Việc sư thầy Thích Thanh Toàn xin hoàn tục và muốn giữ lại số tài sản trị giá 300 tỷ vẫn là chủ đề bàn luận suốt nhiều ngày qua. Phần lớn ý kiến cho rằng nhà sư có được số tài sản lớn như vậy trong quãng thời gian tu hành là điều khó chấp nhận.
Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Tôn giáo học Dương Ngọc Dũng xoay quanh vấn đề này.
Trái Luật Phật
- Thưa ông, việc sư Thích Thanh Toàn xin hoàn tục và giữ lại tài sản hàng trăm tỷ có đi ngược lại với đạo lý nhà Phật không?
- Phật giáo Việt Nam chủ yếu theo truyền thống Tứ Phần Luật như Trung Quốc. Trong đó quy định việc nhà sư có quyền có tài sản cá nhân, tư trang nho nhỏ như quần áo, dụng cụ cá nhân; nếu mà hiện đại sẽ có thêm máy tính, tivi.
Khi nhà sư qua đời ở chùa, người ta còn tổ chức bán đấu giá tài sản tư nhân của ông để chia trực tiếp cho người làm tang lễ cho vị sư đó.
Tuy nhiên, theo Tứ Phần luật, Tăng ni không được giữ tiền, vàng, đá quý... và không được tham gia kinh doanh, buôn bán. Luật rất nghiêm túc về chuyện này. Nhà sư đã vào trong chùa là sống cuộc đời thanh tịnh, ăn chay thì không cần phải tiêu xài, chỉ cần số tiền nho nhỏ để dùng lặt vặt.
Do đó, việc sư Thích Thanh Toàn không những có tài sản mà còn tham gia kinh doanh, làm cho số tài sản đó lớn lên thành số tài sản khủng như hiện nay thì hoàn toàn trái với giới Luật Phật giáo, không còn điểm nào có thể biện luận được.
- Việc sư Toàn có khối tài sản lớn đặt ra câu hỏi liệu rằng có phải xuất phát từ việc nhà chùa lẫn lộn giữa tiền cúng dường cho chùa và tiền của sư không, thưa ông?
- Vấn đề nhập nhằng giữa tiền cúng dường và tiền chùa tôi nghĩ chúng ta khoan kết luận nếu không có bằng chứng. Tiền cúng dường rất khó nói vì không có bằng chứng gì cả. Trong chùa không có hệ thống quản lý kế toán như của Nhà nước, cũng không có ghi chép thu chi cụ thể.
Nhìn sang Trung Quốc, các chùa ở đây có sổ sách ghi chép đàng hoàng. Chùa có hẳn một vị phụ trách về chuyện chi tiêu, mua tương, mua dầu, đậu phụ, nhang, đèn, cúng kiếng... đều ghi rõ và trình báo cho phương trượng (sư trụ trì). Tổ chức trong chùa ở Trung Quốc rất quy củ, hệ thống quản lý chùa rất chặt chẽ.
Ở Việt Nam có lẽ lỏng lẻo về chuyện này. Do đó, khi Nhà nước muốn kiểm tra cũng rất khó. Thêm nữa, chùa chiền là đơn vị tôn giáo nên Nhà nước cũng thường không đụng chạm.
- Như ông nói, chùa ở Việt Nam rất lỏng lẻo về việc quản lý thu chi. Vậy nên chăng cần có hệ thông kiểm soát dòng tiền vào chùa chặt chẽ hơn?
- Chúng ta có thể nhìn vào Trung Quốc. Hệ thống chùa bên Trung Quốc rất tỉ mỉ, có bộ thanh quy (quy tắc sống ở trong chùa) quy định cụ thể ngày nào phải mua gì, cúng gì, cúng bao nhiêu, thắp bao nhiêu hương, người nào phụ trách cái gì, chức vụ ra sao...
Quy tắc đó có từ xa xưa rồi chứ không phải đến bây giờ mới có. Hệ thống của họ rất quy củ chứ không phải như ở Việt Nam, hầu hết khá xuề xòa. Chính cái xuề xòa này là kẽ hở cho những người không thật sự tập trung vào việc tu hành.
Nghề "tu"
- Sư thầy Thích Thanh Toàn có phải là một trong số đó?
- Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống. Ví dụ, người ta đi làm bác sĩ còn tôi đi tu. Sư Toàn là trường hợp cụ thể nhất cho điều này.
Bản thân đi tu nhưng không phải vì có tâm nguyện hướng về Phật, muốn tu tâm dưỡng tánh hay theo đuổi chân lý của Phật pháp mà đi tu là để tìm kiếm một cái nghề mưu sinh.
Nếu so sánh trường hợp của sư Thích Thanh Toàn với sư Thích Trúc Thái Minh của chùa Ba Vàng, chúng ta sẽ thấy hai con đường của hai sư này ngược nhau nhưng lại có điểm chung.
