“Di biến động” nghĩa là gì?

Google News

Theo PGS Phạm Văn Tình, từ "di biến động" được tạo nên từ 3 từ Hán Việt nằm trong một trường nghĩa là sự dịch chuyển, thay đổi.

TP.HCM vừa triển khai cho người dân lưu thông trên đường phải khai báo thông tin qua phần mềm "di biến động dân cư" tại các chốt kiểm soát Covid-19.

Chia sẻ với Zing, PGS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam, cho biết trong giao tiếp hàng ngày, ông chưa từng nghe đến từ "di biến động".

Ông giải thích "di biến động" là một từ ghép với sự kết hợp của 3 thành tố di, biến, động, đều là từ Hán Việt. Mỗi từ đều có nghĩa khi đứng độc lập, di là di chuyển; biến là có sự biến đổi, biến chuyển nào đó về số lượng, chất lượng; động là sự chuyển động. Cả 3 từ di, biến, động đều nằm trong trường nghĩa là có sự thay đổi, dịch chuyển về không gian, thời gian.

“Di bien dong” nghia la gi?

Giao diện trang khai báo di biến động dân cư. Ảnh: Chụp màn hình.

"Mọi người sẽ hỏi là tại sao không đặt là di chuyển, biến động mà lại gọi là 'di biến động'. Có lẽ cơ quan chức năng giải thích rõ hơn. Có thể cơ quan chức năng muốn mô tả một tình huống phức tạp hơn nên cần một từ ghép phản ánh được nét nghĩa đa dạng hơn", ông Tình nói.

Về mặt chuyên môn, PGS Phạm Văn Tình cho biết trong tiếng Việt, khi sáng tạo một từ mới, cộng đồng ưu tiên sự thích hợp, rõ nghĩa, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt, không gây cản trở trong giao tiếp, không bị hiểu sai.

Việc sáng tạo ra từ mới trong ngôn ngữ là điều rất bình thường nhưng chỉ khi thật cần thiết, dựa trên cơ sở thích hợp về mặt cấu trúc và tạo ra nét nghĩa mới. Đồng thời, từ đó phải được cộng đồng tiếp nhận tích cực.

"Ngôn ngữ khi đưa vào giao tiếp và thực tế cuộc sống cần phải có sự đón nhận, khẳng định của những thành viên trong cộng đồng sử dụng nó. Có những từ được sáng tạo ra rồi cũng bị lãng quên vì không giúp ích được cho quá trình giao tiếp và ngược lại", PGS Tình nói.

“Di bien dong” nghia la gi?-Hinh-2

Người dân tại TP.HCM khai báo di biến động dân cư. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam thông tin trong 30 năm trở lại đây, tiếng Việt đã được bổ sung thêm 6.000 đến 7.000 từ mới, nhưng không phải từ nào xuất hiện cũng được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Theo không gian, thời gian, cộng đồng sẽ có sự sàng lọc, bỏ đi những từ không thích hợp, rối, tối nghĩa, không tạo ra nét nghĩa mới.

Bộ Công an vừa triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch tại các chốt kiểm soát Covid-19 trên toàn quốc gọi là di biến động dân cư.
Người dân sẽ kê khai thông tin qua website: Suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. 
Từ đây, thông tin sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cho ra một mã QR có giá trị sử dụng trong 72 giờ. Người khai báo sẽ không phải đăng nhập, không cần tài khoản riêng.
Ở mỗi trạm kiểm soát, cán bộ công an sẽ đăng nhập vào hệ thống. Người dân đi qua chỉ cần quét mã QR mà không cần dừng lại khai báo.

Theo Minh Nhật/Zing