Đêm đông Hà Nội và những phận người đang đợi Tết

Google News

Những ngày cận tết Kỷ Hợi, Hà Nội vẫn có rất nhiều người vô gia cư lang thang khắp các con phố, vỉa hè vì nhiều người trong số họ cũng không còn nơi để về.

Đầu năm 2019, để kịp thời trợ giúp những người lang thang không nơi nương tựa phải ngủ ngoài trời giá lạnh, các lực lượng chức năng của Sở LĐTBXH Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã đã phối hợp, tăng cường kiểm tra và đưa những người lang thang cơ nhỡ ngủ ngoài vỉa hè về Trung tâm Bảo trợ xã hội để tránh rét.
Riêng trong tối ngày 31/12/2018, đã có 7 người, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội. Những người lang thang khi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội đã được bố trí phòng nghỉ với đầy đủ chăn ấm, quần áo, thức ăn nóng và hỗ trợ trở về địa phương nơi cư trú.. thế nhưng thực tế cho thấy con số này vẫn còn quá nhỏ.
Bữa cơm đoàn viên trong mộng mị
12h đêm, tôi ngồi cạnh ông Ân kín đáo ghi nhớ từng tiếng sườn sượt thở dài và run rẩy trong cái rét mùa đông Hà Nội. Cả đoạn vỉa hè dằng dặc góc chợ Đồng Xuân không thứ gì có đủ tác dụng cản gió nên tôi và ông già vô gia cư hứng trọn, nhận lấy tất thảy cái khắc nghiệt của thời tiết.
Ông Ân quê Thanh Hóa, 60 tuổi, lang thang ở chợ Đồng Xuân làm đủ mọi nghề. Ai nhờ gì ông làm nấy và nhặt nhạnh giấy vụn, mảnh nhựa, chai nước.. từ các quán hàng để sống qua ngày.
Hai đứa con gái của ông theo chân người ta sang Trung Quốc làm thợ hồ khi mới 16, 17 tuổi. Ban đầu còn có liên lạc với gia đình nhưng nhưng sau đó biệt tăm tin tức, ông Ân buồn đằng đẵng, rồi cuộc sống cơ cực ở quê buộc ông phải lặn lội ra Hà Nội tìm việc nuôi thân. “Ngày nào tôi cũng mong mỏi các con trở về để gia đình đoàn tụ, không biết ông trời có cho tôi đợi đến ngày ấy không”, ông Ân lại thở dài.
Dem dong Ha Noi va nhung phan nguoi dang doi Tet
Tấm áo mưa mỏng manh chẳng thể nào giữ ấm cho họ trong những ngày mưa rét. 
Cái lạnh lại cứa vào manh áo tiều tụy của ông Ân, Tết sắp về! Hà Nội vốn có cả triệu người xa xứ vẫn đợi Tết để đoàn viên bên mâm cơm ấm cúng, cả tôi, cả ông Ân cũng là người tỉnh lẻ. Nhưng ngày Tết về gần mà cái Tết lại quá xa, ông Ân vẫn chơi vơi chẳng biết ra sao, vì có về quê cũng chẳng có ai đoàn tụ, mà với ông thì Tết ở Hà Nội vẫn luôn luôn xa lạ.
Hà Nội giáp Tết hối hả nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Đây cũng là thời điểm buồn nhất trong mỗi con người kém may mắn. Bà Hà (53 tuổi) không giấu được ánh mắt đượm buồn, khát khao được cầm trên tay chiếc vé trở về quê hương đã mấy mùa xa cách.
Tấm ni lông trải trên bậc hè, chỉ giữ cho quần áo không tiếp xúc với mặt đất chứ không thể nào ngăn được cái lạnh thấu xương, “Cô bỏ quê lên đây bán hoa quả kiếm sống được mấy năm rồi, anh em mỗi người một ngả bây giờ chả biết ai còn sống hay đã chết. Cô muốn được về quê nhưng nhà đấy cũng bán rồi nên bây giờ cũng không còn chỗ nào nương thân”, bà Hà nói với sự cô độc trong tâm can.
