Là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Đồng Tâm mới chỉ hoàn thành được 8/19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu mà Đồng Tâm đặt ra là đến năm 2018 sẽ đưa xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135. Để hoàn thành mục tiêu này, Đồng Tâm đã và đang nỗ lực, cố gắng vượt khó với nhiều cách làm cụ thể.
|
Người dân xã Đồng Tâm thu hoạch quả cây sở. Ảnh: Nguyễn Thanh. |
Đổi thay ở Đồng Tâm
Xã Đồng Tâm có 856 hộ dân sinh sống ở 16 thôn, bản, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 99%. Theo tiêu chí mới, xã còn 498 hộ nghèo, cận nghèo; hơn 200 người mù chữ... Ở hầu hết các thôn khó khăn, trên 70% nhà dân còn là nhà tạm, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thấp, chỉ đạt trung bình chưa đầy 15% tổng diện tích đất tự nhiên; năng suất chỉ đạt trung bình từ 2,6-2,8 tấn thóc/2 vụ/năm. Người dân Đồng Tâm cũng chưa tìm ra được hướng vững chắc để chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo... Thậm chí có một số thôn ở Đồng Tâm, người dân còn thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, chưa kéo được điện lưới về tới gia đình...
Có dịp trở lại Đồng Tâm thời gian gần đây, xã đã có nhiều sự đổi thay trông thấy. Những ngôi nhà tường gạch, ngói đỏ mọc lên nhiều hơn; nhiều tuyến đường nội thôn, liên thôn đã được cứng hoá, bê tông hoá, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của bà con được thuận tiện; trường, trạm được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo lại đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con nhân dân. Nhiều gia đình trên địa bàn xã đã tìm ra cách thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng lúa kém năng suất sang trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc-chăn nuôi làm giàu...Nhiều cách làm giàu từ nông nghiệp đang xuất hiện ở Đồng Tâm...
|
Mô hình chăn nuôi dê bán hoang dã đang được thí điểm tại thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm. Ảnh: Minh Hà. |
Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền xã Đồng Tâm đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tranh thủ các nguồn lực xã hội để chăm lo cho việc phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Xã đã triển khai, hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ của KHKT vào chăn nuôi, sản xuất; mạnh dạn đưa giống mới vào thử nghiệm, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu suất sử dụng đất...
Trong năm 2016 vừa qua, Đồng Tâm đã có thêm nhiều hộ thoát nghèo, đời sống kinh tế - xã hội của xã được cải thiện về nhiều mặt, số hộ nghèo giảm từ 430 hộ trong năm 2016 xuống còn 380 hộ tính đến đầu năm 2017. Đặc biệt, việc mạnh dạn tổ chức thành công và đưa Hội hoa sở thành một sự kiện văn hoá thường niên có quy mô cấp huyện đã giúp Đồng Tâm có thêm quyết tâm, nỗ lực phấn đấu sớm thoát diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 vào năm 2018. Nhiều cách làm giàu ở nông thôn đang xuất hiện ở Đồng Tâm.
Ông Nguyễn Kiên Trung, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, chia sẻ: Với chương trình 135, mỗi năm xã Đồng Tâm được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để phát triển hạ tầng và hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, với mặt bằng kinh tế - xã hội quá thấp, cùng những khó khăn về địa hình, địa chất, trình độ nhận thức, trình độ sản xuất của người dân nên nguồn vốn 135 không thể đủ để tạo “sức bật” cho Đồng Tâm. Cùng với đó, ngoài khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật, nhiều người dân vẫn giữ tâm thế trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức quyết tâm vươn lên từ sức lao động của bản thân.
Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh
Để khắc phục những khó khăn này, Đồng Tâm xác định, bên cạnh việc huy động và sử dụng tốt nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã hội hoá, quan trọng nhất vẫn phải là phát huy nội lực của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân toàn xã. Hàng năm, xã đều tổ chức cân đối các nguồn ngân sách, kinh phí hỗ trợ, ưu tiên đầu tư vào các hạng mục hạ tầng thiết yếu cần làm trước như: Điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ nhà ở và vốn, giống sản xuất cho hộ nghèo...
Xã cũng đang nỗ lực phát huy, khai thác tốt các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên như: Rừng hồi, quế, sở phục vụ khai thác và chế biến lâm sản; đồi cỏ, rừng thưa phục vụ chăn nuôi gia súc lớn...; đồng thời làm tốt công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số về việc chuyển đổi mô hình kinh tế, phát huy sự tự giác vươn lên thoát nghèo của người dân.
|
Đồng Tâm có thế mạnh phát triển du lịch-Mùa lễ hội hoa sở hàng năm thu hút hàng nghìn người tới chiêm ngưỡng, thăm quan. Ảnh: Cấn Đình Loan. |
Mục tiêu xã Đồng Tâm đặt ra là đến hết năm 2018 sẽ giảm thêm ít nhất 250 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống chỉ còn 15%. Xã cũng sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến giao thông trục xã, liên thôn trọng yếu với chiều dài 13,5km; xây dựng mới, cải tạo 10 công trình đập, kênh, mương thuỷ lợi phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân; xây mới kiên cố hoá 2 trường học...