Khác với những tuần trước, ngày hôm qua (thứ 7, 16/9), phiên xử đại án OceanBank tiếp tục làm việc với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo. Một trong số các bị cáo được “giúp gỡ tội” là Nguyễn Minh Đạo (SN 1969, HKTT tại đường Trần Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) – Nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Hà Nội.
Hôm 14/9, VKS đề nghị mức án 36-42 tháng với bị cáo Đạo vì tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, Nguyễn Minh Đạo đảm nhiệm chức vụ Giám đốc ngân hàng Đại Dương, chi nhánh Hà Nội từ tháng 8/2010 đến 30/10/2013.
Thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu về việc chi trả lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm cho khách hàng gửi tiền, Nguyễn Minh Đạo đã nhận và thực hiện chi lãi ngoài cho khách hàng số tiền hơn 42 tỷ đồng. Hầu hết số tiền này đều vượt trần lãi suất theo quy định của ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ. Do vậy, bị cáo Đạo phải liên đới chịu trách nhiệm về khoản tiền trên.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Bách. |
Bào chữa cho Đạo tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, nếu có quy kết tội cho 34 Giám đốc Chi nhánh, Phòng giao dịch và các Giám đốc khối của OceanBank thì sẽ là một sự bất bình đẳng khi thời điểm họ còn là Giám đốc, không chỉ riêng OceanBank mà các tổ chức tín dụng khác cũng tham gia vào việc chi lãi ngoài.
Câu chuyện mà luật sư Bách muốn đề cập ở đây chính là các giám đốc, phó giám đốc chi nhánh cũng như các giám đốc khối không có sự lựa chọn nào khác. Họ chỉ là những người phải thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, giống như một quyết định hành chính trong nội bộ OceanBank, buộc các giám đốc, phó giám đốc chi nhánh và giám đốc khối phải chấp hành.
“Bản thân người ta không bao giờ nghĩ rằng việc làm của họ gây thiệt hại cho OceanBank, câu chuyện thực tế OceanBank có thiệt hại hay không, tôi tin rằng bản thân các Giám đốc ngồi đây không gây ra thiệt hại”, Luật sư Bách nói.
Phản biện với cáo trạng “Nguyễn Minh Đạo đã nhận và thực hiện chi lãi ngoài cho khách hàng số tiền hơn 42 tỷ đồng”, Luật sư Nguyễn Hoàng Bách cho rằng, cần xem lại đó là hậu quả hay hiệu quả vì nếu không chi cho khách hàng, khách hàng sẽ không gửi tiền, ngân hàng sẽ đổ vỡ.
“Nếu không có tiền gửi của khách hàng thì lấy đâu ra tiền cho vay, lấy đâu ra lợi nhuận và các chi phí khác. Thậm chí hoạt động của Chi nhánh Hà Nội và các chi nhánh khác đều hiệu quả nhờ hoạt động chăm sóc khách hàng. Cái lợi nhuận đó không được xem xét, còn cái phải chi ra để đem về lợi nhuận lại đang bị xem xét, đang được coi là thiệt hại, là hậu quả của những hành vi có dấu hiệu tội phạm”, Luật sư Bách nói tại tòa.
Với vai trò là Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Nguyễn Minh Đạo sẽ chỉ đạo chung các vấn đề của chi nhánh. Luật sư Bách nói: “Tội của Nguyễn Minh Đạo là tội làm giám đốc. Không có cách nào để chứng minh Nguyễn Minh Đạo có tội khác vì ông ấy không nhận tiền, không chi tiền”.
Trong thời điểm các bị cáo đang làm Giám đốc chi nhánh, các tổ chức tín dụng khác vẫn chi lãi ngoài. Cũng như các luật sư khác, luật sư Bách cho rằng việc xử lý hình sự các Giám đốc tại OceanBank là không công bằng, trong khi phải mất hàng chục năm mới đào tạo ra được những con người như thế.
Luật sư Bách nói nếu chỉ nhìn nhận hành vi của các bị cáo vi phạm quy định của Thông tư 02 và coi họ như tội phạm là không ổn và đề nghị HĐXX xem xét bị cáo Đạo không phạm tội.
Phượng Hồng (tổng hợp)