Đào tạo vượt nghìn chỉ tiêu tiến sĩ và thạc sĩ, Viện Hàn lâm bị thanh tra

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sỹ năm 2017 còn 86 chỉ tiêu nhưng Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đăng ký chỉ tiêu lên 435 tiến sỹ và 1.600 thạc sỹ.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết vừa tổ chức công bố quyết định thanh tra tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo Quyết định 479/QĐ- TTCP, ngày 22/07/2020 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019.
Dao tao vuot nghin chi tieu tien si va thac si, Vien Han lam bi thanh tra
Viện hàn lâm Khoa học Xã hội được xem là lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ.  

Thời kỳ thanh tra từ năm 2015 đến tháng 12/2019; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên. 

Đoàn Thanh tra gồm 10 thành viên do ông Nguyễn Hữu Nhường, Thanh tra viên Cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ 3, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.

Phát biểu tại buổi công bố, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, đây là cuộc thanh tra đầu tiên của Thanh tra Chính phủ đối với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và là cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2020 của Thanh tra Chính phủ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm yêu cầu các thành viên của Đoàn thanh tra trong quá trình làm việc với Viện phải thực hiện tốt quy  tắc ứng xử; dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng; lịch làm việc, nội dung làm việc cụ thể; thực hiện nghiêm các quy định, quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra; trong quá trình và phải bảo quản tài liệu theo chế độ mật, thực hiện đúng quy chế phát ngôn đoàn thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đề nghị các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn thanh tra trong quá trình làm việc tại đơn vị để có kết quả thanh tra khách quan, phản ánh đúng bản chất sự việc.

Trước đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chỉ ra nhiều sai phạm của đơn vị này, điển hình là sai phạm về chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2017.

Năm 2017, Học viện KHXH còn 86 chỉ tiêu (33 chỉ tiêu khối ngành III và 53 chỉ tiêu khối ngành VII), không còn chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của khối ngành I và trình độ tiến sỹ của tất cả các khối ngành. Tuy nhiên, Học viện đăng ký chỉ tiêu năm 2017 là 435 chỉ tiêu tiến sỹ và 1.600 thạc sỹ.

Qua thanh tra cũng phát hiện, tại một thời điểm có người được giao hướng dẫn tới 44 học viên, gồm 29 học viên ngành Luật, 10 học viên ngành Chính sách công, 5 học viên ngành Công tác xã hội. Có người được giao 18, 11, 10 hoặc 9 người.

Nhiều người không đủ điều kiện tham gia hội đồng vẫn được Học viện đưa vào danh sách hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp. Chẳng hạn, các GS, PGS chuyên ngành về tâm lý học lại ngồi hội đồng của học viên chuyên ngành quản lý giáo dục…

Sau khi Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố kết quả, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi về nhân sự. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã bổ nhiệm GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giữ chức vụ Giám đốc Học viện Khoa học xã hội kể từ ngày 1/9/2016. 

Học viện Khoa học xã hội đã tiến hành kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm một số tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm trong công tác đào tạo tại Học viện KHXH.

Giám đốc Khoa học xã hội đã bổ nhiệm một số Trưởng Khoa mới; thay đổi nhân sự tại Phòng Quản lý đào tạo; thuyên chuyển công tác các Trợ lý đào tạo của các Khoa để xảy ra sai phạm nhằm ổn định tổ chức để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của Học viện.

 

Hà Trang