Dân anh chị trong “thế giới ngầm” Hà Nội

Google News

Gặp gã ở quán xăm hình nghệ thuật, nhiều khách hàng chỉ biết gã là Dũng "xăm". Ít ai biết gã đã từng là một tội phạm mang án giết người.

Trở thành giang hồ
Nguyễn Đức Dũng sinh năm 1977 ở khu Vân Hồ 3 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nhà thuộc diện khá giả nên Dũng cũng được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng. Thực ra thì cho đến khi vào cấp THPT, Dũng vẫn thuộc diện con ngoan trò giỏi. Dũng rất thích vẽ, niềm đam mê với những cây bút lông và những hộp màu nước là thứ duy nhất khiến gã nhiều khi lơ đễnh chuyện học hành. Và một phần cũng vì niềm đam mê này khiến Dũng bước sang con đường khác lúc nào không biết.
Khu Vân Hồ 3 ngày đó khá phức tạp. Chưa mở đường lớn ra phố Đại Cồ Việt như bây giờ, chằng chịt trong khu là những đường ngang ngõ tắt, lằng nhằng tơ nhện. Địa hình ấy cùng với thành phần dân cư phức tạp đã khiến Vân Hồ 3 trở thành bến đỗ lý tưởng cho dân giang hồ tứ xứ.
Dan anh chi trong “the gioi ngam” Ha Noi
Hình minh họa. 
Gần nhà Dũng xuất hiện một tay anh chị đến thuê nhà. Người gã xanh lét những hình xăm rồng phượng trong đó Dũng thích nhất là hình xăm tuyệt đẹp trên lưng của gã giang hồ. Sau này Dũng mới biết đó là bức họa kết hợp giữa "Sơn thủy hữu tình" và "Quái thú tranh mồi".
Trên bản lưng to bè của tay anh chị, xa xa là hình núi non, thác nước, rừng cây; gần lại là một con cọp lồng lộn, nhe nanh múa vuốt chiến đấu với đại bàng đang sải cánh, quắp mồi. Mặt của hai quái thú đều được người thợ xăm tài hoa nào đó lột tả rất dữ tợn.
Thích hình xăm đến mê mải, Dũng đánh liều xin phép gã giang hồ cho được chép tranh bằng kích thước thật trên giấy. Bức tranh khá nhiều đường nét phức tạp nên để chép chính xác cũng phải mất thời gian. Vài ngày sau khi hoàn thành công việc, cũng là lúc Dũng tiếp tục mụ mẫm với những câu chuyện của gã giang hồ: đâm chém, thanh toán, tù tội, quyền lực "đen", tiền và người đẹp.
Thế rồi ban đầu chỉ từ việc thích một hình xăm, Dũng đã ảo tưởng về một giới giang hồ với lối sống tự do, không ràng buộc, thích thì làm không thích thì thôi, dám làm dám chịu và nghĩa khí. Bàn chân của cậu học trò lớp 10 đã bước sang con đường tối từ lúc đó.
Đi theo "thần tượng" giang hồ có hình xăm tuyệt đẹp, Dũng dần quen với việc bỏ học. Dũng bắt đầu đầu biết đánh lộn, biết cái cảm giác "anh hùng rơm" khi người khác phải cúi mình cầu xin, mà thực chất chỉ là sự sợ hãi tất nhiên của bất kỳ người lương thiện nào trước lũ côn đồ.
Thấy con mình bỏ bê học hành, suốt ngày đàn đúm với những kẻ mặt mũi bặm trợn, cha mẹ Dũng hết lời khuyên can, thậm chí dùng cả những biện pháp nghiêm khắc. Nhưng sự choáng ngợp khi lần đầu tiên biết thế nào là "quyền lực đen" đã khiến Dũng bỏ ngoài tai tất cả.
