ĐB Dương Trung Quốc: Văn hóa uống rượu, bia sao đưa lên “đoạn đầu đài”

Google News

(Kiến Thức) -Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Quốc hội ngày 23/5, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, rượu, bia là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này?

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, ông theo dõi các phiên thảo luận liên quan đến luật này và cảm nhận được một điều là chúng ta tiếp cận sai.
“Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan”, ông Quốc cho biết và khẳng định: “Nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này?”.
Đại biểu Dương Trung Quốc nói sẽ thẩm tra lại một văn bản được được lưu truyền ở Quốc hội do Tổ chức y tế thế giới ở Việt Nam trên bìa đề chữ “Uống rượu, bia có hại cho sức khoẻ”.
“Đấy có phải là thông điệp của thế giới không? Trong khi đó là một văn hoá tồn tại bao nhiêu năm rồi. Nếu còn nhìn ở góc độ đó chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung”, ông Quốc nói.
DB Duong Trung Quoc: Van hoa uong ruou, bia sao dua len “doan dau dai”
 Đại biểu Dương Trung Quốc.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, hoàn toàn tán thành ý kiến là đây là luật rất cần có lúc này.
“Chúng ta cần nhận thức được tất cả những tác hại mà mặt trái của rượu, bia, thậm chí cá nhân tôi đề nghị chế tài còn nặng hơn nhưng chúng ta nên coi năng lực quản lý là hàng đầu. Hình như cách đặt vấn đề của chúng ta né tránh mặt yếu nhất của chúng ta là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, kiểm soát của nhà nước và mỗi một con người tự kiểm soát mình, từ vấn đề sản xuất, tiêu thụ, sử dụng. Nếu chúng ta được làm như thế thì sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của bia, rượu trên thị trường cũng như trong đời sống”, ông Quốc nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại: “Câu hỏi lần trước tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế chưa trả lời, chúng ta xếp thứ ba, vậy thứ nhất, thứ hai là ai, họ có phải là những nước lạc hậu không. Liệu Bộ Y tế còn sản xuất rượu bổ không, liệu tất cả những sản phẩm có gắn hình ảnh tai nạn giao thông và các căn bệnh vì rượu như chúng ta đối xử với với thuốc lá hay ma tuý”.
Đại biểu Quốc mong rằng, chúng ta hết sức tỉnh táo để có cách đặt vấn đề đúng đắn, có hiệu quả, có lộ trình, có thể lúc ban đầu hiệu ứng còn hạn chế, ta nâng dần lên.
“Tôi xin nói là nếu chúng ta thông qua thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá, vì Heniken là tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới. Người dân rất cần sức khoẻ nhưng họ vẫn sẵn sàng thức đêm xem đá bóng và họ mong muốn có đá bóng, truyền hình trung ương bỏ cả triệu đôla để đáp ứng người dân. Sức khoẻ không chỉ thuần túy là sức khoẻ về thể trạng mà còn sức khoẻ về tinh thần, chất lượng sống”, ông Quốc nói và mong nhìn nhận một cách hết sức khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoan, đừng cục bộ vì nó sẽ không có hiệu ứng xã hội.
Có người chỉ 1 ly là tắc thở, có người uống 1 lít vẫn bình thường
Việc tác hại của rượu bia đối với mỗi người nó thuộc về thể trạng của mỗi người, kể cả khi ta đo nồng độ cồn, cũng một lượng bia, rượu đó vào mỗi người nhưng không phải khi đưa lên máy đo nồng độ cồn thì có kết quả như nhau. Cần điều chỉnh lại số lượng quy định vào tính nồng độ cồn. Có người chỉ 1 ly là tắc thở, có người uống 1 lít vẫn bình thường. Ngay kể cả đứa trẻ uống vào có thể không sao, nhưng một người trưởng thành uống vào là có sao. Ví dụ như bản thân tôi, ngay từ khi còn bé tôi đã được uống rượu, vì ở làng người ta cúng là phải uống, uống vào tôi vẫn bình thường. Nhưng mà nhiều người lớn khi uống vào có thể quay cuồng, nằm bất tỉnh. Đấy là một ví dụ rất thực tiễn mà bản thân tôi là người trải nghiệm.
Đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) - Gia Lai
Kinh doanh rượu, bia tràn lan đưa Việt Nam đứng top đầu thế giới về tiêu thụ rượu bia
Một vấn đề các đại biểu đã phân tích kỹ là tình trạng kinh doanh rượu bia tràn lan hiện nay đang đưa Việt Nam đứng trong top đầu thế giới và khu vực về mức tiêu thụ rượu bia, hệ lụy rất lớn. Mục đích xây dựng luật lần này để chúng ta có thể tác động thay đổi thực trạng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp
Có lộ trình tăng thuế rượu, bia để hạn chế tiêu thụ
Giá rượu, bia ở Việt Nam vẫn còn rẻ hơn nhiều nước, giá rượu thủ công còn siêu rẻ và tôi đề nghị có lộ trình tăng thuế rượu, bia để hạn chế tiêu thụ. Tuy nhiên, cần đồng bộ với kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn, kiểm soát tiêu thụ rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu, nếu không thì vừa thất thu thuế, doanh nghiệp thiệt hại mà tiêu thụ rượu bia không giảm, nguy hiểm hơn sử dụng rượu, bia kém chất lượng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - TP Hồ Chí Minh
Coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ là không công bằng
Tôi có cảm giác như các đại biểu phát biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ, tôi không phải trong ngành và cũng không quá ủng hộ ngành này nhưng tôi thấy có gì đấy không công bằng. Hàng chục nghìn tỷ hằng năm, hàng trăm nghìn lao động đang kiếm sống hàng ngày, đóng góp cho ngân sách nhà nước, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc gì cũng phải có lộ trình và chúng ta phải xem xét cả hai mặt, không thể vì một việc này, việc kia mà chúng ta bỏ hoàn toàn công lao của một ngành sản xuất. Chúng ta phải tính toán đến vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và có lộ trình, có thực tiễn, không phải bỏ toàn bộ bộ, ngành, cấm đoán hoàn toàn. Hai doanh nghiệp lớn nhất của nhà nước là Sabeco và Habeco vừa cổ phần hóa, rất nhiều vấn đề đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Thái Bình

Hải Ninh