“Bằng tuổi các cô, các bác ở đây, họ đều đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống, đến tuổi xế chiều, ai cũng mong có cuộc sống an nhàn, êm đềm bên gia đình, người thân. Nhưng vì những hoàn cảnh khác nhau nên với họ điều đó chưa biết bao giờ mới có được”, người phụ nữ trung niên nói thêm.
Trời về khuya, những người vô gia cư tạm dừng công việc cơm áo để tìm cho mình một chỗ trú thân, nhiều người chùm chăn kín mít nằm vạ vật trong góc tối trong nhiều góc phố, họ phải nghỉ ngơi để tiếp tục “chiến đấu” với những ngày sắp tới còn ngày đoàn viên quây quần thì vẫn ở sâu trong cơn mộng mị.
Cơn gió bấc bên ngoài đời sống thi ca
Những người vô gia cư mà tôi gặp thường tránh xa ống kính máy ảnh, họ ngại cả sự trao đổi với một phóng viên như tôi, lý do đơn giản là họ sợ mất đi cả “quyền” được mượn một ô vỉa hè nhỏ bé làm chốn ngả lưng tạm bợ.
Sự khắc nghiệt của mùa đông Hà Nội không lãng mạn, thi vị như trong các bài thơ, bài hát. Gió bấc thấu xương làm cho người vô gia cư không có chút thiện cảm, họ cần chỗ náu mình. Người phụ nữ tên Hạnh nói với tôi rằng bà sợ cơn đau khớp lại đến hành hạ, “Khổ lắm cháu ạ, kiếm ăn từng ngày thì lấy đâu ra tiền mua thuốc. Bà chỉ mong không có mùa Đông thôi để cho những người như bà bớt khổ”.
Bà Hạnh bán quạt – một loại đồ chơi cho trẻ nhỏ, hàng ngày bà rong ruổi trên nhiều con phố cổ mưu sinh, nhưng mùa đông thì chẳng ai mua quạt, bởi thế mà ngày ế nhiều hơn ngày đủ cơm ăn. Thi thoảng bà lại làm giúp việc theo giờ, cũng không đều đặn nổi. Tối, bà Hạnh cặm cụi nhặt phế liệu bán lấy tiền, vừa nuôi thân vừa dành dụm vá khoản nợ nần.Tết về làm bà buồn tủi hơn, vì bữa cơm thường ngày vốn đã chẳng no đủ nay lại tàu xe, bánh mứt.. bà không lo nổi.
Dem dong Ha Noi va nhung phan nguoi dang doi Tet-Hinh-2
Co ro trong những ngày lạnh nhất của mùa đông. 
Ở một con phố khác, hình ảnh người vô gia cư co ro vì lạnh đã khiến bước chân chúng tôi chậm lại, không nỡ đi tiếp. Mặc dù đã trùm lên mình tấm áo bông có vẻ dầy dạn ấm áp nhưng người phụ nữ tên Thu vẫn ngồi tựa đầu mệt mỏi vào vỉa hè, bên cạnh chiếc xe đạp cũ. Nhận chiếc bánh mì từ chúng tôi, giọng cô run run: “Đi làm về muốn ngủ một giấc mà lạnh quá các cháu ạ. Cô chỉ có một người con nhưng con gái lấy chồng xa, nhà chồng nghèo, con lại đau ốm, sợ con gái lo lắng nên cô dấu chuyện ra Hà Nội kiếm ăn”.
Chỉ ít ngày nữa là Tết về, không khí Tết đã tràn về trên khắp cả nước, ở mọi ngóc ngách trên đường phố Hà Nội, người ta trang hoàng lộng lẫy để chuẩn bị cho một sự khởi đầu mới. Còn đối với những người vô gia cư, ngày đêm lang bạt khắp thủ đô nhưng bữa cơm vẫn chẳng đủ no, manh áo không đủ ấm, thì quả thật cái Tết vẫn còn đang xa lắm.
Theo Môi trường và đô thị