Nhiều cơ hội hơn là thách thức
Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP). Theo nhiều nhà nghiên cứu, TPP sẽ là một sự kiện lớn nhất xảy ra với Việt Nam trong 20 năm nay (kể từ thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường quan hệ hóa vào năm 1995), kinh tế Việt Nam sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, ông đánh giá sự kiện này thế nào?
|
Thạc sỹ Phạm Sỹ An. |
Đây là hiệp định thế hệ mới, bao trùm nhiều khía cạnh từ thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, môi trường... Đó là hiệp định có tính bao quát, mở cửa rộng cho tất cả các nước thành viên. Các hiệp định thương mại tự do giúp các nước tham gia mở rộng thị trường. Đó là cơ hội để nước ta xuất khẩu sang nước khác và cũng là cơ hội nước khác xuất khẩu sang nước mình, nghĩa là các nước thành viên có chung cơ hội xuất khẩu sang nhau nhưng cũng đồng nghĩa với thách thức là sự cạnh tranh của hàng hóa sẽ quyết liệt hơn.
Vậy có thể nhìn nhận đây là cơ hội hay thách thức?
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, Hiệp định TPP mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức. Việt Nam kỳ vọng TPP đem đến những triển vọng kinh tế tốt trong nhiều năm tới.
Mở cửa thương mại tự do với các quốc gia phát triển cao hơn nhiều. Được hiểu đơn giản là hàng hóa xuất nhập khẩu không còn thuế, phí hoặc ở mức thấp nhất có thể, liệu Việt Nam có cạnh tranh được với các quốc gia phát triển đó?
TPP có những nước với trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật, Canada, và những nước trình độ thấp hơn như Việt Nam, Brunei. Khi ký hiệp định thương mại tự do giữa các nước có trình độ phát triển chênh lệch nhau như thế thì đem lại cơ hội cho những nước đi sau. Cơ hội bắt kịp những nước đi trước là rất lớn.
Vì sao thế?
Khi gia nhập TPP, những dòng thương mại, đầu tư giữa các nước trong TPP di chuyển từ nước này sang nước kia. Đầu tư của Mỹ, Nhật sẽ sang Việt Nam nhiều hơn, làm cho dòng công nghệ dịch chuyển, tạo thuận lợi cho những nước có nền công nghệ kém hơn như Việt Nam. Khi tham gia những hiệp định đẳng cấp cao thế này, Việt Nam sẽ phải thực hiện những cam kết lớn bao trùm nhiều lĩnh vực, thay đổi thể chế trong nước, dần dần tạo ra tăng trưởng cao hơn. Khả năng học hỏi từ thể chế của các nước thành viên phát triển hơn cũng nhanh hơn, tốt hơn.
Đó mới chỉ là lý thuyết, thực tế thì điều gì quyết định vào thành công?
Đó là khả năng học hỏi của Việt Nam như thế nào, biến chuyển nhận thức thành hành động đến mức độ nào. Các nước thành viên của TPP sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Những nước ngoài TPP cũng sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn để tận dụng thị trường TPP rộng lớn. Việt Nam phải làm sao để xây dựng được môi trường kinh doanh tốt để thu hút đầu tư nước ngoài, hấp thụ được công nghệ từ các luồng đầu tư ấy để có độ lan tỏa tốt nhất.
Doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh ác liệt
Khi tham gia TPP, chắc hẳn hàng hóa sẽ có giá thấp?
Đúng thế, hàng hóa sẽ có giá thấp, không còn hàng rào thuế quan, phi thuế quan hoặc giảm mức tối thiểu. Hàng hóa dịch vụ có tính cạnh tranh lớn hơn.
Liệu doanh nghiệp trong nước có bị “đè bẹp”?
Mỹ có nền nông nghiệp mạnh, Nhật Bản thì có ô tô, máy móc công nghệ, Canada, Úc cũng mạnh về một số sản phẩm nông nghiệp, họ sẽ cạnh tranh với chúng ta. Trong nước, những doanh nghiệp yếu hoặc không đủ sức cạnh tranh thì sẽ phải thu hẹp quy mô hoặc phá sản, còn những doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội sẽ mở rộng sản xuất và phát đạt; đó là điều bình thường trong hiệp định thương mại. Đó là cuộc đua có người thắng – kẻ thua.
Liệu có gây ra cú sốc cho cả nền kinh tế, nếu đồng loạt nhiều doanh nghiệp đóng cửa?
Thế nên phải có sự chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi nguồn lực từ những người bị thua thiệt đến những người thắng cuộc, làm sao để quá trình diễn ra mềm mại hơn, không gây ra cú sốc lớn.
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, sức cạnh tranh của doanh nghiệp rõ ràng là chưa cao?
