Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí: “Tham nhũng vặt như vòi bạch tuộc gây bức xúc lớn“

Google News

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư.

Tham nhũng vặt ngày càng tinh vi, nhức nhối
Chiều 8/11, thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực chiều 8.11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho hay, tham nhũng vặt ngày càng tinh vi, nhức nhối, gây phiền hà, kéo dài thời gian công việc. Hệ lụy khiến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, phải quà cáp, biếu xén.
Dai bieu QH Nguyen Anh Tri: “Tham nhung vat nhu voi bach tuoc gay buc xuc lon“
  Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH.
Nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí bôi trơn, đáng sợ việc này càng trở nên phổ biến, có thể gặp trong khám chữa bệnh, tư vấn đất, thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án…
“Họ lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách tranh thủ sự thiếu hiểu biết của công dân, tận dụng tối đa vị trí công tác đang nắm giữ để đòi hỏi lót tay, yêu cầu bôi trơn", ông Trí nói.
Theo đại biểu Trí, "tham nhũng vặt" như "vòi bạch tuộc" bám chặt, gây bức xúc lớn cho người dân, doanh nghiệp, làm chùn bước nhà đầu tư, các hoạt động xã hội bị chậm lại, đổ vỡ; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, vốn được coi là công bộc của dân.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của Nhân dân và của quần chúng. Do đo, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.
"Trong buổi chất vấn vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận có nhũng nhiễu, phiền hà trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ đối với người dân. Tại diễn đàn này, tôi xin bày tỏ mong muốn của cử tri, nhân dân tới Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa chống tham nhũng vặt, tiêu cực”, đại biểu Trí đề nghị.
3 con gái dùng xăng đốt mẹ gióng hồi chuông về đạo đức xuống cấp
Phát biểu tại Hội trường, dẫn vụ việc 1 con gái dùng xăng đốt mẹ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa cho tội giết người.
Theo đại biểu Thái, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nổi lên là tội giết người.
Dai bieu QH Nguyen Anh Tri: “Tham nhung vat nhu voi bach tuoc gay buc xuc lon“-Hinh-2
 Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn). Ảnh: QH.
Theo báo cáo số 397 của Chính phủ đánh giá, tội phạm giết người tăng 13,17%, tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, đặc biệt xảy ra một số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng 4,83%.
“Một số vụ điển hình như là con giết bố, chồng giết vợ, anh giết em. Hay gần đây nhất vụ việc 3 cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ không chỉ gây nhức nhối bức xúc, bàng hoàng trong dư luận mà còn dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, về truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đặt câu hỏi, để dẫn tới những vụ việc trên, phải chăng, truyền thống luôn biết ơn "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy", tình cảm "anh em như thể tay chân đã không còn được coi trọng? Hay là do các quy định của pháp luật còn chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe để các đối tượng bất chấp luân thường đạo lý, coi thường pháp luật mà phạm tội?
Đại biểu cho rằng, tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội. Hơn nữa đây còn là các vụ án mà nạn nhân là người thân, mỗi vụ án xảy ra đều quá xót xa.
Từ đó, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.
Trong đó, Bộ Công an cần đánh giá nguyên nhân dẫn đến gia tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, nhất là các vụ việc mà nạn nhân là người thân trong gia đình để có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong đấu tranh phòng ngừa.
Cùng với đó, Chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt, căn cơ, phòng ngừa các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội nói chung và nguyên nhân mâu thuẫn gia đình nói riêng; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở.
Cần chỉ đạo các địa phương phát huy tối đa vai trò của các tổ chức hòa giải tại cơ sở, quan tâm giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong xã hội, kịp thời hòa giải ngay từ ban đầu để ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Cũng theo đại biểu, công tác phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân và các nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội rất cần thiết trong việc nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên không chỉ về pháp luật mà còn định hướng về tu dưỡng đạo đức, nhân cách, góp phần phòng chống những sự việc đáng tiếc, đau lòng.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) nói về việc Thanh tra Chính phủ chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ của 7 bộ ngành để xác minh tài sản". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
 

Mai Loan