Đỉnh điểm là khi cha quá giận dữ "tặng" cho hai cái tát, Dũng đã xách theo một bọc quần áo, bỏ nhà đi. Quãng đời bụi bặm của Dũng bắt đầu với tư tưởng "ra đi mà không mang theo gì cả". Đó là năm 1993.
Thần tượng giang hồ vỡ vụn
Biết Dũng bỏ nhà đi bụi, gã đàn anh vỗ tay nhiệt liệt "Làm trai giang hồ là phải thế. Gia đình không quan trọng bằng anh em. Làm "chíp", làm "tay đao" của anh, chú mày không phải lo lắng gì cả".
Ngày đó đầu óc còn non nớt, nghe những lời có vẻ "tình nghĩa" ấy, Dũng có cảm giác tự hào. Sau này mới biết là những lời nhảm nhí, Dũng tâm sự "Ai không coi trọng gia đình thì sẽ không coi trọng ai cả. Còn việc làm "chíp", làm "tay đao" thực chất chỉ là lũ chỉ đâu đánh đấy, chuyên lao lên trước đỡ đòn cho đàn anh mà thôi".
Điều này không phải bây giờ Dũng mới nhận ra, ngày ấy, sau vài vụ va chạm thực sự với các băng nhóm khác, Dũng đã lờ mờ nhận ra bản chất của gã đàn anh. Khi gặp chuyện, gã đàn anh đều lui lại "tuyến 2". Mà không chỉ đàn anh của Dũng. Những gã đàn anh của các băng khác cũng thế. Sau khi để đám "chíp" ẩu đả chán chê, có đứa máu me be bét, những gã đàn anh mới quát tháo ầm ĩ bảo dừng lại rồi... tiến ra "hòa giải". Nhiều lúc, không kìm được bực tức, Dũng phải chửi thề "Nếu định hòa thì hòa m... ngay từ đầu có được không?"
Phần nào nhận ra bản chất của đàn anh nhưng Dũng cũng vẫn chỉ đang nghi nghi hoặc hoặc chứ chưa thể khẳng định. Chỉ đến vụ việc xảy ra ở phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) "thần tượng" giang hồ trong Dũng mới thực sự vỡ vụn.
Lần đó, băng nhóm của Dũng tranh chấp địa bàn với một băng nhóm khác và bị yếu thế hoàn toàn. Kể cả về lực lượng cũng như "hàng lạnh", băng đối địch đều vượt trội. Nhóm của Dũng bị đánh te tua, chỉ vài đứa chạy thoát còn lại đều bị tóm cổ, kể cả đại ca. Băng chiến thắng lôi đám "tù binh" về sát bờ tường của Nhà thờ Hàm Long, bắt... quỳ xuống. Bị những mũi nhọn, lưỡi sắc của dao lê và mã tấu dí vào người, đám của Dũng sợ hãi, lục tục quỳ.
Nhìn đại ca mình với hình xăm dữ tợn trên lưng cũng quỳ mọp, Dũng bỗng điên tiết gào lên: "Tao chỉ quỳ với người chết thôi. Chúng mày làm gì tao thì làm". Hai cú đá như trời giáng vào bụng. Dũng oằn người đau đớn nhưng vẫn không chịu quỳ. Tiếp tục một cái đốc lưỡi lê giáng thẳng vào đầu, tóe máu, tình hình vẫn không thay đổi.
Sau này nhớ lại Dũng bật cười: "Lúc ấy quá phẫn uất với sự hèn nhát của đại ca nên mới như thế. Thực ra trong lòng tôi cũng vô cùng sợ hãi. Chắc nhận thêm vài cú nữa thì cũng phải quỳ thôi. Nhưng lúc ấy có thể đổ lỗi rằng quỳ vì đau không đứng nổi, chứ không phải quỳ vì sợ".
Trở lại câu chuyện, rốt cuộc thì Dũng đã không phải quỳ. Đại ca của băng đối địch bỗng ngăn đám đàn em không đánh Dũng nữa, gã bảo: "Tao thích nhất là những thằng bản lĩnh. Chú em không chịu quỳ nên có thể đi. Bọn quỳ này thì không tha được".
