án thế nên sẽ khó để nói việc định tội danh cho bị cáo đã đúng hay không. 
Song, thuận theo tự nhiên chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng: không có nữ sinh nào mới học lớp 9 mà đồng ý vào khách sạn để quan hệ tình dục với 4 người, chứ chưa nói đến 4 người đó đều là những người đáng tuổi cha chú, trong đó lại có cả cha nuôi.
Mới 15 tuổi, tôi nghĩ rằng nạn nhân có thể đã dậy thì, có thể có cảm xúc "thích" một bạn nam khác giới chứ chưa thể sẵn sàng để ôm ấp, vuốt ve, quan hệ tình dục cùng lúc với 4 người đàn ông lớn tuổi. Với kiến thức của các chuyên gia điều tra và căn cứ kết quả giám định, không khó để phát hiện mấu chốt của vấn đề là nữ sinh này bị hiếp dâm hay thuận tình giao cấu. 
 Mặt khác, những bị cáo này đều là những người có học thức, có địa vị trong xã hội, họ là doanh nhân và thậm chí còn có cả một Thượng tá ngành Công an, giữ chức vụ Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của CA tỉnh Thái Bình.
Trong số 4 bị can bị khởi tố có một người được cho là “bố nuôi” của nữ sinh. Tôi cho rằng đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ này mà còn là biểu hiện suy thoái nghiêm trọng đạo đức, lối sống.
Do vậy, cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật đúng người, đúng tội để đảm bảo công bằng xã hội, giữ gìn hình ảnh của công an nhân dân trong mắt quần chúng chứ không phải dùng để chuyển một tội danh nhẹ hơn. Nếu việc xét xử các bị cáo thiếu khách quan và nghiêm minh thì hiệu ứng lan toả từ vụ án sẽ có tác động rất tiêu cực đến niềm tin của nhân dân trong xã hội.
Phiên tòa được xử kín, tuyên án công khai do bị hại là trẻ em và có đơn yêu cầu xử kín. Tuy nhiên, lúc tuyên án, tòa ngăn cấm việc chụp ảnh, quay phim? Theo luật sư, việc làm này có đúng với tính chất "công khai"?
Có thể nói, việc xét xử công khai thể hiện tính dân chủ nhằm đảm bảo cơ chế kiểm tra và giám sát của dân đối với hoạt động xét xử. Bên cạnh đó, xét xử công khai còn giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng làm việc của đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trước quần chúng nhân dân trong vai trò là những người phải đảm bảo việc xét xử công bằng, công tâm và khách quan.
Hơn nữa, việc Toà án tiến hành xét xử công khai cũng góp phần giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, bởi thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người có thể nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật thì cũng sẽ bị xử lý và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Khoản 2, điều 423, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 và thông tư 02/2018/TT - TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao đã quy định chi tiết về việc xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Cụ thể như sau:
"Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại điều 327 Bộ luật Tố tụng hình sự".
Điểm tiếp theo mà chúng ta cần chú ý trong quy định về thủ tục xét xử kín: mặc dù quá trình xét xử kín nhưng việc tuyên án phải thực hiện công khai.
Theo đó, tuyên án công khai được hiểu là việc tuyên án đó không được thực hiện kín mà được tuyên cho mọi người khác (các chủ thể không được tham gia phiên xét xử kín) cùng nghe. Có thể hiểu rằng, quy định về việc tuyên án công khai này nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai để từ đó giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết.
Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai là phải nhằm mục đích giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Bởi lẽ, thông qua hoạt động xét xử công khai, mọi người nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật, thể hiện tính răn đe và mục đích phòng ngừa chung đến xã hội.
Tuy nhiên, bị hại và người đại diện của bị hại vắng mặt và Chủ tọa lại để cho những người bận thường phục chứ không phải cảnh sát bảo vệ phiên tòa ngăn cản việc quay phim chụp hình. Về điều này, tôi cho rằng tòa đã gây phản cảm hoạt và cản trở hoạt động đưa tin, tuyên truyền của báo chí để nâng cao nhận thức của người dân.
Ông có nhận định thế nào về chế tài xử phạt các hành vi xâm hại tình dục trẻ em hiện nay?
Bản thân tôi và những nhà hoạt động trong lĩnh vực pháp lý khác cũng như người dân đều không đồng tình với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các chế tài xử phạt với các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em và phụ nữ hiện nay. Đè một phụ nữ hôn trong thang máy chỉ bị xử phạt 200.000 đồng hay như “ Linh nựng” ở Đà Nẵng đến giờ vẫn chưa thể khởi tố được là do thiếu các quy định của pháp luật. Chế tài xử lý tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, phụ nữ còn nhiều sơ hở thiếu sót, dẫn tới việc làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh xử lý đối với tội phạm này. 
Tôi có thể lấy ví dụ, tất cả mọi người đều phẫn nộ với hành vi của Nguyễn Hữu Linh khi xem băng ghi hình trong thang máy. Tuy nhiên, hành vi hôn trẻ em là như thế nào, và điều đó có cấu thành tội phạm hay không thì lại chưa có quy định cụ thể. 
Một điều bất cập nữa, tôi cho rằng nằm ở khung hình phạt. Các tội xâm phạm tình dục với trẻ em trong cùng một khung nhưng khoảng cách từ năm thấp nhất của khung đến năm cao nhất của khung chênh lệch quá cao. Khi dựa vào đó, Hội đồng xét xử có thể tuyên án kiểu "giữa chừng".
Đây là điều đáng suy nghĩ trước thực tế hiện nay các tội phạm xâm phạm tình dục phụ nữ, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gái đang có xu hướng gia tăng, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội. 
Nghiêm trọng hơn, ở góc độ xã hội thì tình trạng xâm hại tình dục lại là mầm mống phát triển của nhiều loại tội phạm khác như cướp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích… do tính chất đặc biệt của nạn nhân và đối tượng gây án.
Phần lớn dư luận xã hội hiện nay vẫn cho rằng xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng, hòa giải rút đơn kiện. Trong trường hợp đó, người thực hiện hành vi phạm tội lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi cho rằng việc kịp thời hay không cũng là điều cần phải làm chặt chẽ hơn.
Lý do bởi, đặc thù của loại tội phạm này thường diễn ra nhiều lần, với nhiều người nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội.
Hiện nay, đã xuất hiện hành vi phạm tội kiểu mới, đối tượng phạm tội là người đồng tính. Tuy nhiên, việc các quy định của pháp luật chưa quy định đối với các hành vi này còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến việc thiếu căn cứ xử lý, hình phạt áp dụng đối với các đối tượng phạm tội chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số vụ phạm tội người đồng tính tiếp tục gia tăng. 
Xin cảm ơn luật sư!
Quý An