Để Hải Dương phát triển xứng tầm: “Chìa khóa”...nâng tầm vị thế

Google News

Từ khởi sắc trong bức tranh kinh tế xã hội năm 2023, đến Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt, khí thế mới, động lực mới, năm 2024, Hải Dương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nâng tầm vị thế.

Nâng tầm vị thế của Hải Dương
Hải Dương khép lại năm 2023 với bức tranh kinh tế xã hội có nhiều điểm sáng tăng trưởng với quy mô kinh tế đứng thứ 11 cả nước, đạt và vượt 13 trong tổng số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,136 tỷ đồng, gấp 3,1 lần; thu hút đầu tư trong nước hơn 11,6 nghìn tỷ đồng, gấp 5,6 lần đạt so với năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...Đây là những tiền đề cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
De Hai Duong phat trien xung tam: “Chia khoa”...nang tam vi the
Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Một tin vui lớn với Hải Dương khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn tỉnh Hải Dương trong việc phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu kinh tế xã hội, là động lực cho sự bứt phá, hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương nêu rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Hải Dương; phương án phát triển các ngành quan trọng, phương hướng tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, liên huyện...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được xây dựng theo hướng khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hải Dương; phát triển dựa vào nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử xứ Đông) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất của mình; xác định các định hướng lớn, mục tiêu cao, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
De Hai Duong phat trien xung tam: “Chia khoa”...nang tam vi the-Hinh-2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định, Quy hoạch tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các địa phương, là căn cứ pháp lý quan trọng để từ đó hoạch định các chính sách để phát triển về kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và tham gia phát triển về kinh tế vùng và của quốc gia nói chung. “Trong công tác thu hút đầu tư, quy hoạch tỉnh là cơ sở cụ thể hóa những khát vọng phát triển, nhằm tận dụng những tiềm năng, những giá trị đặc sắc, riêng có của tỉnh Hải Dương”, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, Quy hoạch tỉnh Hải Dương được Thủ tướng phê duyệt cho thấy hình dáng, tầm vóc của một tỉnh Hải Dương hiện đại, năng động và phát triển trong tương lai gần cũng như thể hiện quyết tâm chính trị của toàn tỉnh trong việc phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
“Trong không khí náo nức của những ngày đầu năm 2024 và hướng đến Tết cổ truyền của dân tộc, đây là sự kiện được đông đảo nhân dân mong đợi và tạo niềm tin, niềm vui đón xuân cho nhân dân tỉnh nhà và tạo động lực lớn cho việc hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện kinh tế xã hội của năm 2024 và những năm tiếp theo”, bà Nga nói.
Để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ đã gợi mở một số vấn đề Hải Dương cần thực hiện trong thời gian tới. 
Trong đó, Hải Dương cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược; thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao, nhất là sản phẩm công nghệ cao, nông sản hữu cơ; dịch vụ logistics, du lịch...
Hải Dương cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp. Phát huy vai trò động lực của các đô thị, tạo kết nối đồng bộ, thuận lợi giữa các đô thị động lực là thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, Thị xã Kinh Môn, huyện Bình Giang, Thanh Miện…Bảo đảm tính kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, các đầu mối vận tải, logistics; chú trọng vận tải đường thủy nội địa...
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quản trị; đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; thực hiện chuyển đổi số quốc gia; kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng.
Bên cạnh đó, Hải Dương cần tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, ngang tầm với phát triển kinh tế; tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đáp ứng cho các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh; nâng cao hiệu công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế...
De Hai Duong phat trien xung tam: “Chia khoa”...nang tam vi the-Hinh-3
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cam kết, sẽ đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch.

Quy hoạch xác định, đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước.

Tại Hải Dương, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.

Hải Dương sẽ phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Tập trung phát triển năm trụ cột chính bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; Bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Xây dựng ba nền tảng hỗ trợ: Văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;  Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hình thành bốn trục phát triển không gian: Trục phát triển Bắc - Nam; Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; Trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.

De Hai Duong phat trien xung tam: “Chia khoa”...nang tam vi the-Hinh-4
 
De Hai Duong phat trien xung tam: “Chia khoa”...nang tam vi the-Hinh-5
 
De Hai Duong phat trien xung tam: “Chia khoa”...nang tam vi the-Hinh-6
7 quan điểm chính định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nguồn ảnh: Haiduong.gov.vn)
Quyết tâm bứt phá
Năm 2024 là năm rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Hải Dương cũng là năm đầu tiên thực hiện các quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển theo quy hoạch tỉnh. Dù được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những thành quả đã đạt được trong năm 2023, Hải Dương sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực trong xã hội, sử dụng hiệu quả để tạo sự phát triển bứt phá và động lực quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, năm 2024, UBND tỉnh Hải Dương đã đề ra 5 mục tiêu, 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, kèm theo đó là 15 giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Hải Dương phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9% trở lên, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 35%, thu ngân sách nội địa phấn đấu tăng 10% so với dự toán, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt trên 205 triệu đồng…
 Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đề nghị ngay từ đầu năm 2024, các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt; Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI); bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác của Nhà nước để duy trì, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, phát triển; tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ và gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành...
Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, để đạt được hiệu quả các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, ông Lê Văn Hiệu, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo triển kịp thời các nghị quyết của HĐND Tỉnh, quan tâm 7 nội dung trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 9% trở lên. Khẩn trương triển khai quy hoạch tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tổ chức tốt các lễ hội văn hóa lớn; tăng cường công tác chuyển đổi số, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường... chủ động rà soát, đánh giá chính sách đã ban hành để chỉ ra bất cập, đề nghị điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu các Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành phải nêu cao tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Trong đó, Hải Dương phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất
Với những thành quả đã đạt được, với quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, trong năm 2024, Hải Dương sẽ tiếp tục tạo nên những đột phá, đạt được những thành tựu, kết quả cao hơn nữa, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại

Hải Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế tạo rào cản khiến sự phát triển chưa xứng với tiềm năng để từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm xóa bỏ để đạt được những kết quả đột phá hơn nữa trong thời gian tới.

Theo đó, vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến không đạt kế hoạch đề ra; môi trường đầu tư kinh doanh dù đã được cải thiện nhiều nhưng mạnh mẽ, vẫn còn yếu tố cản trở doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hải Dương có cải thiện nhưng chưa bền vững; việc triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 hiệu quả chưa cao; Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn chậm; năng lực sản xuất mới tăng thêm không nhiều; nguồn thu của tỉnh còn phụ thuộc vào hoạt động của một số doanh nghiệp lớn, một số khoản thu ngân sách cấp huyện, cấp xã đạt thấp.

Chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng chưa tạo sự khai thông các nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh phát triển tín dụng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế...; chậm triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội và các dự án bất động sản; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư còn nhiều điểm nghẽn, thiếu tính ổn định...Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, còn có tâm lý sợ sai khi thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ công chức, viên chức...

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, cán bộ có tâm lý sợ sai là tình trạng chung của cả nước, không riêng gì Hải Dương. Tuy không phải là phổ biến nhưng rõ ràng điều này tác động rất xấu đến những nỗ lực chung trong phát triển kinh tế xã hội. Để khắc phục tình trạng này, theo bà Nga, phải thực hiện việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách thực sự khách quan, khoa học, công bằng. Từ kết quả đánh giá đó, sẽ có những xử lý tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật (luật công chức, luật viên chức, luật thi đua khen thưởng...). Muốn đánh giá thực chất phải khắc phục tâm lý nể nang, xuê xoa "tất cả đều tốt". Trong công việc, cần cụ thể hoá trách nhiệm của từng cá nhân để có căn cứ đánh giá.


Hải Ninh