Đề xuất dừng chuyến bay từ các nước có biến chủng Omicron

Google News

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ đánh giá cấp độ dịch ở xã, phường mỗi lần một tuần để áp dụng phù hợp các biện pháp hành chính, điều chỉnh phòng chống dịch.

Sáng 9/12, HĐND Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ 3. Đại biểu dành cả ngày để chất vấn lãnh đạo UBND Hà Nội và các sở, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm qua, định hướng của thành phố trong giai đoạn tới.
De xuat dung chuyen bay tu cac nuoc co  bien chung Omicron
 Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà.
Nêu số liệu ca mắc 3 con số mỗi ngày kể từ khi thực hiện Nghị quyết 128, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (quận Tây Hồ) đề nghị lãnh đạo Sở Y tế nêu kịch bản dự báo dịch ở thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt là sự nguy hiểm của biến chủng mới Omicron thế nào. Bên cạnh đó là giải pháp chống dịch thích ứng thế nào, điều trị F0 cách ly F1 tại nhà ra sao để tránh gây quá tải.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thừa nhận tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp, ngay trong sáng 9/12, thành phố đã ghi nhận hơn 170 ca dương tính SARS-CoV-2. Bà dự báo số ca mắc tiếp tục tăng cao thời gian tới ở tất cả quận, huyện.
“Thành phố có khả năng xuất hiện biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Beta và Delta. Tỷ lệ người dân tiêm vaccine rất cao, đủ 2 liều là 95%. Nên dù ca mắc tăng cao, chủ yếu là ca nhẹ và không triệu chứng” - bà Hà nói.
Về nguy cơ, bà Hà cho biết Hà Nội có đặc điểm dân cư đông, di biến động phức tạp; dịch bệnh đã lây lan sâu trong cộng đồng, cùng với đó là nguồn bệnh có thể xâm nhập từ địa phương khác và cả tỉnh, thành lân cận sẽ là yếu tố khiến dịch bệnh lây lan.
Về biến chủng Omicron, lãnh đạo Sở Y tế cho biết chưa có dữ liệu chứng minh có khả năng gây bệnh nặng hơn và vaccine vẫn có khả năng bảo vệ trước biến chủng này. Ngành y tế đã chỉ đạo tăng cường tập huấn cung cấp thông tin cho cán bộ, nhân viên và người dân. Sở cũng phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để giải trình tự gene đối với trường hợp nghi ngờ, cũng như đối với người nhập cảnh từ các khu vực đã phát hiện biến chủng mới.
“Chúng tôi kiến nghị dừng các chuyến bay từ các nước có biến chủng Omicron” - bà Hà nói.
Về giải pháp thời gian tới, bà Hà nói sẽ đánh giá cấp độ dịch ở xã, phường mỗi lần một tuần để áp dụng phù hợp các biện pháp hành chính, điều chỉnh phòng chống dịch COVID-19. Thành phố yêu cầu địa phương kiên định việc điều tra, truy vết, cách ly trong phạm vi hẹp nhất; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở để chăm sóc người dân từ sớm từ xa.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân, nhất là người tiêm chưa đủ 2 mũi, trẻ em và chuẩn bị tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên; đáp ứng các tiêu chí an toàn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết Sở Y tế đã có phương án đáp ứng khi có 100.000 ca bệnh trên địa bàn, đảm bảo 1.000 giường hồi sức cấp cứu và huy động thêm của các bệnh viện, bộ ngành Trung ương thêm 1.000 giường nữa. Như vậy, thành phố có 2.000 giường hồi sức cấp cứu, đảm bảo đầy đủ phương tiện cấp cứu và oxy hỗ trợ bệnh nhân.
Về năng lực vận chuyển xe cứu thương, bà Hà cho biết Sở Y tế đã giao cho Trung tâm 115 điều phối trên phần mềm để điều phối xe cứu thương trên địa bàn. Sở Y tế phối hợp với Sở GTVT tổ chức mô hình doanh nghiệp vận tải để vận chuyển F0, F1; chuẩn bị 1.200 xe hành khách để có thể hoán cải thành xe vận chuyển người bệnh.
“Với việc phân luồng, phân tuyến thì việc điều trị tại nhà hay cơ sở cũng giảm tải cho hệ thống vận chuyển cấp cứu. Trên địa bàn có trung tâm y tế và bệnh viện đã có xe cứu thương nên có thể vận chuyển người bệnh ngay tại địa bàn. Hiện, 92% người bệnh được điều trị tại tuyến cơ sở hoặc tại nhà” - bà Hà cho biết.
Đề cập đến năng lực xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận vừa qua có tình trạng chậm trả mẫu. Vì thế, ngành y tế đã có giải pháp kịp thời như phối hợp test nhanh, kháng nguyên để rút ngắn thời gian trả kết quả; ứng dụng phần mềm lấy mẫu và trả kết quả trên nền tảng công nghệ; bố trí phương tiện vận chuyển mẫu tới các phòng xét nghiệm theo phân luồng để tránh tồn đọng…
Bà Hà cũng cho biết thành phố bố trí thêm 12 máy xét nghiệm cho bệnh viện tuyến huyện để nâng cao năng suất và phân luồng xét nghiệm trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết, ngành y tế có thể huy động nhân lực, vật lực từ bệnh viện tư nhân, bệnh viện Trung ương hay bộ ngành đóng trên địa bàn. Sở cũng tham mưu với TP ban hành giá dịch vụ đặt hàng xét nghiệm nếu có thể huy động hệ thống xét nghiệm công lập hoặc ngoài công lập.
Hiểu Lam