Đại biểu Quốc hội lo lắng người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao

Google News

(Kiến Thức) - Nếu tự chủ về tài chính học phí mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao.

Lo lắng người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao
Sáng 6/11, thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, đây không chỉ là sửa đổi một số những bất cập của Luật Giáo dục đại học mà là cơ hội để chúng ta nhìn nhận, xem xét toàn diện quá trình đào tạo đại học hiện nay.
Theo đại biểu này, việc xem xét toàn diện quá trình đào tạo đại học sẽ có cơ chế, chính sách, khâu tổ chức thực hiện trong thời gian tới sao cho phù hợp và thực hiện hiệu quả hơn.
“Cần xem xét về phạm vi sửa đổi, việc sửa đổi cần phải đặt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không phải cho phép mở thêm các trường, thêm lớp, thêm ngành nghề là tốt. cần xem xét nghiêm túc về các vấn đề này để chúng ta có cách nhìn tổng thể và trước hết là cần phải tính toán cho đúng, cho đủ”, đại biểu Trần Tất Thế cho biết.
Đại biểu Trần Tất Thế cũng cho rằng, cần giải trình rõ nguyên tắc liên thông trong việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo.
Dai bieu Quoc hoi lo lang nguoi ngheo mat co hoi hoc tap vi hoc phi cao
Đại biểu Trần Tất Thế. 
“Tôi cho rằng nguyên tắc này đào tạo có sự bất bình đẳng giữa những người học chính quy và người học không chính quy trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề này là rất đúng trong việc quy hoạch bổ nhiệm cán bộ hiện nay”, đại biểu Thế nói.
Đại biểu Thế lấy ví dụ, hình thức vừa học, vừa làm hoặc đào tạo từ xa muốn chuyển đổi sang hình thức chính quy thì học liên thông và như vậy những người học chính quy tập trung và những người học liên thông lên chính quy đều có cơ hội ngang nhau trong việc bổ nhiệm công tác cán bộ.
Đại biểu Trần Tất Thế cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường đại học, trong quá trình tuyển sinh các trường đại học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và chất lượng học.
“Nếu tự chủ về tài chính học phí mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao”, ông Thế nói.
Tự chủ cần có lộ trình
Đề nghị cần có lộ trình tự chủ, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, 3 mặt tự chủ trong đó tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển, tự chủ tài chính là động lực phát triển, tự chủ nhân sự là nền tảng phát triển của nhà trường.
“Tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà nhà nước có đầu tư rồi rút ra dần dần, giống như bầu sữa mẹ, tùy theo thể trạng của từng đứa con mà cho cai sữa, từ từ rút ra một phần hoặc coi thể trạng để tiếp tục đầu tư. Nhưng vừa rồi chúng ta thí điểm cho một số trường được tự chủ về tài chính rồi trường đó nâng học phí dịch vụ lên, nhiều cử tri than phiền giá học phí quá cao. Câu chuyện mình bàn ở đây là do trước đây mình sợ giá cao quá nên khống chế mức trần, bây giờ mình bung cho lên”, đại biểu Dương Minh Tuấn nói.
Do vậy đại biểu Tuấn đề nghị cần có lộ trình tự chủ.
“Nếu nay mai bung rồi giá nâng cao lên. Thực tế giá học phí của Việt Nam so với các trường quốc tế là rẻ, ví dụ so với trường RMIT ở Việt Nam thấy chênh lệch rất nhiều”, đại biểu Tuấn cho biết.
Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, Việt Nam chưa giàu nên một số sinh viên muốn vào trường top đầu thì sau này họ tự chủ giá sẽ rất cao.
“Cử tri cần một điểm là học sinh, sinh viên nghèo có thể vào những trường này không? Dự thảo luật có tiên liệu một điều là trích một phần để đưa vào Quỹ hỗ trợ sinh viên, tôi nghĩ như vậy chưa đủ mà phải có điều khoản nào đó thiết chế gắn vào để ràng buộc các trường đại học phải trích tỷ lệ bao nhiêu phần trăm làm học bổng
Ở nước ngoài những trường top như trường Taylo, trường Mellbern hay trường Mornat thấy giá học phí rất cao nhưng họ có học bổng cho những sinh viên học giỏi thỏa mãn điều kiện đặt ra sẽ được học bổng”, ông Tuấn nói.
Do vậy, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Quốc hội cần ghi điều này trong luật để nghị định hướng dẫn để các học sinh nghèo vẫn vào học tại các trường top đầu, từ đó nhân tài được phát triển hơn.
Cần quy định trách nhiệm của bộ ngành trong việc 200 ngàn cử nhân thất nghiệp
Đồng ý với quy định “"Cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh", tuy nhiên, đại biểu Lê Quang Trí - Tiền Giang cho rằng, để tránh tình trạng gần 200.000 cử nhân kỹ sư tốt nghiệp đại học thất nghiệp như thời gian vừa qua, cần quy định trách nhiệm của bộ ngành trong điều này.
“Trong đó giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu dự báo nhu cầu lao động của thị trường trong từng lĩnh vực, yêu cầu về số lượng cũng như trình độ thời gian từ 4 đến 6 năm tới. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học đã báo cáo. Căn cứ nhu cầu lao động thị trường từ 4 đến 6 năm tới để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp, góp phần đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu của thị trường lao động”, đại biểu Lê Quang Trí nói.

Hải Ninh