Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết này diễn ra chiều 30/5, đã có 114 lượt ý kiến phát biểu đóng góp ý kiến. Nhìn chung, ý kiến của các ĐBQH đều tán thành với sự cần thiết, trình tự, thủ tục ban hành các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, để làm rõ vào các vấn đề cần phải tham gia ý kiến để hoàn chỉnh Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH thảo luận những nội dung chưa thống nhất hoặc còn ý kiến khác, phân tích và làm rõ, đề xuất phương án cụ thể về cách sửa đổi cho phù hợp. Trong đó tập trung vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng như hệ quả đối với lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Bày tỏ ý kiến, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà cơ quan soạn thảo đã chỉ ra tại Báo cáo số 366 của Ban Công tác đại biểu. Cụ thể, về thủ tục đề nghị, kiến nghị Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 dự thảo Nghị quyết quy định "trong trường hợp có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban bỏ phiếu tán thành kiến nghị đó thì Hội đồng Dân tộc, Ủy ban kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm".
Nhưng tại Điểm C Khoản 1 Điều này lại quy định "khi nhận được ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đối với 1 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm".
“Tôi cho rằng quy định tại 2 điểm trên có điều bất cập trong tương quan số lượng về thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên các Ủy ban của Quốc hội với số lượng ĐBQH có quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban tương đương khoảng 30 ĐBQH, trong khi ít nhất 20% ĐBQH sẽ tương đương khoảng 100 ĐBQH, qua đó sẽ thấy có sự chênh lệch rất lớn về nhóm chủ thể ĐBQH có thẩm quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều 13. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này”, Đại biểu làm rõ.
Băn khoăn về các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 2 Điều 8, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chỉ ra quy định “nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc, tác động đến ĐBQH, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”. Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản này cụm từ "hoặc lợi ích phi vật chất" để cho đầy đủ và bao quát mọi trường hợp hơn.
“Tham khảo Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, lợi ích phi vật chất là những lợi ích không phải lợi ích vật chất, ví dụ như tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng, bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hứa hẹn cho đi học. Ngoài ra, vì tiền và tài sản cũng chính là lợi ích vật chất nên để thể hiện cho chính xác hơn, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "lợi ích vật chất khác". Đồng thời sửa lại cả đoạn này là: “Nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động lôi kéo, mua chuộc, tác động”, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa góp ý.
Đưa ra ý kiến về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định ở Điều 12 và Điều 17, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phân tích, đây là một kỳ sửa đổi để thể chế hóa Quy định số 96 của Trung ương ngày 2/2/2020. Ở Quy định 96 được nêu ra để những cán bộ có tín nhiệm thấp kịp thời xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm, không chờ hết nhiệm kỳ.
“Tại Điều 12 Khoản 1, những người có số phiếu tín nhiệm thấp (từ khoảng 1/2 - 2/3) có thể họ xin từ chức luôn hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ gần nhất. Quốc hội làm sao đó bỏ phiếu tín nhiệm lại tại kỳ họp đó luôn vì 2 lý do. Lý do thứ nhất do đây là công tác tổ chức cán bộ, cho nên để càng lâu càng khó làm, nhiều tiêu cực sẽ xảy ra. Lý do thứ hai là trong 1 khóa Quốc hội, 1 khóa HĐND cũng chỉ có một lần. Vì vậy, nếu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với số phiếu như vậy rồi tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm luôn là tốt nhất”, Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN