Đàn bò ốm đói trơ xương tại dự án công nghệ cao nghìn tỷ ở Bình Thuận

Google News

Sau gần 5 năm "đắp chiếu", dự án công nghệ cao ở Bình Thuận quy mô hơn 3.000 tỷ đồng giờ lâm cảnh hoang tàn, chỉ còn hơn 200 con bò ốm đói trơ xương.

Dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình của Công ty CP sữa Thông Thuận (Công ty Thông Thuận) được UBND tỉnh BìnhThuận chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017, với diện tích 479ha (trong đó 368ha là đất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận quản lý và 111ha là đất của các hộ dân canh tác sản xuất), kinh phí đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Tham vọng của dự án là tạo ra sản phẩm thịt sạch, nước uống và sữa “ThongThuan Milk”"
Dan bo om doi tro xuong tai du an cong nghe cao nghin ty o Binh Thuan
 
"Ở đây chúng tôi sẽ nuôi 20.000 con bò sữa và làm nhà máy chế biến sữa, các sản phẩm về sữa tương đương 150 triệu lít/năm. Chúng tôi dự kiến đầu năm 2019 sản phẩm sữa sẽ ra đời", ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thông Thuận cho biết vào thời điểm năm 2017.
Thế nhưng, sau gần 5 năm kể từ ngày khởi công, đến nay dự án được kỳ vọng này gần như đang nằm đắp chiếu, chưa có dấu hiệu nào triển khai.
Dan bo om doi tro xuong tai du an cong nghe cao nghin ty o Binh Thuan-Hinh-2
Lễ khởi công dự án vào tháng 4/2017. 
Đàn bò hơn 200 con ốm đói trơ xương
Theo tiến độ thực hiện mà chủ đầu tư cam kết, quý II/2017, dự án sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư. Từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2019 sẽ khởi công xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động.
Thế nhưng, cho đến nay, sau gần 5 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án bò sữa công nghệ cao và nhà máy chế biến sữa lớn nhất khu vực vẫn "án binh bất động".
Theo ghi nhận của phóng viên, dự án có mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng này giờ lâm cảnh hoang tàn, chỉ còn lại một khối chuồng trại ngổn ngang với hơn 200 con bò ốm đói trơ xương.
Dan bo om doi tro xuong tai du an cong nghe cao nghin ty o Binh Thuan-Hinh-3
Những con bò ốm đói trơ xương tại dự án. 
Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Bình, huyện Bắc Bình cho biết, sau khi được chủ trương đầu tư dự án thì chính quyền cũng như người dân địa phương rất phấn khởi, mong muốn dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy dự án không khả quan. "Việc chậm trễ của dự án khiến các hộ dân vào lấn chiếm đất gây áp lực cho địa phương trong việc giải quyết với các hộ dân", ông Sanh nói.
Trước việc dự án dậm chân tại chỗ quá lâu, đầu tháng 10/2021, UBND huyện Bắc Bình đã có báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận.
Theo UBND huyện Bắc Bình, đến nay đã hơn 4 năm mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục về đất đai và triển khai đầu tư theo tiến độ được phê duyệt. Dự án thuộc trường hợp chậm triển khai theo chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh. Do đó, UBND huyện kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận.
Vì sao dự án 3.000 tỷ đồng trở nên hoang tàn?
Theo tìm hiểu, việc chủ đầu tư là Công ty Thông Thuận không tiếp tục triển khai đầu tư dự án vì cho rằng số tiền ký quỹ đầu tư quá lớn, công ty chưa sắp xếp được. Thổ nhưỡng, khí hậu ở khu vực dự án cũng không phù hợp trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt.
Thế nhưng, điểm lạ ở chỗ trước khi lập dự án, Công ty Thông Thuận đã thuê cả tư vấn nước ngoài để đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng khu vực này.
Trước tình hình trên, ngày 22/10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đã có văn bản đồng ý chủ trương thu hồi 479ha dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình của Công ty Thông Thuận.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lý do chấm dứt hoạt động của dự án này là do nhà đầu tư không triển khai dự án theo đúng chủ trương đã được quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư số 860/QĐ-UBND ngày 3/4/2017 của UBND tỉnh và các nội dung đã được UBND tỉnh gia hạn thực hiện.
Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, vi phạm điểm đ, khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020.
Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất nhưng nhà đầu tư đã triển khai tác động trên đất là vi phạm pháp luật về đất đai.
Với những vi phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty Thông Thuận tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 4, Điều 48, Luật Đầu tư năm 2020.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án nói trên theo quy định.
UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bắc Bình kiểm tra, xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của Công ty Thông Thuận trên phần diện tích 368ha tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao UBND huyện Bắc Bình chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận làm việc với Công ty Thông Thuận để tiến hành xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai của dự án, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và lợi ích của nhà đầu tư.
Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
Theo Thế Quang/ VTC News