Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 14/11/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
|
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất. Ảnh: QH. |
Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và mọi người dân.
Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo. Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, của Nhà nước. Tuy nhiên, sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người, nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm.
“Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần giải quyết được vấn đề này, cần làm rõ nội hàm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định. Do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân”, đại biểu Tám nêu ý kiến.
Theo đại biểu Tám, Luật Đất đai cần tiếp cận theo hướng, với những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi.
Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Tranh luận tại phiên thảo luận, Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) kiến nghị, Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
|
Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) kiến nghị cho rằng, Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Ảnh: QH. |
“Liệu Bộ Tài nguyên và môi trường có khảo sát, đánh giá các dự án theo Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013 hay chưa?’, đại biểu Đào Hồng Vận băn khoăn.
Dẫn thực tế từ chính địa phương mình đang sinh sống, đại biểu Vận cho biết, có hiện tượng nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận và đền bù trước đó. Và có trường hợp thì giá nào cũng không chịu. Điều này, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và mâu thuẫn ngay trong nội bộ người dân vì người được cao, người lại thấp nếu chấp thuận đền bù.
Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu vấn đề này. Mặt khác, đối với dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại đấu giá sử dụng đất, theo dự thảo, chúng ta lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Nhà nước trực tiếp đấu giá đất ở. Vì vậy, Nhà nước phải tổ chức giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đấu giá.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này cần khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất. Đại biểu chỉ rõ, Điều 86 của Dự thảo Luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. So với Luật hiện hành thì quy định có phạm vi mở rộng hơn, nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan