Để người dân làm theo ý mình, phá di tích, ai chịu trách nhiệm?

Google News

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, quan điểm là tạo điều kiện cho người dân, cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải có sự quản lý.

Chiều 23/4, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa Quốc hội thảo luận về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Thay mặt cho cả 2 cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết đã lắng nghe rất kỹ 16 ý kiến và 1 ý kiến tranh luận.
De nguoi dan lam theo y minh, pha di tich, ai chiu trach nhiem?
 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: QH.
Sau phiên họp này cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo để rà soát từng ý kiến cụ thể, sẽ cố gắng tiếp thu tối đa các ý kiến, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án tiếp thu, giải trình bổ sung, chỉnh lí dự thảo luật để đảm bảo yêu cầu.
Về vấn đề về khu vực bảo vệ, rất nhiều đại biểu có ý kiến, ông Vinh cho biết, sẽ cố gắng cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để giải quyết hài hòa nhiệm vụ bảo vệ di sản cũng như việc bảo đảm cuộc sống cho người dân và khai thác di sản để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ông Vinh mong các đại biểu Quốc hội thống nhất cho quan điểm đã là di sản thì phải được bảo vệ chặt chẽ, tránh việc đã xác định đó là di sản, là khu vực bảo vệ mà lại ưu tiên những việc khác hơn là bảo vệ di sản.
Về nhà ở riêng lẻ, dự thảo Luật chỉ xin ý kiến cơ quan quản lý về văn hóa để đảm bảo những việc sửa chữa này không phá hỏng hoặc là ảnh hưởng tiêu cực tới di tích, không phát sinh thêm thủ tục gì.
“Chúng tôi nghĩ nếu chúng ta đã xác định quan điểm bảo vệ thì cũng phải để vai trò của cơ quan chuyên môn quản lý ở đây, nếu không ai quản lý thì người nào muốn làm theo ý của người đó và cuối cùng phá hỏng di tích thì ai chịu trách nhiệm? Vấn đề này, mặc dù chúng ta có quan điểm là tạo điều kiện cho người dân, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải có sự quản lý, vì đây là di sản”, ông Vinh nêu quan điểm.
Phát biểu trước đó, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Dự thảo luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân. Việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của chủ di tích.
Đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.
Về vấn đề quỹ, ông Vinh cho biết, qua lắng nghe ý kiến của đại biểu thì đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất phương án có quỹ, vì quỹ này không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, thực ra đây là tiếp nhận các nguồn tài trợ, các nguồn hiến tặng. Chúng ta sắp bàn bạc để thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với một lượng kinh phí được cho rằng là rất lớn nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu về phát triển văn hóa. Sự tham gia của xã hội là hết sức quan trọng và quỹ này chính là cơ chế để chúng ta tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp của xã hội.
Tại sao phải có quỹ này? Vì di sản văn hóa là vấn đề rất đặc biệt, phải đặt dưới sự quản lý của Nhà nước, mọi việc tổ chức và bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa phải thực hiện rất chặt chẽ do các cơ quan nhà nước tiến hành giám sát, tổ chức thực hiện.
“Do đó, chúng tôi nghĩ rằng cơ chế quỹ này sẽ giúp cho chúng ta huy động thêm các nguồn lực. Còn trong luật đã quy định không nhất thiết là địa phương nào cũng phải thành lập quỹ, tùy điều kiện, các địa phương thấy có điều kiện thì thành lập, còn các địa phương thấy không cần thì cũng không nhất thiết”, ông Vinh cho hay.
Về vấn đề di sản đô thị, ông Vinh cho biết, trên thực tế cơ quan chủ trì thẩm tra cùng với cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này nhưng những vấn đề gì chưa thực sự chín, chưa rõ theo quan điểm chung thì  cơ quan soạn thảo xin tiếp tục nghiên cứu.
Hiện nay chúng ta đã tháo gỡ một số khó khăn trong quản lý di sản đô thị như Hội An, như Hoàng Thành Thăng Long, những quy định hiện hành trong dự thảo luật đã góp phần tháo gỡ vấn đề này. Đây là một vấn đề rất mới, khi đưa ra một hệ thống quy định về những vấn đề này cần phải được đánh giá một cách chặt chẽ.  
Mai Loan