Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy, 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về. Do lượng phương tiện quá lớn nên tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô ngày càng nghiêm trọng.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (metro). Trong đó, đã đưa vào khai thác thương mại tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao.
Đề cập đến hiệu quả của metro, ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty Một thành viên Metro Hà Nội cho biết, sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã chạy hơn 1.370 chuyến, tàu vận chuyển an toàn gần 400.000 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển hơn 100.000 hành khách.
|
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã vận chuyển khoảng 400.000 hành khách. Ảnh: Hoàng Hà |
“Đối với tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, có 20% hành khách có ô tô, nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, các thành phố trên thế giới có từ 2 triệu dân trở lên đều phải tính đến việc tạo dựng hệ thống metro để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Minh cho biết, Hà Nội mong muốn có metro có từ rất lâu. “Chúng tôi nhận thức rất rõ quan điểm, mục tiêu, cũng như đã đứng trước cơ hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ chính trị, Quốc hội về phát triển metro”, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nói.
Theo ông Nguyễn Cao Minh, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến 2035, Hà Nội phải làm được hệ thống metro. Chính phủ cũng đã phê duyệt, Hà Nội sẽ có hệ thống metro gồm 10 tuyến, tổng chiều dài cả đi ngầm lẫn đi nổi khoảng 400km.
“Đây là thách thức rất lớn. Bản thân chúng tôi cũng băn khoăn là làm gì để xây dựng 400km đường sắt metro giải quyết các vấn đề về đi lại cho người dân?”, ông Minh chia sẻ.
Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng băn khoăn về nguồn kinh phí đầu tư để làm 10 tuyến đường sắt đô thị. “Đến năm 2035, TP Hà Nội cần nguồn vốn lên đến 55 tỷ USD để xây dựng 400km metro, trong khi đất nước còn nhiều vấn đề phải tập trung đầu tư như văn hoá, giáo dục, rác thải”, ông Nguyễn Cao Minh bày tỏ.
|
Sau 15 năm xây dựng, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã khai thác thương mại. Ảnh: Hoàng Hà |
Vị Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng chia sẻ thực tế 15 năm qua Hà Nội mới làm được 2 đoạn tuyến metro, còn TP HCM đang nỗ lực thực hiện tuyến số 1. “Vướng mắc có rất nhiều nguyên nhân do cả chủ quan lẫn khách quan. May mắn chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, thành phố và nhiều ban, ngành trong quá trình xây dựng các tuyến metro”, ông Nguyễn Cao Minh cho hay.
Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, khi tuyến Cát Linh – Hà Đông, sau đó tuyến Nhổn – ga Hà Nội đưa vào khai thác đã giúp người dân dần hiểu về đường sắt đô thị.
Ông Nguyễn Cao Minh cho rằng, để làm được 10 tuyến đường sắt đô thị cần phải có cơ chế đột phá. “Chúng tôi đang tập trung mời chuyên gia để đóng góp ý kiến, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư đồng hành với thành phố xây dựng các tuyến metro”, ông Nguyễn Cao Minh nói thêm.
Theo Quang Phong/ Vietnamnet