"Đánh giá cán bộ khó lắm!"

Google News

Theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng, một trong những điểm yếu nhất trong công tác cán bộ là đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của mỗi người.

Đức nặng hơn tài
Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã gần được hoàn tất. Là một người dân, tôi rất mong mỏi sẽ có những người đủ đức, đủ tài được lựa chọn để gánh vác những công việc nặng nề, cao cả đưa đất nước phát triển. Nói chuyện về công tác cán bộ, theo ông thì những tiêu chí nào là cần thiết đối với cán bộ trong tình hình hiện nay?
Cho đến giờ, công tác nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương đã gần đi đến đích rồi. Danh sách giới thiệu ra Trung ương khóa XII đã được bỏ phiếu. Công tác chuẩn bị nhân sự cơ bản đã xong. Quan trọng nhất là đến khi Đại hội thì sẽ bầu bán thế nào. Đại hội sẽ bầu ra Trung ương mới, từ Trung ương mới thì đại biểu đại hội sẽ bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư. Đây là việc hệ trọng của đất nước, nhân dân theo dõi để tỏ thái độ đồng tình ủng hộ hoặc góp thêm ý kiến.
Là một cử tri ông mong muốn điều gì?
Tôi mong muốn công bằng và dân chủ thực sự. Khóa đại biểu Quốc hội mới tới đây phải làm kỹ càng hơn để chọn được người xứng đáng vào Quốc hội.
Theo ông thì tố chất nào là quan trọng nhất của một cán bộ?
Lâu nay ta vẫn nói hai mặt đức và tài. Tôi cho rằng đức quan trọng hơn tài, đức làm nền cho cái tài phát huy. Không có đức thì không phát huy được tài. Đức là phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức của người đó. Không có đức thì không thể phát huy được. Làm cán bộ để phục vụ dân, làm công bộc dân, không có đức thì không thể làm được điều đó. Nếu chỉ có tài mà không có đức thì sẽ chỉ tìm cách để phục vụ cho lợi ích của bản thân mình, họ hàng mình thôi.
Trước tình trạng tham nhũng hiện nay, tôi cũng rất đồng tình quan điểm này của ông. Thế nhưng trong công tác bổ nhiệm, thang đo về cái “đức” dường như vẫn rất mập mờ?
Căn cứ vào công việc cuộc sống của người đó, có hết lòng vì công việc không hay chỉ nhăm nhăm làm việc cho cá nhân mình, người đó có trong sạch không, có ăn hối lộ không, có tham nhũng không, có đưa tiền hối lộ để chạy chức không? Những việc đó các tổ chức ở cơ sở và nhân dân đều biết hết.
Ông Lê Quang Thưởng. 
Dù họ không có bằng chứng cụ thể về việc đó?
Bằng chứng là một chuyện nhưng người ta cảm thấy không tin tưởng thì người ta không bỏ phiếu. Trong chuyện này thì bằng chứng lại không phải là quan trọng. Nếu có thì người ta đã tố cáo để xử lý rồi. Việc bỏ phiếu, tín nhiệm người này người kia là quyền dân chủ của mỗi người mà.
Giả sử như lựa chọn cán bộ sai thì xử lý thế nào, có dễ không?
Cũng lại qua thanh tra, kiểm tra rồi kết luận chứ không phải bỗng dưng nghe dư luận, đơn thư là làm ngay.
Đánh giá đúng cán bộ rất khó
Ông thấy tồn tại nhất trong công tác cán bộ hiện nay là gì?
Đó là việc đánh giá đúng cán bộ. Có nhiều kênh thông tin đánh giá. Ở cơ quan, ở ngoài đời sống có thể không thấy có vấn đề gì, nhưng phía sau đó, nếu không có thông tin thì không thể đánh giá một cách chuẩn xác được. Ví dụ như tài sản lớn mà không kê khai, nhà cửa đứng tên vợ, con, người thân thì đánh giá thế nào? Hay có tiền gửi ngân hàng nhưng chỉ khi bị phát hiện thì mới biết người đó giàu thế nào.
Thế thì đúng là rất khó?
Cực khó trong tình hình hiện nay. Cơ chế thị trường, hội nhập thì người ta gửi tiền ở nước ngoài làm sao biết được.
Làm thế nào để chọn được cán bộ tốt?
Con đường vẫn là dựa vào nhân dân. Cán bộ sống thế nào, dân biết. Ví dụ, có một số cán bộ gần đây đã được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng có nhiều nhà lớn, tổ chức không biết mà dân biết, rồi báo chí vào cuộc điều tra thì mới thấy. Dựa vào nhân dân là sẽ biết.
Nhưng đa phần người dân thì ưa sự “an phận”, chẳng ai muốn dây dưa kiện tụng, tố cáo làm gì?
Với những sự việc nhỏ thì không sao, nhưng những việc lớn gây chối tai, chối mắt quá thì họ sẽ buộc phải nói.
“Quan lộ” nhiều hấp dẫn
Theo đánh giá của ông thì tâm lý chung người ta có thích làm lãnh đạo không?
Ở một quốc gia đang phát triển như chúng ta, kinh tế còn khó khăn, con đường thăng quan tiến chức vẫn là con đường hấp dẫn đối với số đông. Còn đối với một bộ phận khác, họ có tài, họ không nhất thiết phải đi theo con đường đó mà vẫn có thể làm giàu. Họ có thể viết văn, làm báo, làm doanh nghiệp và trưởng thành từ con đường của họ chứ không bằng “quan lộ”.
Lúc nào cũng phức tạp nhưng bây giờ thì phức tạp hơn nhiều. Ngày xưa những chuyện như “chạy chức chạy quyền” là ít, bây giờ nhiều hơn. Ngày xưa theo chế độ tập trung bao cấp, sản xuất theo kế hoạch, từ trên giao xuống, trên duyệt bao nhiêu dưới làm bấy nhiêu. Giờ sản xuất theo thị trường với mối quan hệ tiền - hàng, đồng tiền chi phối mạnh lắm. Cơ chế thị trường là sản phẩm của lịch sử nhân loại, nhưng mặt trái của nó đã tác động đến công tác cán bộ.

 

Vì sao quan lộ lại hấp dẫn thế?
Vì nó an toàn hơn, trong khi nếu tự bươn chải thì phải có tài năng thực sự, phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại. Làm giàu trong xã hội không dễ chút nào. Còn làm “quan” thì không nhất thiết thế. Lên được ghế là cứ thế ăn lương thôi. Ta đang có tình trạng “có vào mà không có ra”, “có lên mà không có xuống”. Đưa một người ra khỏi đội ngũ cán bộ phải có những vi phạm lớn, hay hạ chức một người cũng như thế.
Vì thế mà người ta tìm mọi cách vào?
Vào bằng được và giữ cho được cái ghế. Bây giờ tiêu cực đến mức mà người ta chạy tiền để có chức vụ, để người có quyền cất nhắc họ.
Trước đây tình trạng này có nhiều không?
Trước đây có nhưng ít, bây giờ nhiều hơn và phổ biến hơn.
Việc làm rõ “ai chạy, chạy ai” đó có khó?
Đúng, phải có người tố cáo.
Ai dại gì tố cáo mình đã “chạy”?
Đúng thế. Phải có người tố cáo, phải có căn cứ mới xử lý được.
“Mốt” đưa con đi học
Câu chuyện con một vị Bí thư Tỉnh ủy trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông có bình luận gì về chuyện này?
Cán bộ trẻ giữ vị trí lãnh đạo cỡ giám đốc sở là tốt, thế nhưng là con của Bí thư Tỉnh ủy thì người ta nghi ngờ có sự nể nang trong cất nhắc, đề bạt. Bản thân ông Bí thư đó thì khẳng định không có sự tác động nào. Băn khoăn nữa là vị cán bộ trẻ đó được đi học một cách ưu ái, ban đầu bỏ tiền túi đi học, năm sau tỉnh lại dùng quỹ của tỉnh để trả lại tiền và tiếp tục cấp tiền cho đi học.
Người bình thường thì khó được thế?
Đúng, đó là sự ưu ái. Rồi người ta thấy rằng anh ấy lên chức nhanh quá mà chưa thể hiện năng lực gì trong thực tiễn. Tôi thì cho rằng đứng trước hai khả năng, do sức ép của dư luận, anh đó sẽ cố gắng phấn đấu làm tốt hơn. Hai là do sức ép đó mà anh đó rụt rè không dám làm gì, ngồi lọt thỏm trong cái ghế quyền lực của mình. Mặc dù có dư luận như thế mà anh đó vẫn được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy thì cũng có thể anh đó là người tốt.
Ông thấy hiện tượng giống như thế có nhiều không?
Không chiếm số đông nhưng không phải là ít, tỉnh nào cũng có chuyện đó với mức độ khác nhau.
Liệu có sợ sự ưu ái đó làm giảm chất lượng đội ngũ cán bộ?
Có khả năng thế. Nếu anh ta không làm được việc thì đó cũng là một trở ngại. Hoặc là làm tốt, hoặc là rất tệ. Tôi vẫn nói những người lãnh đạo cấp cao ngày trước đa phần đều đưa con họ đi rèn luyện thực tế, cống hiến ở những lĩnh vực khó khăn của đời sống. Mao Trạch Đông đưa con đi tham gia chiến tranh rồi bị hy sinh, con các đồng chí lãnh đạo cấp cao ở nước ta trước đây đều trải qua những vị trí công tác thực tế nhiều, “bơi” trong dòng chảy cuộc sống để đi lên. Còn bây giờ có cái “mốt” lãnh đạo tìm mọi cách cho con đi học rồi về đưa con vào một vị trí nào đó, như thế không hay lắm.
Chắc hẳn là những người có ý định “đưa con đi học” và gài vào vị trí lãnh đạo phải suy ngẫm. Trân trọng cảm ơn ông!
Tô Hội