“Người dân có quyền giám sát cộng đồng theo thẩm quyền miễn sao không gây ảnh hưởng đến hoạt động thu phí như gây ùn tắc, tai nạn giao thông và các hoạt động công vụ khác”, ông Huy nói.
|
Người dân đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc trên QL1A đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ảnh: VOV. |
Vụ trưởng PPP cũng cho biết, đã báo cáo Bộ nên hỗ trợ người dân đếm cho đúng biểu mẫu tại BOT Ninh Lộc. Vì thực tế có những xe biển xanh, xe sử dụng vé tháng, vé quý đi qua nhiều lần nhưng cũng chỉ tính tiền một lần. Do vậy cần phải hướng dẫn để tính toán thu cho đúng.
“Có thể dân đếm 100 xe, nhưng xe dùng vé quý, vé tháng đi qua trạm 100 lần mỗi ngày cũng chỉ tính tiền một lần. Do vậy, nếu không được hướng dẫn dân sẽ nhân loại xe đi qua với 100 sẽ không chính xác. Điều này sẽ dẫn đến dư luận hiểu sai vấn đề”, ông Huy cho hay.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Đường bộ VN nêu quan điểm, việc người dân dựng lều đếm xe tại trạm thu phí Ninh Lộc là quyền lợi chính đáng, tuy nhiên việc đếm xe phải đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác thu phí cũng như không gây mất trật tự an toàn giao thông.
Vị này cho biết, sau khi người dân báo cáo kết quả đếm xe, Tổng cục Đường bộ sẽ đối chiếu với dữ liệu được lưu trữ và sẽ công bố rõ đảm bảo công khai minh bạch.
Theo thông tư 49, hiện nay trạm thu phí phải lưu trữ dữ liệu trong 5 năm, trong đó dữ liệu hình ảnh toàn trạm lưu trong 1 năm.
Cũng theo đại diện Tổng cục Đường bộ, dữ liệu báo cáo của nhà đầu tư BOT phải đúng với dữ liệu được lưu. Cơ quan Công an và thanh tra có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào.
Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước số liệu báo cáo. Nếu có sự tăng giảm lưu lượng Tổng cục sẽ giám sát, không để xảy ra gian lận trong thu phí.
Tới đây tất cả dữ liệu ở 66 trạm thu phí BOT trên cả nước sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ giám sát. Số lượng xe chạy hàng ngày, hàng giờ sẽ được lưu lại đầy đủ.
Khi người dân có thắc mắc về phương tiện xe chạy hàng ngày, hàng giờ Tổng cục có thể lấy số liệu được ngay.
Theo Vũ Điệp/Vietnamnet