ĐBQH: Nông nghiệp mới là lĩnh vực Việt Nam “đấu” với thế giới

Google News

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho hay, cần phải bổ sung thêm nội dung về nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, tránh dàn trải, không xác định được lợi thế cạnh tranh.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, sáng 7/1, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cần nêu rõ lợi thế cạnh tranh, tránh dàn trải
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho hay, Quy hoạch tổng thể Quốc gia là nhiệm vụ mới rất quan trọng, hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở nên hùng cường.
DBQH: Nong nghiep moi la linh vuc Viet Nam “dau” voi the gioi
 Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QH.
Vì thế, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.
Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.
Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý – quy hoạch cứng.
Theo đó, những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong Quy hoạch này.
Đối với những nội dung khác, thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, y tế… nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến bó khung có thể làm hạn chế việc phát triển.
Đại biểu tỉnh Đồng Nai cho hay, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 3 ngành chiến lược quan trọng là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
“Tuy nhiên, Việt Nam cần xác định rõ, nông nghiệp là lĩnh vực mới có thể so sánh, “chiến đấu” được với thế giới. Do đó, phải bổ sung thêm nội dung về nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu”, ông An nói.
Theo ông An, những nội dung nào có lợi thế so sánh, cạnh tranh thì phải nêu rất rõ trong quy hoạch, chứ dàn trải thì chỗ nào chúng ta cũng có, cũng ghi một chút sẽ không rõ được những gì chúng ta có khả năng cạnh tranh, trở thành điểm sáng thế giới.
Đặc biệt, về quốc phòng an ninh, theo ông An, đây là nội dung sâu chuỗi gắn kết các nội dung khác tại quy hoạch. Tuy nhiên, Điều 12 tại dự thảo Quy hoạch thể hiện chưa đầy đủ, quá chung chung. Vì thế, theo đại biểu An, cần tiếp thu điều 8 chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó xác định xây dựng lực lượng nào tiến lên hiện đại, lực lượng nào ưu tiên…
Cần bổ sung nội dung về nhân lực khoa học công nghệ 
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đánh giá, Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng hết sức công phu, chi tiết trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng cũng như chính sách pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
DBQH: Nong nghiep moi la linh vuc Viet Nam “dau” voi the gioi-Hinh-2
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: QH. 
Trong góp ý về Dự thảo, đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, lưu ý về vấn đề Khoa học và công nghệ. Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm nội dung về "Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện, phát triển Mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia".
Đồng thời, bổ sung thêm hai công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao là công nghệ vũ trụ và công nghệ vật liệu mới một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về khoa học công nghệ tại khoản 3 Mục XV trang 34 Dự thảo Quy hoạch.
Về phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung về "Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam" một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực.
“Để đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và phù hợp với Quan điểm phát triển trong Dự thảo Quy hoạch tại trang 1 có đề cập là "Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...", do vậy, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao để có thể là nguồn lực thực hiện trong giai đoạn tới là một trong các yếu tố quan trọng nhất”, đại biểu Lưu Bá Mạc cho hay.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu góp ý kiến về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2". Nguồn: QHTV.

Mai Loan