Tự gây dựng "số má" và trả giá
Sau vụ việc, Dũng không quay lại với băng nhóm cũ. Nhưng Dũng vẫn không chịu về nhà bởi những lời nói của gã đại ca băng đối địch về "bản lĩnh" đã ám ảnh Dũng.
Thoát khỏi ảo tưởng này, Dũng lại dính vào ảo tưởng khác. Lúc đó, Dũng cho rằng "bản lĩnh" là quan trọng nhất và quyết định sẽ tự gây dựng "tên tuổi" bằng bản lĩnh của mình. Quan niệm ấu trĩ và có phần "ngây thơ" này sẽ khiến Dũng phải trả giá đắt sau đó.
Địa bàn Dũng chọn để lấy "số má" là khu vực ga tàu đi các tỉnh phía Bắc, nằm ở phố Trần Quý Cáp. Cuối những năm 1990, đây là khu vực nhiều tay anh chị cộm cán tụ về để chơi đêm. Hàng quán rất nhiều, quán karaoke, quán nhậu phục vụ 24/24.
Cùng vài "chiến hữu" chung "chí hướng", Dũng bắt đầu "quậy tưng" khu vực này. Xuất hiện ở đâu, Dũng cũng tỏ thái độ kẻ cả, trịch thượng, lúc nào cũng sẵn sàng rút dao dí vào cổ những người tỏ thái độ phản kháng. Một số chủ quán karaoke tưởng Dũng là một "đại ca" nào đó mới xuất hiện, để yên thân làm ăn đã chấp nhận nộp chút tiền bảo vệ cho Dũng.
Trong những quán này, khi có mặt, Dũng luôn chứng tỏ mình là số 1. Phòng hát chung nhưng Dũng luôn ngồi ở gần cửa và gác chân lên mặt bàn. Bất cứ ai ra vào, muốn đi qua Dũng đều phải nói "xin lỗi".
Một chiến hữu của Dũng sau này kể lại” "Thời đó đi cùng Dũng, hút thuốc "ba số", uống rượu ngoại nhưng vẫn không thấy ngon. Bởi đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn. Thái độ xấc xược, không coi ai ra gì của Dũng đã khiến nhiều băng nhóm trong khu vực muốn "nhổ đi cái gai trong mắt".
Cuối năm 1997, việc tranh chấp "quyền lực đen" không tránh khỏi ấy đã xảy ra. Vừa bước chân ra khỏi quán quen thì nhóm của Dũng bị tấn công tới tấp. Dũng nhanh tay rút lưỡi lê găm trong người vung loạn xạ để tìm đường tẩu thoát. Hậu vụ ẩu đả, Dũng đã giết chết một người, làm trọng thương hai người khác. Ảo tưởng về "bản lĩnh" giang hồ tan vỡ với cái giá quá đắt, Dũng phải nhận 12 năm tù, trả án ở Trại 5 (Thanh Hóa).
Năm 2008 Dũng mới được trả tự do. Cha mẹ Dũng vẫn dang rộng vòng tay đón đứa con tội lỗi. Bây giờ làm người lương thiện nhưng Dũng vẫn "dính dáng" đến một chút chất giang hồ. Dũng mở quán xăm hình nghệ thuật ngay tại nhà. Bàn tay tài hoa ham mê hội họa ngày nào cũng giúp Dũng khá đông khách. Khi xăm mình cho các bạn trẻ, Dũng thường kể lại chuyện đời mình, cuối cùng bao giờ Dũng cũng kết thúc bằng câu nói: "Xăm nghệ thuật thì được. Đừng xăm mình rồi trở thành giang hồ như tôi, cả tuổi xuân phải trả giá sau song sắt".
Theo Thanh Huyền/Báo Pháp Luật