Ngán ngẩm vì sao, đơn giản họ - những con người thành niên, có học thức lại đi chấp nhận trở thành những quân cờ trong tay người khác, đứng chức danh to tác (Tổng Giám đốc) ký vào hàng đống hợp đồng chính họ không hiểu để làm gì. Để rồi đến khi vướng vòng lao lý mới giật mình tỉnh cơ mê thì đã muộn!
Giữa tòa, họ đều kêu oan, không biết, nhưng làm sao mà có thể nói vậy khi mà chữ ký của họ nằm trên những hợp đồng khống, giúp sức cho Hà Văn Thăm, Nguyễn Xuân Sơn bòn rút hàng trăm tỷ đồng.
Lái xe “kiêm” Tổng giám đốc ngơ ngác giữa Tòa
Một trong những giám đốc “bù nhìn” đáng nhớ nhất trong đại án OceanBank là bị cáo Trần Văn Bình – cựu Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung. Trước khi trở thành Tổng giám đốc đầy quyền lực, Trần Văn Bình là…lái xe ở Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (viết tắt Công ty Thiên Thanh) do Phạm Công Danh làm Chủ tịch. Không biết Danh đã “rót” lời đường mật thế nào mà một ông lái xe lại sẵn sàng đứng tên làm Tổng giám đốc mà không nghĩ tới hậu quả.
|
Bị cáo Trần Văn Bình - cựu Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung. Nguồn ảnh: Sputnik |
Khai trước tòa ở những ngày xử trước liên quan tới khoản vay trái quy định, bí cáo Bình cho nói rằng, ông Phạm Công Danh (SN 1965, cựu Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) đã yêu cầu bị cáo ký các loại giấy tờ để chứng minh phần góp vốn 250 tỷ đồng và để hoàn thiện hồ sơ vay vốn tại Oceanbank. Khi ký tên, bị cáo không đọc nội dung và không biết ông Phạm Công Danh sử dụng số tiền 500 tỷ đồng đó. Bị cáo khẳng định, bản thân không hề hay biết, chỉ đến khi quá trình điều tra, bị cáo mới được xem hợp đồng tín dụng giữa Công ty Trung Dung với ngân hàng Oceanbank.
Tiếp tục làm rõ nhân thân của Tổng giám đốc Công ty Trung Dung và hành vi cho vay 500 tỷ đồng của Ngân hàng Oceanbank, Hội đồng xét xử chuyển sang thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh.
Bị cáo Danh cho biết, cựu Tổng giám đốc Công ty Trung Dung vốn là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, thuộc bộ phận hành chính, bị cáo cũng ít tiếp xúc với Bình. “Chính Bình là người xin đứng tên làm Tổng giám đốc chứ không ai ép cả”, ông Danh trả lời HĐXX.
Hôm 14/9, bị cáo Bình bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Nước mắt muộn màng của nữ diễn viên xinh đẹp
Nếu như ông Bình chỉ là một nhân viên lao động bình thường, có thể vin vào “thiếu hiểu biết” mà chống chế cho lỗi lầm của ông, thì bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (còn gọi là Quỳnh Tứ) đã tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh, từng đóng nhiều bộ phim, vậy mà…
|
Mỗi lần đứng lên trả lời HĐXX là một lần Hồng Tứ lại bật khóc. Nguồn ảnh: Lao động |
Theo cáo trạng truy tố, vào năm 2008, khi Công ty BSC thay đổi đăng ký kinh doanh, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ được Hà Văn Thắm cho đứng tên làm Chủ tịch HĐQT. Bị cáo Tứ được xác định đã ký 98 hợp đồng dịch vụ thu số tiền hơn 14 tỷ đồng (số tiền này dùng để chi “chăm sóc khách hàng”). Toàn bộ số tiền này bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt gây thiệt hại cho OceanBank. Ngoài ra, Tứ đã ba lần nhận tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng của Công ty BSC để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn.
Trước tòa, bị cáo Tứ khóc nói: “Là Chủ tịch HĐQT nhưng bị cáo không biết trụ sở Công ty BSC ở đâu, không biết có bao nhiêu nhân sự, hoạt động thế nào. Anh Thắm nhờ bị cáo đứng hộ tên trong khi chờ người về điều hành, thấy không có sự vi phạm pháp luật gì nên bị cáo đồng ý. Bị cáo không làm gì, không nhận lương, không góp vốn, không làm bất cứ việc gì liên quan đến Công ty BSC. Nhiều lần bị cáo nói với anh Hà Văn Thắm, rằng em xin anh cho em không đứng tên, vì mọi việc em không làm, em không biết. Sau đó anh Thắm đồng ý cho bị cáo chuyển chức danh đó cho người khác".
|
Hồng Tứ là một nữ diễn viên xinh đẹp. Nguồn ảnh: Lao động |
Việc làm thiếu hiểu biết trên đã khiến bị cáo Tứ bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp cùng Hà Văn Thắm giúp sức cho hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn. Dù “không biết” nhưng bị cáo này vẫn bị đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù giam.
Am hiểu luật mà lại phạm luật
Đã đành Trần Văn Bình hay Hồng Tứ có thể không am hiểu về luật pháp nên “lỡ” tiếp tay cho Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, thế nhưng ngay cả với một người chuyên về luật, có bằng tiến sĩ như Phạm Hoàng Giang sẵn sàng đứng danh Tổng Giám đốc kí nhiều hợp đồng khống thật khiến người ta không hiểu nổi?
Bị cáo Phạm Hoàng Giang từng là Trưởng ban Pháp chế của OceanBank, là một tiến sỹ, luật sư có nhiều năm kinh nghiệm.
Theo cáo trạng, Phạm Hoàng Giang được Hà Văn Thắm đưa sang Công ty BSC, bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc nhằm thực hiện mục đích sử dụng công ty này ký các hợp đồng dịch vụ khống để “thu phí” khách hàng, hợp thức hóa tiền thu ngoài lãi suất trong hợp đồng vay vốn và tiền chênh lệch khi bán ngoại tệ.
|
Bị cáo Phạm Hoàng Giang. Nguồn ảnh: Zing.vn |
Trong thời gian làm “Tổng Giám đốc BSC”, Giang đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, thu gần 69 tỷ đồng để Hà Văn Thắm chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) sử dụng.
Quá trình điều tra xác định Phạm Hoàng Giang không biết mục đích thu phí và việc sử dụng tiền phí thu được từ các hợp đồng dịch vụ mà Công ty BSC đã ký với khách hàng.
"Bị cáo được ký hợp đồng làm tổng giám thuê với mức lương 10 triệu đồng 1 tháng. Khi làm ở BSC, bị cáo đã xem hồ sơ của công ty gồm giấy đăng ký kinh doanh, báo cáo tài chính có kiểm toán. Tất cả thể hiện công ty hoạt động theo đúng pháp luật. Cho đến khi bị khởi tố, bắt giam và hầu tòa, bị cáo mới ngỡ ngàng bởi lâu nay luôn tin BSC là một công ty làm ăn hợp pháp" - Phạm Hoàng Giang khóc trước tòa.
Phạm Hoàng Giang bị cáo buộc giúp sức cho Thắm và Sơn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trong phần luận tội hôm 14/9, Phạm Hoàng Giang bị VKS đề nghị mức án 8-9 năm tù giam về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Phượng Hồng (tổng hợp)