ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Vốn đầu tư công là từ tiền thuế của nhân dân

Google News

"Vốn đầu tư công cần được hiểu là từ tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng là nhân dân..." - ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phát biểu trên nghị trường Quốc hội.

Vốn đi vay, người dân trả
Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
DBQH Vu Thi Luu Mai: Von dau tu cong la tu tien thue cua nhan dan
Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 
Nêu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, Luật Đầu tư công (sửa đổi) được ban hành theo hướng đổi mới, tăng cường phân cấp cho các địa phương. Hiện từ khâu đề xuất dự án đến phân bổ nguồn lực về căn bản được giao cho các địa phương. Theo đại biểu đoàn Hà Nội, bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc thì vẫn còn những nơi chưa thực hiện đúng quy trình chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lấy ví dụ cụ thể, vào tháng 2/2020, một số dự án được phân bổ dự phòng xuất phát từ tính cấp bách nhưng cũng chính những dự án đó sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách. Điều này cho thấy nhiều khi xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan.
DBQH Vu Thi Luu Mai: Von dau tu cong la tu tien thue cua nhan dan-Hinh-2
 ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn báo cáo của Chính phủ, theo đó có 3.467 dự án chuyển tiếp, song trong đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại chưa có phương án phân bổ cụ thể. Điều này có thể dẫn hệ lụy là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt tạo áp lực cho ngân sách giai đoạn tiếp theo khi có nhiều dự án mới bổ sung.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh: "Vốn đầu tư công cần được hiểu là từ tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng là nhân dân. Trong quá trình phân bổ nguồn lực đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn tự cho mình cái quyền "ban phát". Câu chuyện về cơ chế xin cho không biết khi nào mới kết thúc".
Phải siết chặt kỷ luật ngân sách
ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu lên thực trạng từ sự bức xúc của cử tri và nhân dân cả nước như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hay những dự án nghìn tỷ "đắp chiếu" thua lỗ, chưa xây xong đã hỏng.
Từ những bất cập thực tế, đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh, phải siết chặt kỷ luật ngân sách, chấn chỉnh lãng phí đầu tư công, cân đối thu chi, giảm chi thường xuyên, tăng vốn đầu tư phát triển…
Cũng theo ông Bình, siết chặt kỷ luật ngân sách không chỉ là quản lý chặt thu chi mà cần nhấn mạnh đến thời gian, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nhất là đối với những dự án trọng điểm cấp bách đảm bảo chất lượng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó khăn với người dân và doanh nghiệp, minh bạch hoá tối đa các dự án đầu tư công. Quốc hội tăng trường giám sát các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Công bố danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp


Hiểu Lam