Ngày 4-1, Quốc hội (QH) khóa XV đã khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến. QH họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà QH đến 62 đoàn đại biểu (ĐB) QH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (riêng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà QH).
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh trên cơ sở yêu cầu bức thiết của đất nước, Ủy ban Thường vụ QH đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất, QH khóa XV để quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình này được áp dụng chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.
Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu chương trình phục hồi kinh tế là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, phục hồi, phát triển nhanh sản xuất - kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động - nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Chương trình xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023: Dành 60.000 tỉ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; 53.150 tỉ đồng bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; 110.000 tỉ đồng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; 113.850 tỉ đồng phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại thảo luận tổ chiều 4-1 Ảnh: PHÚC QUANG |
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ đề xuất điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…; sử dụng khoảng 46.000 tỉ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch… Về đánh giá tác động gói hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết khi thực hiện bội chi ngân sách nhà nước bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49% - 50% GDP; nợ Chính phủ 45% - 46% GDP, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25% cũng như tạo ra áp lực lạm phát.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo tờ trình, giai đoạn này đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập (27 km còn lại gồm: đoạn Hòa Liên - Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau năm 2025).
Chính phủ kiến nghị triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 119.666 tỉ đồng (chiếm 81,4%). Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Tăng hiệu quả sử dụng ngân sách
Phát biểu tại thảo luận tổ về nội dung này vào chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn ĐBQH TP HCM) cho rằng tăng trưởng GDP đạt 2,58% trong năm 2021 dù là con số thấp nhất trong 10 năm qua nhưng cũng vẫn thể hiện sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự điều hành của Chính phủ, các cấp, ngành, người dân. Điểm sáng kinh tế trong năm qua là nông nghiệp vẫn tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt kết quả tốt; thu ngân sách vượt dự toán…
Tuy nhiên, Chủ tịch nước lưu ý trong khi thực hiện phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát. Với những chính sách hỗ trợ người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp; có vướng mắc cần tiến hành tháo gỡ ngay. Chủ tịch nước bày bỏ sự tán thành những đề xuất, mục tiêu, giải pháp huy động nguồn lực trong tờ trình của Chính phủ. Song, Chủ tịch nước đề nghị phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả lượng và chất, tăng năng suất lao động, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới tốt hơn, mạnh hơn. Đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, có kết quả cụ thể.
Chủ tịch nước cũng kiến nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn, tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế… "Những vấn đề đó phải có biện pháp quản lý chứ không phải chỉ đưa tiền ra, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng trong chính sách tài khóa" - Chủ tịch nước nói.
ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần cân đối hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo ĐB này, tổng chính sách tài khóa là 291.000 tỉ đồng, trong khi chính sách tiền tệ còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Do đó, vị ĐB tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối giữa 2 chính sách và có thể tăng quy mô chính sách tiền tệ. ĐB An cho rằng quy mô nguồn lực dành cho hạ tầng giao thông khá lớn, cần xem xét cân đối lại trong tổng thể chính sách tài khóa bởi một nguồn vốn lớn như vậy nhưng triển khai trong 2 năm thì công tác giải ngân sẽ gặp khó khăn.
Để triển khai gói hỗ trợ có hiệu quả, ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) kiến nghị Chính phủ cần linh hoạt trong bố trí các nguồn lực; tăng thu, tiết kiệm chi, giảm việc đi vay, kiểm soát được lạm phát. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chống lãng phí.
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị cần phải có lộ trình thực hiện cụ thể: "Trong 5 nhóm giải pháp phải có đánh giá tác động và chia ra làm 2 kỳ: phục hồi và tăng trưởng. "Phục hồi khỏe rồi mới đến tăng trưởng. Giai đoạn phục hồi có thể là phải 1,5-2 năm trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron". Ông đề nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình thực hiện các chính sách để có nền tảng thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ. Nếu hoàn thiện được điều này thì độ thuyết phục của chương trình phục hồi kinh tế sẽ rất cao.
Theo NLĐ