Thiếu gia đôla… âm phủ
Dây chuyền mỹ ký to như… sợi xích chó cùng một tập đôla… âm phủ - đó là "đạo cụ" của Nguyễn Chính Nghĩa (SN 1987), trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội gây ra hơn 60 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lái xe taxi trên địa bàn Hà Nội.
Thân hình to béo, gương mặt phì nộn như nhân vật "em Chã" của kẻ lừa đảo có tên Nguyễn Chính Nghĩa quả là rất hợp để đóng vai một "cậu ấm" có thói quen chỉ tiêu tiền đô. Chính vì vậy, khi Nghĩa úp mở rút tập đôla âm phủ trong túi quần ra khoe, những người lái xe taxi vốn không mấy khi tiếp xúc với ngoại tệ đã tin sái cổ. Và họ trở thành nạn nhân của thiếu gia đôla… âm phủ cũng là điều dễ hiểu.
Điều tra viên Dương Văn Thành - Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, mặc dù gia cảnh bình thường nhưng Nghĩa chỉ thích vào quán bar, vũ trường ăn chơi. Người nghèo đương nhiên chẳng bao giờ có đủ tiền để bước chân vào những chốn vốn chỉ dành cho dân chơi này nên Nghĩa tự xây dựng hình ảnh một thiếu gia chơi ngông để lòe thiên hạ. Những phi vụ lừa đảo của thiếu gia rởm cũng bắt nguồn từ lối sống ăn chơi, sa đọa này.
|
Các thiếu gia, đại gia rởm lừa đảo bị cơ quan Công an bắt giữ. |
Cuối tháng 10.2009, khi đi qua một gara ôtô trên địa bàn phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Nghĩa trông thấy một chiếc xe Lexus mới coóng chưa có biển kiểm soát được chủ xe mang đến để sắm đồ nội thất. Nghĩa lân la làm quen với anh Khánh, chủ xe. Biết chủ nhân của những chiếc xe sang bao giờ cũng mong muốn có biển số đẹp để thể hiện "đẳng cấp" nên Nghĩa khoe khéo với anh Khánh rằng mẹ Nghĩa đang làm việc trong một cơ quan trọng yếu nên quen biết nhiều, trong đó có cả đơn vị cấp biển số xe. Gia đình Nghĩa thích biển số nào là có ngay biển số đó.
Thấy Nghĩa ăn mặc sành điệu ra dáng dân chơi nên anh Khánh tin ngay rằng chắc chắn cậu ta là con "VIP". Anh liền đặt vấn đề nhờ vả Nghĩa lo giúp vụ "biển số đẹp" với giá thỏa thuận là 7.500 USD.
Một buổi tối, Nghĩa gọi điện cho anh Khánh nói đã lo được biển số đẹp như ý và hẹn "khổ chủ" đến uống cà phê tại một khách sạn 5 sao trên phố Lý Thường Kiệt để bàn bạc cụ thể việc lấy biển. Trước khi đi, Nghĩa dặn anh Khánh mua 1 chai rượu ngoại và 2 chiếc điện thoại di động đời mới nhất lúc đó để làm quà "cảm ơn" người cấp biển số. Khi anh Khánh mang số quà trên tới, Nghĩa lấy lý do đã muộn, để Nghĩa nhận chuyển quà giúp vì đến nhà riêng lúc này không tiện. Sau đó, Nghĩa rủ anh Khánh đi ăn tối rồi khéo léo hỏi vay 2.500 USD.
Một tuần sau, Nghĩa giục anh Khánh đưa nốt 5.000 USD để dẫn đi lấy biển. Quá nôn nóng về biển số đẹp nên anh Khánh không nghi ngờ gì, đưa ngay tiền cho "thiếu gia". Thấy anh Khánh dễ lừa, Nghĩa còn bắt anh này mua thêm 2 lạng cao hổ cốt để làm quà biếu "cảm ơn". Sau khi đã nẫng đủ tiền và quà của chủ nhân xe sang, Nghĩa tắt điện thoại "lặn" mất.
Qua điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng đã bắt giữ "thiếu gia" rởm này khi y đang “đốt” số tiền lừa được của anh Khánh trong một vũ trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Nghĩa bị Tòa xử 24 tháng cải tạo không giam giữ.
Bẵng đi một thời gian, năm 2014, thiếu gia rởm Nguyễn Chính Nghĩa "tái xuất giang hồ". "Thiếu gia" ra chợ trời sắm dây chuyền, lắc tay mỹ ký vàng chóe, to như xích chó béc giê trị giá… 300.000 đồng, một tập đôla âm phủ và bắt đầu các phi vụ lừa đảo nhằm vào cánh lái xe taxi. Nghĩa chọn thời điểm nhập nhoạng tối, gọi điện thoại tới các tổng đài yêu cầu đón anh ta.
Khi lên xe, Nghĩa khoe có bố mẹ là "VIP", đầu tư tiền cho anh ta mở quán bar Luxury ở quận Tây Hồ mới bị hỏa hoạn nên tạm thời phải chuyển sang kinh doanh chuỗi cửa hiệu cầm đồ trên địa bàn Cầu Giấy và Từ Liêm. Nhìn Nghĩa ăn mặc vằn vện, đeo dây chuyền to tướng như dân "anh chị", chốc lát lại rút tập đôla trong túi quần ra đập bôm bốp vào đùi nên các bác tài đa phần từ quê ra Hà Nội lập nghiệp đều lác mắt. Nghĩa yêu cầu các bác tài chở đi lòng vòng khắp nơi để thu nợ.
Qua khu biệt thự Mỹ Đình, Nghĩa chỉ đại vào một căn hoành tráng nhất khoe đó là nhà mình nên các bác tài tin sái cổ rằng anh ta đúng là "thiếu gia" máu mặt. Sau khi biết con mồi đã tin tưởng, Nghĩa vờ rút tập đôla ra nhờ đổi sang tiền Việt để tiện việc giao dịch với con nợ. Đương nhiên lái xe taxi thì làm gì có nhiều tiền mà đổi. Nghĩa chuyển sang hỏi "vay tạm", khi nào lên phố Hà Trung bán đô sẽ trả lại, đồng thời hỏi mượn điện thoại gọi cho con nợ với lý do nếu dùng số của Nghĩa, con nợ biết sẽ trốn. Nghĩa hẹn lái xe chờ anh ta ít phút để vào đòi nợ sẽ ra ngay. Sau một vài điểm đúng hẹn, khi đến những điểm tiếp theo, Nghĩa trốn mất.
Cuối tháng 10.2014, sau khi nhận đơn trình báo của một số người bị hại, Công an quận Bắc Từ Liêm đã vào cuộc truy lùng và bắt giữ được "thiếu gia" rởm chuyên lừa đảo lái xe taxi này. Sau khi thông báo hình ảnh và thủ đoạn của thiếu gia lừa trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cơ quan điều tra đã tìm được 62 lái xe taxi là nạn nhân.
Cũng đóng giả thiếu gia để lừa đảo lái xe taxi còn có Mai Thanh Dũng (SN 1985), ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Thủ đoạn của Dũng là mặc quần áo hàng hiệu, khoe khoang gia đình có nhiều cửa hàng bán quần áo ở các phố lớn, có vài cái biệt thự ven Hồ Tây… rồi yêu cầu lái xe taxi chở lên chợ Đồng Xuân lấy hàng về kinh doanh. Khi đến nơi, Dũng giả vờ quên điện thoại, hỏi mượn Iphone của lái xe vào chụp ảnh mẫu quần áo rồi tìm đường chuồn mất.
Kiều nữ hàng hiệu
Người giàu thật sự thì không mấy khi khoe của. Còn những kẻ lừa đảo thì bao giờ cũng dùng tài sản đắt tiền, phần lớn do chúng thuê, mượn, hoặc dùng chính tiền lừa đảo mua sắm để đánh bóng tên tuổi, tạo dựng cái mác để lừa người khác. Bị choáng ngợp bởi sự xa hoa, giàu có bề nổi do kẻ lừa đảo câu nhử, người bị hại quên mất việc tìm hiểu thân thế, con người thật của đối tượng. Và một khi đã tin rằng đó là đại gia thì nhất nhất đại gia nói gì họ đều nghe theo.
Trong mắt người bị hại, Trần Thị Tùng (35 tuổi, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) là một "đại gia" kinh doanh bất động sản thành đạt khi thấy cô ta chỉ chọn những khu đô thị, chung cư "VIP" nhất của Hà Nội để ở. Tùng chuyển nhà liên tục khiến bị hại cứ nghĩ rằng cô ta có rất nhiều nhà, nào biết rằng đó chỉ là nhà đi thuê mà thôi.
Ngoài nhà đẹp, Tùng còn sắm một "con xe" Mercedes do cô ta tự lái, và bộ quần áo dạng đồng phục ngân hàng trang nhã: sơ mi trắng, juyp đen, cùng vài tấm ảnh chụp Tùng mặc đồng phục đi tặng hoa ở cơ sở nọ… nên ai cũng tin rằng Tùng là một cán bộ ngân hàng thành đạt. giàu có nhờ kinh doanh bất động sản "phát mại" như lời cô ta quảng cáo.
Chính vì vậy, một đại gia thực sự đã dính bẫy đại gia rởm Trần Thị Tùng. Đó là bà Nguyễn Thị Mai, nhà ở Keangnam, đồng thời là bạn của bố mẹ Tùng. Nữ đại gia này đã gửi gắm tổng cộng trên 20 tỉ đồng để nhờ Tùng mua giúp nhà đất, bất động sản do ngân hàng phát mại và bị đại gia rởm chiếm đoạt dễ dàng.
