Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Thông tư này quy định về hình thức liên kết, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng trong liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Áp dụng đối với các đại học, trường đại học, cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (cơ sở giáo dục đại học Việt Nam), các tổ chức, cá nhân Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, cá nhân nước ngoài có liên quan.
|
(Ảnh minh họa: Nguồn: thanhnien.vn).
|
Trong đó, dự thảo thông tư đề xuất 4 hình thức đào tạo liên kết trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ:
Thứ nhất, liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp được áp dụng ở các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó, ít nhất 70% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được giảng dạy bằng phương thức trực tiếp.
Liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến (online) được áp dụng ở trình độ đại học, trong đó, từ 50% tổng thời lượng của chương trình đào tạo trở lên (bao gồm các hoạt động giảng dạy, hướng dẫn, học tập và đánh giá) được thực hiện trong môi trường số, trên cơ sở hệ thống các phần mềm, học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin cho phép quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng Internet (hệ thống đào tạo trực tuyến).
Thứ ba, liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được áp dụng ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó, từ trên 30% đến dưới 50% tổng thời lượng của chương trình đào tạo được thực hiện thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến.
Thứ tư, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thực hiện liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài theo hình thức đào tạo tương ứng đang được triển khai hoặc được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai tại trụ sở chính của cả hai bên ở nước sở tại.
Về văn bằng của các chương trình liên kết đào tạo, dự thảo thông tư yêu cầu bảo đảm tuân thủ quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và những yêu cầu sau: Có đầy đủ thông tin trên văn bằng theo quy định của bên cấp bằng;
Có phụ lục văn bằng (bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng bản xứ của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện liên kết đào tạo) bao gồm những thông tin về: tên chương trình liên kết đào tạo, hình thức liên kết đào tạo; thời gian đào tạo ở Việt Nam và ở nước ngoài; ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập; bậc trình độ đào tạo được cấp văn bằng tốt nghiệp theo khung trình độ quốc gia của Việt Nam và hệ thống trình độ, văn bằng tương ứng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ở nước sở tại.
Văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp cho người học các chương trình liên kết đào tạo thực hiện toàn bộ hoặc một phần ở Việt Nam phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ quy định của bên cấp bằng để người học được hưởng các quyền lợi tương ứng như đối với văn bằng cấp cho người học tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ở nước sở tại.
Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải công khai minh chứng về căn cứ pháp lý liên quan đến văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện liên kết đào tạo ở Việt Nam; có trách nhiệm hỗ trợ việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp cho người học trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài để sử dụng ở Việt Nam khi có yêu cầu.
Danh mục các chứng chỉ
Đặc biệt, dự thảo quy định, đối tượng tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh phải đáp ứng quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, của chương trình liên kết đào tạo, trong đó, minh chứng về trình độ ngoại ngữ đầu vào là một trong các chứng chỉ quy định tại Phụ lục của Thông tư này và còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
>>> Mời quý độc giả xem video: PGS.TS.NGND. Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên chia sẻ về Toán học:
Bình Nguyên (t/h)