Đề xuất bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT trong phòng chống hạn, lũ lụt

Google News

Chiều 25/5, tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên đăng đàn, trình dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trước Quốc hội.

Chiều 25./5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 điều, 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hành vi cấm lấp sông, suối, kênh, rạch; xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; khai thác trái phép cát, sỏi và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh. Sửa đổi, bổ sung nội dung về lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung về phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước theo hướng bổ sung quy định các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước phải cải tạo, nâng cấp, hoặc phá dỡ; nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý, kiểm soát và có các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; không bố trí dân cư ở ven các đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo theo hướng quy định các hoạt động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và bộ, ngành, UBND các cấp, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện phòng, chống hạn, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo...
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Ủy ban KH, CN&MT cơ bản tán thành quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp tại các Điều 76 và 77 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của các bộ, ngành; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ khác có liên quan.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan