Đau đầu với người nước ngoài gây tai nạn

Google News

Có trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu đến làm việc thì nhất quyết không đến… vì “rất bận, không có thời gian”.

Nhiều vụ tai nạn giao thông do người nước ngoài gây ra thường do điều khiển xe không có bằng lái, lưu thông không đúng phần đường, chuyển hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát…
Từ chối hợp tác với cảnh sát giao thông
Phòng PC67, Công an TP.HCM cho biết khi tiếp nhận các vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài để điều tra, giải quyết thường gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận với người nước ngoài. Có trường hợp người nước ngoài khi được mời đến làm việc thì không sử dụng tiếng Anh mà sử dụng ngôn ngữ bản địa. Có trường hợp không xuất trình được các loại giấy tờ của bản thân và phương tiện gây tai nạn.
Do đó, Phòng CSGT thường phải nhờ sự hỗ trợ của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72), Công an TP để làm công tác phiên dịch, trao đổi trong quá trình làm thủ tục khám xe, giám định thương tích cũng như hướng dẫn cho hai bên thỏa thuận bồi thường.
“Có trường hợp một người Mỹ liên quan đến một vụ TNGT nhưng chúng tôi đã liên hệ nhiều lần qua điện thoại nhưng người này từ chối không đến cơ quan để tham gia xử lý. Ông ấy bảo rằng rất bận, không có thời gian. Thậm chí chúng tôi đề xuất trao đổi qua điện thoại cũng không được” - một CSGT thụ lý điều tra cho biết có nhiều trường hợp từ chối hợp tác vì ngại phiền phức hoặc né tránh trách nhiệm. Vì vậy nhiều vụ phải kéo dài hoặc bỏ dở.
Nhiều người gây khó dễ cho công tác xử lý tai nạn thì buộc CSGT phải nhờ đến các đại sứ quán hỗ trợ.
 Một trường hợp người nước ngoài điều khiển ô tô gây tai nạn trên đường Trường Chinh vào đêm 30-1. Ảnh: L.THOA

Một trường hợp người nước ngoài gây tai nạn giao thông. Ảnh: CANDF/VŨ LÊ 
Không rành đường, tự gây tai nạn đau lòng
Trung tá Phạm Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội CSGT Nam Sài Gòn (thuộc PC67, Công an TP.HCM), cho biết tình trạng người nước ngoài vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến trên địa bàn quận 7. Vì nơi đây có khu vực Phú Mỹ Hưng tập trung rất đông người nước ngoài.
Trong đó có nhiều trường hợp thường xuyên đi về khuya, không tránh khỏi có tình trạng nhậu say, lạc tay lái tự gây tai nạn giao thông. Mới đây, trên địa bàn đội phụ trách xảy ra ba vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài. “Nhiều trường hợp tự gây tai nạn và tử vong” - Trung tá Đức ngậm ngùi.
Trung tá Đức cho biết mình không quên được vụ TNGT liên quan đến một thanh niên người Hàn Quốc (24 tuổi), ngụ quận 7, xảy ra vào đầu năm nay. Theo đó, khoảng 3 giờ sáng hôm đó, người này điều khiển xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh, đến trước nhà số 811-813, do đang chạy quá nhanh, không làm chủ được tốc độ lại gặp phải khúc cua và dốc nên đâm sầm vào dải phân cách trồng cây xanh. Thanh niên trẻ tuổi bị đánh bật ra xa, cách vị trí va chạm gần 40 m nên đã tử vong.
75 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài đã xảy ra trên địa bàn TP.HCM trong năm 2017, làm chết ba người, bị thương 50 người. Trong đó có 28 vụ do người nước ngoài điều khiển xe máy gây TNGT và 16 vụ do người điều khiển ô tô gây TNGT.
Trung tá Đức cho biết qua kiểm tra thì người này lái xe khi trong người có nồng độ cồn nên dẫn đến tai nạn đáng tiếc trên.
Một trường hợp tai nạn khác cũng xảy ra trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 khi 2 giờ sáng, người đàn ông quốc tịch Singapore một mình chạy xe trên đường thì… va vào gốc cây và chết.
Lực lượng CSGT TP.HCM cho biết đối với các vụ TNGT do người nước ngoài tự gây rồi tử vong thì vụ việc sẽ chuyển cho các cơ quan cảnh sát điều tra nguyên nhân TNGT rồi đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, quá trình điều tra thường rất khó khăn, mất thời gian vì có nhiều trường hợp người nước ngoài khi tham gia giao thông lại không có giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe hay giấy đăng ký xe. Nên việc xác minh danh tính phải nhờ các cơ quan có liên quan phối hợp.
Phòng PC67, Công an TP.HCM cho biết để chủ động kéo giảm TNGT liên quan đến người nước ngoài đang sinh sống, du lịch, học tập và làm việc trên địa bàn TP.HCM, năm 2018 Phòng CSGT đã có chủ trương, lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người nước ngoài. Hình thức: Sử dụng pano, tờ bướm có nội dung bằng tiếng Anh hoặc một số ngôn ngữ khác để người nước ngoài có thể hiểu quy định của luật giao thông.
Trước mắt, trong năm 2018, PC67 sẽ chủ động phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV tổ chức tuyên truyền cho sinh viên là người nước ngoài đang học tập tại trường, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương những khu vực có nhiều người nước ngoài để tổ chức các hoạt động tương tự.
Theo Lê Thoa/PLO