Dân ẩu đả khi họp bàn bán cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh

Google News

(Kiến Thức) - Cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh trồng tại đình Đông Cốc tiếp tục gây ồn ào dư luận khi trong buổi họp bàn hạ giải cây để bán hơn 24 tỷ lại xảy ra ẩu đả.

Ẩu đả tại hội nghị triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa hơn 200 tuổi
Đình Đông Cốc (thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992. Ngay trong khuôn viên ngôi đình này còn có một số cây sưa quý, có cây sưa có tuổi đời 400 tuổi, có cây hơn 200 tuổi.
Bắt đầu từ năm 2013, một sự việc lạ lùng khi người dân trong làng rao bán cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh với giá 50 tỷ đồng. Khi đó các bô lão trong làng có đề xuất việc bán cây sưa trên để trùng tu lại đình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi… Sự việc bán cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh này khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều bởi đình Đông Cốc là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong các khu vực bảo vệ của di tích, trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ.
 Cây sưa ở đình Đông Cốc. Ảnh Tiến Dũng.
Mới đây, một sự việc hy hữu lại diễn ra liên quan đến việc hạ giải cây sưa 200 tuổi trên. Ngày 7/12/2016, UBND xã Hà Mãn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa tại đình làng Đông Cốc để giao người trúng đấu giá. Khi hội nghị vừa bắt đầu làm việc, giới thiệu địa biểu, thành phần hội nghị thì xuất hiện một số đối tượng gây rối dẫn đến xô xát, ẩu đả, gây mất an ninh trật tự, vì vậy hội nghị đã phải tạm hoãn. Để đảm bảo an ninh trật tự an ninh nông thôn, UBND xã Hà Mãn đã báo cáo UBND huyện Thuận Thành và công an huyện về việc tạm dừng khai thác theo kế hoạch và tổ chức khai thác vào thời điểm thích hợp.
Nguyên nhân dẫn đến việc bán cây sưa hơn 200 tuổi sau khi dư luận có nhiều ý kiến trong suốt thời gian dài được giải thích do cây sưa bị héo úa nên UBND huyện Thuận Thành đã có công văn gửi các cơ quan chức năng về việc xã Hà Mãn xin hạ giải cây sưa để lấy mặt bằng thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình làng Đông Cốc. Sau đó, các cơ quan chức năng đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thống nhất hạ giải cây sưa. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ngày 19/1/2016, UBND tỉnh đã có công văn số 157/UBND-NN đồng ý cho địa phương hạ giải cây sưa nói trên.
Ngày 11/4/2016, UBND huyện Thuận Thành ra công văn số 256/CV-UBND đồng ý cho UBND xã Hà Mãn, thôn Đông Cốc tổ chức hạ giải cây sưa. Ngày 29/4/2016, UBND xã Hà Mãn đã phối hợp với cấp ủy, Ban quản lý thôn và các đoàn thể thôn Đông Cốc khảo sát, đánh giá hiện trạng, kích thước cây sưa. Thôn Đông Cốc đã họp, có sự tham gia của cấp ủy chi bộ, ban quản lý thôn, các chi hội, đoàn thể, đại diện các dòng họ và đi đến thống nhất giao UBND xã Hà Mãn làm chủ sở hữu cây sưa để thực hiện hạ giải theo đúng quy định.
Được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, UBND xã Hà Mãn đã tiến hành các bước thực hiện việc đấu giá cây gỗ sưa theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 1/8/2016, cây sưa 200 tuổi được bán đấu giá thành công với giá là 24,5 tỷ đồng. Sau khi bán đấu giá thành công, UBND xã đã tổ chức họp dân thôn Đông Cốc nhằm tạo sự đồng thuận trong việc khai thác cây gỗ sưa. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 7/12/2016, với đầy đủ các thành phần Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ xã Hà Mãn, Ban chi ủy chi bộ, Ban quản lý thôn, Ban chấp hành các đoàn thể và đại diện nhân dân trong thôn Đông Cốc, khi hội nghị mới diễn ra thì xảy ra vụ việc ẩu đả trên.
Tạm dừng hạ giải cây sưa hơn 200 tuổi ở Bắc Ninh
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 8/12, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, UBND huyện Thuận Thành đã quyết định tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo đó, ngay trong ngày 7/12/2016, Thường trực huyện ủy Thuận Thành đã tổ chức Hội nghị thường trực Huyện ủy mở rộng. Ngày 8/12/2016, UBND huyện Thuận Thành đã ra văn bản chỉ đạo số 859/CV-UBND, yêu cầu UBND xã Hà Mãn tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn. Đồng thời, chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây rối tại hội nghị họp dân thôn Đông Cốc sáng 7/12/2016.
 Trong buổi họp hạ giải cây sưa đã có sự ẩu đả, gây rối của một số đối tượng.
Trả lời về việc một số người dân bức xúc bởi có người ký hợp đồng với thôn Đông Cốc trả giá cây sưa gần 50 tỷ mà nay xã chỉ bán đấu giá được hơn 24 tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành - cho biết: “Trước đây, Ban quản lý thôn không xin phép, tự ý ký hợp đồng với bà N. giá 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là hợp đồng xí chỗ, mấy năm nay bà N. chưa nộp một đồng nào. Đến khi chính quyền xã Hà Mãn được các cơ quan chức năng cho phép bán đấu giá thành công cây sưa và tổ chức hạ giải thì bà N. đến bảo “Đây là cây sưa của tôi, tôi đã hợp đồng mua rồi”, nhưng khi họp và gia hạn vài lần, chính quyền địa phương nhiều lần mời bà N. về để nộp tiền bà N. đều lấy lý do không về”.
Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc trên.
Bài đang được đọc nhiều:

>>> Ảnh: Đẹp mê hồn thiếu nữ tạo dáng giữa đồng cải vàng

>>> Ba người tý hon ở cùng huyện vùng cao Quảng Ngãi

>>> Người Hà Nội đùa giỡn tử thần mưu sinh quanh tủ điện

>>> Ảnh: Hoa đào nở sớm trong nắng đông tuyệt đẹp ở Hà Nội

>>> Sa vào chốn này khiến cô gái đẹp quên cả lối về

>>> Cháu bé 9 tuổi tử vong, nghi bị sát hại ở Hải Dương

>>> Cười ngất với 11 cây cầu có tên siêu độc ở Việt Nam

>>> Ảnh: Công viên nước bỏ hoang nhiều năm giữa lòng Hà Nội

>>> Soi 9 mẫu thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành

Hải Ninh