Cư dân Nam Sài Gòn vừa gửi đơn kiến nghị lên Đại biểu Quốc hội quận 7 gồm ông Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, và thiếu trướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính uỷ quân khu 7.
Trong đơn này, các cư dân Nam Sài Gòn cho biết mặc dù TP đã nhanh chóng tìm ra “thủ phạm” là từ bãi rác Đa Phước nhưng cho đến thời điểm giữa tháng 10, tình trạng mùi hôi vẫn chưa hề giảm bớt.
|
Cư dân Nam Sài Gòn bức xúc vì phải chịu đựng mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Xứng đáng được gọi là thảm hoạ môi trường
“Mùi hôi thối nồng nặc vào buổi tối và đặc biệt còn phát hiện mùi hoá chất vào đêm khuya. Chúng tôi vẫn sống trong tình trạng lo sợ mùi có thể ập đến không biết lúc nào và luôn lo lắng cho sức khoẻ và công việc kinh doanh do sự độc hại ngày càng tăng dần”, lá đơn viết.
Trình trạng phát tán mùi diện rộng xảy ra nhiều năm và đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2016. Mùi hôi thối đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn cư dân huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7. Trong lá đơn này, các cư dân Nam Sài Gòn khẳng định: “Sự cố mùi xứng đáng được gọi là thảm hoạ môi trường tại TP.HCM”.
Người dân Nam Sài Gòn kiến nghị các đại biểu Quốc hội đưa tình trạng bãi rác Đa Phước vào chương trình kỳ họp Quốc hội sắp tới nhằm có những quyết định mạnh mẽ hơn để đảm bảo sự minh bạch thông tin và xây dựng môi trường bền vững lâu dài cho TP.HCM.
Trong đó, các cư dân đề nghị Quốc hội yêu cầu cơ quan chức năng đo kiểm và công bố các chỉ số đo kiểm môi trường của ba công ty tại Khu liên hợp xử lý chất tại tại Đa Phước.
Bên cạnh đó, cư dân đề nghị Đại biểu Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá và công bố tác hại đến sức khoẻ của người dân. Cơ quan chức năng cũng cần đánh giá thiệt hại kinh tế của người dân và doanh nghiệp do hoạt động của công ty xử lý chất thải tại Đa Phước. Từ đó, yêu cầu chủ đầu tư đền bù thiệt hại và khắc phục ô nhiễm.
|
Sự cố mùi hôi được người dân Nam Sài Gòn gọi là "thảm hoạ môi trường". Ảnh: Tiến Tuấn. |
Mời cơ quan đánh giá môi trường độc lập
Kiến nghị này cũng đề cập đến việc mời cơ quan đánh giá môi trường độc lập đánh giá toàn diện mức độ tác động đến môi trường của công ty VWS (Vietnam Watse Solutions) do làm phát tán mùi diện rộng. Từ đó, cư dân Nam Sài Gòn cũng kiến nghị TP không cấp phép cho VWS nâng cao khối lượng xử lý rác quá 3.000 tấn/ngày.
Kiến nghị của người dân Nam Sài Gòn còn cho rằng VWS đã chứng tỏ không đủ điều kiện xử lý thêm rác một cách an toàn. Khi phát tán mùi diện rộng, công ty đã không cầu thị nhận lỗi, đổ lỗi vòng quanh và không hề có sự chia sẻ với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Gửi kèm đơn kiến nghị là toàn bộ Nhật ký mùi hôi được người dân ghi lại hàng ngày trên fanpage “Sự thật mùi hôi ở Nam Sài Gòn”. Ngoài ra, họ cũng gửi đến đại biểu Quốc hội quy định về bãi rác chôn lấp và đánh giá ước lượng mức độ độc hại của mùi phát tán từ Đa Phước.
Trước đó, TP.HCM đã có văn bản báo cáo thủ tướng về tình trạng mùi hôi tại Nam Sài Gòn. Trong đó, báo cáo chỉ rõ “thủ phạm” phát tán mùi hôi là từ bãi rác Đa Phước do công ty VWS làm chủ đầu tư.
Mới đây, tại thông cáo báo chí phát đi ngày 10/10, UBND TP.HCM khẳng định VWS cần phối hợp thực hiện nghiêm túc những giải pháp xử lý đã được xác định khi báo cáo với Thủ tướng. TP.HCM yêu cầu VWS khắc phục bằng được tình trạng mùi hôi hiện nay, không để xảy ra sự cố môi trường.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân Nam Sài Gòn, mùi hôi thối vẫn tiếp tục tấn công khu vực này.
Tại buổi làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội với UBND TP.HCM ngày 12/10, các đại biểu Quốc hội cũng nhận định mùi hôi đang ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của TP.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phải giám sát công nghệ, quá trình xử lý rác thải, giảm thiểu chôn lấp rác và báo cáo minh bạch để các cử tri biết.
Theo Hà Hương/Zing