Đó là thách thức. Chúng ta hay nghe nhiều người nói doanh nghiệp yếu không cạnh tranh được, nhưng theo tôi, tính thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Khi họ hiểu các thách thức thì họ sẽ thích ứng nhanh thôi. Chúng ta phải nhìn vào tổng thể, dài hạn thì sẽ tốt hơn. Còn trong quá trình tham gia bất cứ hiệp định nào cũng đều sẽ có những ngành bị thua thiệt. Không có cuộc chơi nào mà toàn thắng.
Hy vọng mua được ô tô giá rẻ
Người dân được hưởng lợi gì từ TPP?
Người dân có một số kỳ vọng từ TPP, những quy định về môi trường, tiêu chuẩn lao động sẽ làm tốt hơn cho người dân và người lao động. TPP có mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng và duy trì, mở rộng việc làm, hoạt động sản xuất tốt hơn sẽ tạo ra nhiều việc làm.
Tới đây, cộng đồng kinh tế Asean cũng sẽ có hiệu lực. Hàng hóa luân chuyển trong khu vực không phải chịu thuế, phí. Với hiệp định TPP này, hẳn là cũng như thế?
Đúng thế, giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn. Ví dụ thịt gà của Mỹ vào Việt Nam sẽ rất rẻ. Hội nhập thì mức giá sẽ xuống ở mức thấp nhất. Còn người sản xuất sẽ chịu thiệu vì nếu không cạnh tranh được thì sẽ tự đào thải mình.
Liệu tôi có nên hy vọng, chờ đợi mình sẽ mua được chiếc ô tô với giá rẻ?
Tôi nghĩ là hoàn toàn có cơ sở để hy vọng. Mua hàng hóa tiêu dùng rẻ là điều bình thường khi tham dự các Hiệp định thương mại tự do như TPP. Hoặc hàng hóa dệt may, da giày, thủy sản... của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, người Mỹ cũng sẽ được mua với giá rẻ hơn.
Những chuyển biến này có lẽ là cực kỳ quan trọng?
Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện cải cách thể chế kinh tế. Chúng ta phải làm nhanh, đúng cam kết của TPP.
Sẽ không còn độc quyền
Gia nhập TPP, hẳn là những doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt?
Đúng thế. Trước đây theo nhiều phân tích đánh giá, có những doanh nghiệp nhà nước được “nuông chiều” nhiều quá, bây giờ cạnh tranh, không biết doanh nghiệp nhà nước sẽ trụ vững thế nào. Tôi nghĩ việc cải cách là cần thiết, họ buộc phải thích ứng, nếu không thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Bức xúc của người dân về giá điện, nước, xăng dầu có từ khá lâu, có chuyên gia cho rằng là bởi vì độc quyền nên họ đưa ra giá bao nhiêu thị trường phải chịu bấy nhiêu. Gia nhập TPP, điều này có thay đổi?
Chắc chắn là sẽ khác. Hiện một số thị trường đang có cấu trúc độc quyền. Nhưng như định hướng của Chính phủ, chúng ta sẽ hướng đến thị trường cạnh tranh. Quá trình này sẽ được thực hiện nhanh, thị trường hóa các ngành độc quyền.
Ví dụ như một doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam bán 10.000đ/lít xăng thì doanh nghiệp trong nước phải tìm cách mà cạnh tranh?
Thực ra cái đó thì khó, nhưng nếu có lộ trình cụ thể thì sức ép cho ngành xăng dầu mạnh hơn. Cạnh tranh không chỉ về giá cả mà còn về chất lượng dịch vụ cung ứng. Ví dụ như khi mua xăng, không cần phải xếp hàng mà lại còn có thêm dịch vụ rửa xe, bơm xe, uống nước... Thay vì phải xếp hàng, thậm chí còn bị người bán quát tháo thì hẳn là ai cũng sẽ chọn nơi bán có dịch vụ tốt hơn.
Người dân đương nhiên hưởng lợi?
Đúng. Người tiêu dùng được lợi, còn các công ty phân phối độc quyền không còn đặc quyền đặc lợi nữa, họ phải cạnh tranh. Về tổng thể thì nên kinh tế được lợi, sẽ có những biến chuyển rất lớn.
Nhưng trước khi gia nhập WTO, tôi thấy người ta cũng nói nhiều đến những biến chuyển, sau đó gần như không có gì. Liệu TPP có lặp lại câu chuyện đó?
Thực ra thì rất khó lặp lại điều đó. Vì giai đoạn gia nhập WTO là giai đoạn kinh tế thế giới rơi vào khó khăn, khủng hoảng. Nhưng thời điểm này là bối cảnh kinh tế khác hẳn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.
Tô Hội