Ngày 21/11, sau khi VKS công bố cáo trạng, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' và 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long (Công ty Dược Cửu Long) và các đơn vị liên quan.
|
Bị cáo Lương Văn Hóa. (Ảnh: TTXVN). |
Người đầu tiên đứng lên bục khai báo là bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long). Bị cáo Hóa khai, bản thân có 6 năm công tác tại Công ty Dược Cửu Long với tư cách là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo các hoạt động của công ty. Bản hợp đồng giữa Công ty Dược Cửu Long với Bộ Y tế về việc đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc Oseltamivir được bị cáo Hóa trực tiếp ký.
Nói về khoản tiền 3,8 triệu USD đã giữ lại (đây là tiền đối tác nước ngoài Mambo giảm giá, nhưng các bị cáo không nộp lại Nhà nước), bị cáo Hóa khai: "Chỉ khi nào được bên đối tác nước ngoài (công ty Mambo - Singapore) chính thức giảm giá thì bị cáo mới báo cáo. Do chưa có văn bản chính thức của Mambo về việc giảm giá nên bị cáo chưa có văn bản báo cáo lên Bộ Y tế".
Theo bị cáo Hoá, 2005 là năm đặc biệt khó khăn của các doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng tới hơn 20%, trong khi đó Dược Cửu Long là doanh nghiệp nhà nước nên vốn rất ít, phải vay ngân hàng. Cho nên Dược Cửu Long hạch toán, sử dụng số tiền trên như chiếm dụng vốn của khách hàng để giải cứu trong lúc phải trả lãi ngân hàng cao.
Sau đó, bị cáo Hoá chỉ đạo kế toán để hạch toán số tiền trên vào phần giảm giá hàng hoá mua được trong 3 năm 2006 - 2008. Những lần hạch toán này Công ty Dược Cửu Long không báo lại với Bộ Y tế.
"Bị cáo biết tiền đó là ngân sách nhà nước, bị cáo nhận thức được hợp đồng giữa 2 bên là hợp đồng kinh tế, anh mua của tôi thì trả tiền cho tôi chứ không nhận thức được tiền nhà nước thì phải sử dụng thế nào. Việc giữ lại số tiền sau khi công ty đã giao hết hàng có nghiệm thu, khi nào Mambo có văn bản giảm giá cho công ty thì công ty mới giảm giá cho Bộ Y tế. Thực tế từ 2006 đến nay, Mambo chỉ đòi lại tiền 1 lần. Về cáo trạng, bị cáo không có ý kiến gì. Bị cáo đứng đây biết bị cáo có lỗi", bị cáo Hóa nói.
Theo cáo buộc, đầu năm 2006, Bộ Y tế đặt hàng mua thuốc của Công ty Dược Cửu Long và giảm từ 13 triệu viên còn 5 triệu viên thuốc Oseltamivir với tổng giá trị giao dịch là hơn 145 tỷ đồng. Sau đó, ông Hóa chỉ đạo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc Xuất nhập khẩu Chi nhánh TP HCM) đàm phán với Công ty Mambo ký hợp đồng mua 525 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 17.500 USD/kg. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 9,1 triệu USD.
Giữa tháng 4/2006, cựu Phó tổng giám đốc Dược phẩm Cửu Long Nguyễn Thanh Tòng (đã chết) lập hồ sơ chuyển tiền tạm ứng, thanh toán cho Công ty Mambo hơn 5,2 triệu USD. Còn lại trên 3,8 triệu USD được trả chậm trong 6 tháng từ ngày nhận hàng. Bị cáo Hóa muốn giữ số tiền trên 3,8 triệu USD để sử dụng cho Dược Cửu Long nên không báo cáo Bộ Y tế về việc điều chỉnh giá trị hợp đồng. Để hợp thức hóa khoản tiền này, ông Hóa đã họp HĐQT để điều chỉnh một số thông tin trước khi công bố cho cơ quan kiểm toán. Sau đó, bị cáo ký báo cáo tài chính năm 2010, thể hiện Dược Cửu Long không phải trả cho Công ty Mambo hơn 3,8 triệu USD.
>>> Xem thêm video: TP. Hồ Chí Minh: Xét xử vụ án bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong
Gia Đạt