Đám cưới đốt pháo đỏ đường Hà Nội: Chủ tịch TP chỉ đạo xử lý nghiêm

Google News

(Kiến Thức) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật vụ đám cưới đốt pháo đỏ đường Hà Nội.

Thông tin mới nhất vụ đám cưới đốt pháo đỏ đường Hà Nội, chiều 4/3, UBND TP Hà Nội đã có công văn 725 về việc khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc đốt pháo tại xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn.
Công văn nêu rõ, trong ngày 3 và 4/3/2020, các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều thông tin phản ảnh về việc một gia đình tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn đốt bánh pháo dài hơn 50m để ăn mừng đám cưới, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 406-TTg ngày 8 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đồng thời yêu cầu Giám đốc Công an Thành phố đôn đốc, hướng dẫn Công an huyện Sóc Sơn khẩn trương điều tra, xử lý đúng người, đúng hành vi, không bỏ sót, lọt cá nhân vi phạm.
Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố trước ngày 15/03/2020; thông tin trả lời báo chí theo quy định.
Dam cuoi dot phao do duong Ha Noi: Chu tich TP chi dao xu ly nghiem
 Hình ảnh người đàn ông đốt pháo được clip ghi nhận lại.
Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh một đám cưới ở xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) có hình ảnh những dây pháo rải khắp vỉa hè, pháo treo dọc lối vào đám cưới. Một người đàn ông châm lửa, tiếng pháo nổ liên thanh, khói bay lên trắng xóa một khu vực, xác pháo đỏ vương vãi khắp nơi... Đáng chú ý, cảnh tượng đốt pháo trên diễn ra giữa ban ngày trước sự chứng kiến của nhiều người dự đám cưới. Không những không can ngăn, nhiều người còn tỏ ra thích thú, dùng điện thoại ghi lại cảnh tượng trên. Ngay khi clip trên được đăng tải đã khiến dư luận có nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc bất bình.
Sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống tìm hiểu và xác định, việc đốt pháo tại đám cưới trên là có thật. Công an xã Phù Lỗ phối hợp cùng Công an huyện Sóc Sơn đã tới lập biên bản và điều tra sự việc.
Ngày 4/3, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Phùng Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết, hiện lực lượng công an xã Phù Lỗ vẫn đang phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn xác minh vụ việc người đốt pháo tại đám cưới trên địa bàn gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lực lượng chức năng vẫn chưa xác minh được người đốt pháo.
Trước đó một ngày, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý vụ đốt pháo số lượng lớn trong đám cưới tại xã Phù Lỗ và triệu tập một số người để điều tra, làm rõ vụ việc.
Theo người dân địa phương, vụ đốt pháo xảy ra tại đám cưới con trai ông V.V.N và bà T.T.M.H (trú tại khối 13, xã Phù Lỗ). Ông N. là một doanh nhân kinh doanh thuốc lá.
Liên quan sự việc trên, trao đổi với báo chí, ông N. cho biết, bản thân có nghe đến việc khách ở đám cưới đốt pháo nhưng ông không rõ ai đốt. Ông N. cũng cho hay, bản thân ông đã quán triệt từ trước, không được làm những việc như thế.
>>> Mời độc giả xem video Điều tra vụ pháo nổ đỏ đường trong đám cưới ở Hà Nội:

Nguồn: Truyền hình Thông tấn.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa – Đoàn LS TP Hà Nội chia sẻ: "Hiện nay nhà nước ta đang cấm việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ. Hành vi đốt pháo của gia đình tổ chức đám cưới "gây tiếng vang" ở xã Phù Lỗ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào hành vi và hậu quả mà những người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Luật sư phân tích: "Trước tiên, cần xác định người đốt pháo là ai? Có hành vi tang trữ hay mua bán hay không? Không những vậy, còn phải kiểm tra xem trọng lượng của số pháo nổ cụ thể là bao nhiêu, từ đó mới xác định được hình thức và mức xử lý cụ thể.

Việc đốt pháo vào các dịp lễ, Tết hoặc đám hỷ có thể là một truyền thống hoặc quan điểm của người dân về mong muốn một cuộc sống tươi vui, giòn giã, vui vẻ. Tuy nhiên, đốt pháo rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của những người xung quanh. Do đó, Nhà nước đã nghiêm cấm các hành vi sử dụng, tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, buôn bán liên quan đến pháo, chất nổ. Chỉ có các doanh nghiệp hoặc tổ chức được cấp phép mới được sử dụng, sản xuất loại chất nổ này. Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành của bản thân, gia đình và những người xung quanh để đảm bảo an toàn của bản thân và thực thi đúng pháp luật.

Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

"... 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép......

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;

Ngoài mức xử phạt hành chính nêu trên, hành vi đốt pháo (hay là tang trữ pháo) trái pháp luật nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đồi bổ sung năm 2017 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam

Việc đốt pháo vào các dịp lễ tết hoặc đám hỷ có thể là một truyền thống hoặc quan điểm của người dân về mong muốn một cuộc sống tươi vui, giòn giã, vui vẻ. Tuy nhiên, đốt pháo rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của những người xung quanh. Do đó mà nhà nước, pháp luật đã nghiêm cấm các hành vi sử dụng, tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, buôn bán liên quan đến pháo, chất nổ. Chỉ có các doanh nghiệp hoặc tổ chức được cấp phép mới được sử dụng, sản xuất loại chất nổ này. Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành của bản thân, gia đình và những người xung quanh để đảm bảo an toàn của bản thân và thực thi đúng pháp luật.

Tâm Đức