Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, ngày 28/3, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi.
Góp ý về tiêu chuẩn Huân chương Lao động các hạng (Điều 39, 40 và 41), ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn chứng, lịch sử đã chứng kiến nhiều tấm gương mẫu mực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân.
Tiêu biểu như ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với quyết sách "khoán hộ" năm 1966, là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương ban hành chính sách khoán 100 và khoán 10, từ đó làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp nước ta. Hoặc là nữ Anh hùng Lao động Ba Thi với kỳ tích "cởi trói" cho hạt gạo tại TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long năm 1977-1978, góp phần vào việc bỏ chế độ bao cấp gạo; hay trường hợp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đường dây tải điện 500 KV.
Theo đại biểu, trước những tấm gương chân thực nêu trên và theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Ban Tổ chức Trung ương đã có Đề án, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, trong đó yêu cầu biểu dương, khen thưởng xứng đáng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, vì lợi ích chung.
"Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, cần phải được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ, đảng viên đang có dấu hiệu "chùng xuống", không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm. Có rất nhiều biện pháp để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng tôi cho rằng biện pháp khen thưởng là biện pháp thiết thực và có nhiều yếu tố tích cực", bà Hoa nhấn mạnh.
|
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
|
Về hình thức khen thưởng cho cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tham gia kháng chiến, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định "Huy chương TNXP vẻ vang" được tặng hoặc truy tặng cho TNXP tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng; hoặc TNXP hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên.
ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, không nên quy định quá cứng mà cần linh hoạt về thời gian tham gia TNXP, vì thực tế nhiều TNXP chưa đủ thời gian đã hy sinh. Bà lấy ví dụ, 10 cô gái TNXP ở ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh làm nhiệm vụ san lấp hố bom trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng chỉ từ tháng 4 đến 10/1968.
"Trong 214 ngày đêm, địch ném gần 50.000 quả bom xuống địa bàn, 10 cô gái đã làm việc suốt ngày đêm và hy sinh ngày 24/7/1968. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận 10 cô gái TNXP hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng có người tham gia lực lượng TNXP chưa đủ một năm như chị Trần Thị Dạ, tham gia ngày 3/11/1967 thì hy sinh vào ngày 24/7/1968, chưa đủ 6 tháng. Có trường hợp TNXP làm nhiệm vụ đặc biệt do chiến tranh ác liệt bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau, thời gian tham gia không đủ 2 năm", đại biểu nêu thực tế, đề nghị các quy định về điều kiện công nhận, tặng, truy tặng huy hiệu, huy chương TNXP cũng cần linh hoạt để ghi nhận sự đóng góp trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và phù hợp thực tiễn.
Chung suy nghĩ với ĐBQH Đỗ Thị Lan, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) bày tỏ tán thành quan điểm, đối với TNXP hy sinh thì không nên quy định thời hạn, bởi "việc hy sinh xương máu, tính mạng là sự đóng góp, hy sinh cao nhất rồi".
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Thủ tướng Chính Phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội
Thiên Tuấn