CQĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó TGĐ Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam- VEC) tội vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết luận điều tra cho rằng, hành vi của ông Hùng gây hậu quả nghiêm trọng với thiệt hại được xác định là hơn 422 tỷ đồng.
Đây là số tiền đã được VEC thanh toán cho các nhà thầu thi công đối với hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng trong thời gian ông Hùng phụ trách chỉ đạo thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng |
Theo lời khai của cựu Phó TGĐ VEC, thiệt hại trên không phải trách nhiệm của bị can. Ông Hùng cho rằng, đó là trách nhiệm của Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, trách nhiệm của Tư vấn giám sát, của các nhà thầu thi công và trách nhiệm của Hội đồng thành viên (HĐTV) VEC.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Quốc Việt (Chủ tịch HĐTV VEC từ ngày 6/8/2012-1/6/2017) đã thay mặt VEC ký các hợp đồng liên quan. Còn việc quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án thuộc quyền hạn và nghĩa vụ của TGĐ, các Phó TGĐ và các Phòng, Ban chuyên môn được phân công.
Kết quả điều tra vụ án chưa có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Quốc Việt.
Đối với ông Mai Tuấn Anh và Trần Văn Tám (TGĐ VEC), CQĐT cho rằng, hai người này liên quan đến giai đoạn 2 của dự án, sẽ xem xét sau.
Thực hiện thi công xây lắp các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án đường cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi, sau khi tham dự đấu thầu và trúng thầu theo quy định, các ông: Cấn Hồng Lai (TGĐ Cienco 1), Hà Hùng (TGĐ Cienco 5), Lương Quang Thi (TGĐ Công ty Trico), Nguyễn Văn Thanh (TGĐ Cienco 6), Hồ Văn Dũng (TGĐ, Tổng Công ty Sông Đà), Lê Ngọc Hoa (TGĐ Cienco 4), Nguyễn Đức Kiên (TGĐ, Tổng Công ty Thăng Long)... đã ký hợp đồng xây lắp các gói thầu với đại diện pháp luật của VEC là ông Trần Quốc Việt.
Sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư, các cá nhân là đại diện pháp luật của các nhà thầu thi công kể trên đã có quyết định thành lập Ban điều hành liên danh; ban hành Quy chế tổ chức hoạt động; cử các lãnh đạo, cán bộ thuộc đơn vị mình quản lý làm giám đốc, phó giám đốc, đại diện nhà thầu trực tiếp tổ chức thi công, nghiệm thu tại hiện trường dự án.
Trong các quyết định phân công, quy chế hoạt động của Ban điều hành liên danh đều nêu rõ, Ban điều hành liên danh, các thành viên Ban điều hành liên danh chịu trách nhiệm về chất lượng hạng mục, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành.
Qúa trình điều tra vụ án, không có tài liệu, chứng cứ về việc các cá nhân này có hành vi vi phạm, chỉ đạo cán bộ cấp dưới làm trái quy định của pháp luật, có tư lợi trong quá trình thực hiện dự án.
Do vậy, CQĐT cho rằng, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên.
Tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu
Qúa trình điều tra vụ án, CQĐT phát hiện một số bất cập, tồn tại, sơ hở trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng nên đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT một số nội dung.
Theo đó, cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến công tác thi công, giám sát, thanh quyết toán…
Việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài tham gia thi công, giám sát có chi phí rất lớn, nhưng thực tế lại do các đơn vị, kỹ sư người Việt Nam thực hiện ở hiện trường.
Vấn đề chia nhỏ gói thầu khi thực hiện dự án làm mất kiểm soát chất lượng trong công tác thi công; phân bổ và bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.
Đặc biệt, tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu; nhà thầu chính giao cho nhiều nhà thầu phụ (B’,B’’) không đủ năng lực thực hiện, dẫn tới không kiểm soát được chất lượng công trình.
Theo T.Nhung/Vietnamnet