Người phụ nữ có "tài" dùng đồ hiệu hóa trang thành nữ đại gia sành điệu nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác phải kể đến siêu lừa Nguyễn Phượng Ly (SN 1985) quê Bắc Giang. Trời phú cho vẻ đẹp "lai Tây" nên chỉ cần trang điểm và khoác đồ hiệu lên người, Ly khiến người khác xuýt xoa vì trông cô ta đúng là "quý cô" sành điệu. Và một khi đã sành điệu thì không thể dùng đồ bình dân được. Để có tiền "đắp" lên người, Ly liên tục gây ra những vụ lừa bạc tỉ phục vụ nhu cầu ăn tiêu của một nữ đại gia do cô ta tạo dựng vỏ bọc.
Năm 2011, khi bị Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an Hà Nội bắt giữ về hành vi lừa đảo bán nhà dự án, lúc đó Ly đã dám chi tiền mua xe ôtô Venza nhập khẩu trị giá 1,6 tỉ đồng, thuê lái xe riêng; mua nhà phân lô trang bị đồ đạc xịn nhất… để chứng tỏ mình là đại gia không kém cạnh ai. Đương nhiên, tiền mua sắm là do cô ta dùng thủ đoạn để chiếm đoạt của những người nhẹ dạ cả tin.
Được hoãn thi hành bản án 15 năm tù giam, Phượng Ly lại càng xinh đẹp, sành điệu và đẳng cấp hơn lần lừa đảo trước. Cô ta đi thẩm mỹ, chỉnh sửa nhan sắc theo xu thế làm đẹp mới: nâng mũi cho thon gọn, cắt mí mắt cho to tròn và gọt cằm Vline. Tiếp đó là "chiến dịch" đắp đồ hiệu lên người. Từ quần áo, túi xách, giày dép của Ly toàn đồ hiệu đắt tiền. Khi bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội bắt giữ, Ly vẫn còn đống đồ hiệu trị giá hàng trăm triệu đồng mà cô ta vừa mua sắm.
|
Thiếu gia rởm tại cơ quan Công an. |
Xinh đẹp, lại chỉ dùng hàng hiệu nên khi Ly ra tiệm gội đầu gần nhà cô ta thuê trọ ở quận Long Biên, các bà, các cô chỉ biết trầm trồ ngưỡng mộ. Nhất là khi thấy Ly trực tiếp đánh ôtô "Mẹc" bóng lộn đỗ trước cửa, bước ra khỏi xe với cả cây đồ hiệu từ đầu đến chân bóng bẩy chẳng khác nào giới showbiz, chị em chỉ còn nước nuốt nước bọt "GATO" với kiều nữ hàng hiệu.
Khoe của đang là "mốt" thời thượng nên thấy Ly đẹp, lại giàu sang như vậy nên "người giàu" nói gì, các bà, các cô đều tin. Ly khoe là cán bộ ngân hàng, có thể giúp mọi người vay tiền tín chấp, "rút" sổ đỏ đang đặt tại các ngân hàng ra… Chiếm đoạt được hàng tỉ đồng từ chiêu lừa này, Ly tiếp tục dùng tiền chiếm đoạt được để "nâng đời". Có lẽ lừa tiền tỉ dễ dàng nên khi có tiền trong tay, Ly bị ảo tưởng rằng cô ta là đại gia thật. Các điều tra viên nhận xét rằng, Ly quả là có "năng khiếu" tiêu tiền. Hứng lên, cô ta ném vài tỉ ra mua sắm là chuyện bình thường. Trong khi đại gia kiếm tiền chân chính không ai chi tiêu kiểu phá mả như vậy.
Trào lưu khoe của dường như đã trở thành một thứ "mốt" mới trong xã hội khiến những giá trị thật bị đảo lộn. Khi việc đi thuê, đi mượn những tài sản có giá trị lớn để đánh bóng tên tuổi, để khoe mẽ trở nên phổ biến thì việc những kẻ lừa đảo sử dụng chiêu thức này để tạo vỏ bọc là một trong những thủ đoạn dễ đánh lừa người bị hại nhất. Ngoài hình thức đẹp đẽ, kẻ lừa đảo còn có tài ba hoa, phét lác về thân thế, về các mối quan hệ với "ông nọ, bà kia"…
Một khi không tỉnh táo để suy xét về những món hời, những khả năng "đặc biệt" do đối tác đưa ra để dẫn dụ người khác vào ma trận của tiền tài, danh vọng…, thì việc trở thành nạn nhân của những thiếu gia, đại gia rởm là kết cục tất yếu.
Theo Hương Vũ /An ninh Thế giới