Ông Thích Trúc Thái Minh đang là giảng viên về kinh tế thì chuyển vào làm trụ trì chùa Ba Vàng. Còn sư Toàn từ trụ trì của chùa, xin đi ra để sống cuộc đời sung sướng với tài sản 300 tỷ. Hai con đường ngược nhau nhưng giống nhau một điểm là đều liên quan tới kinh tế.
Chùa Ba Vàng sở dĩ bị báo chí chú ý tới là từ một ngôi chùa giá trị chỉ vài tỷ doanh thu theo kiểu làm việc, cung cấp các dịch vụ xã hội thì lên tới gần 500 tỷ. Người ta nói sư thầy mát tay vì có kiến thức kinh tế học, làm marketing nên chùa Ba Vàng trở thành trung tâm hấp dẫn nhiều người đến để cúng dường, trục vong, chữa bệnh… Đây là một loại hình kinh doanh tâm linh, căn cứ vào niềm tin của quần chúng để khai thác.
Còn sư Toàn là núp bóng chùa để âm thầm kinh doanh bất động sản. Sau thời gian có được số vốn riêng theo lời ông ấy nói là 300 tỷ, bây giờ nhân cơ hội này xin xả giới để đi ra ngoài kinh doanh.
2 con đường lộ trình ngược nhau nhưng đều có chung là liên quan tới tài sản, tiền bạc.
- Nhiều người tới chùa bỏ ra số tiền rất lớn để cúng dường. Vì sao họ cúng nhiều như vậy, thưa ông?
- Tôi gọi đó là sự đầu tư cho kiếp sống mai sau. Vì có những người họ quá giàu nên muốn đầu tư cho kiếp sống kế tiếp của họ.
Các thầy hay giảng cúng dường cho Phật thì "phước báo vô lượng". Do đó, nhiều người nghĩ rằng bỏ số tiền lớn vào cúng cho Phật thì đời sau họ cũng sẽ sung sướng vô cùng. Không có gì bằng việc cúng dường cho chùa vì sẽ tạo ra phước báu nhanh nhất, tốt nhất.
Những người lớn tuổi giàu có, cuộc sống ở dương gian cao lắm cũng chỉ còn 20-30 năm là đi về bên kia thế giới, nên họ quan niệm cứ đầu tư đi thăm chùa lớn càng tốt vì chùa lớn mới là chùa linh, chùa đẹp thì Phật mới ở.
Giống như doanh nhân Nguyễn Văn Trường, ông ta bỏ tiền xây hẳn 2 chùa, chùa Tam Chúc ở Hà Nam trị giá 11.000 tỷ, chùa Bái Đính ở Ninh Bình tới hơn 15.000 tỷ.
Có những người họ giàu khủng khiếp như vậy thì sinh ra tâm lý lo nghĩ cho cuộc sống tương lai mai sau. Họ dư giả thì họ cúng thôi.
Đừng tuyệt đối hóa vai trò nhà sư
- Trong một thời gian ngắn mà hết ồn ào của chùa Ba Vàng đến việc sư Toàn, nhiều người mất niềm tin vào đạo Phật, vào nhà sư. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu. Vụ chùa Ba Vàng hay sư Toàn là những vụ lớn, nổi cộm, báo chí phát hiện đưa lên thông tin. Bên cạnh đó, nhờ các công cụ Facebook, mạng xã hội nên thông tin lan truyền với tốc độ quá nhanh làm cho nhiều người biết.
Nhưng những lùm xùm không chỉ xuất hiện mới đây. Thời gian trước, ở ngôi chùa Phật Quang của tiểu bang Philadelphia (Mỹ), có sư cô tên Thích Tuệ Đức, trụ trì là thầy A Mi Giác Nghiên.
Trong một buổi sáng nọ, mọi người tới chùa cúng thì không thấy ai trong chùa hết. Hóa ra vị sư cô đã dẫn trụ trì trốn đi đâu mất. Sau một hồi lục soát, người ta phát hiện trong tủ lạnh của chùa có mồi nhậu và bia còn dở dang.
Kể điều này để thấy rằng nền tảng đã lung lay từ lâu rồi chứ không phải mới bây giờ, lung lay khi có nhiều bộ phận không phải là chân tu.
Người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng.
Mới hôm qua người ta gọi mình bằng "thằng", nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng "thầy", có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài.
Dân Việt Nam có truyền thống tốt đẹp là tôn trọng tăng ni, thấy sư là chắp tay, cúi đầu, bất kể sư gì, tu thiệt hay tu giả.
Những "sư giả" chỉ cần rèn kỹ năng về giao tiếp, chịu khó đọc kinh đọc sách giống như hổ mọc thêm cánh. Thiên hạ sẽ tới quỳ bái vì thầy không những có đạo đức, chân tu mà còn uyên bác, hiểu rõ về đạo Phật.
Do đó, nếu người đi tu mà tâm không trong sáng thì họ sẽ lợi dụng điều đó để trục lợi. Những chuyện nho nhỏ mà sư nhờ cậy là người Việt Nam hăng hái làm liền. Văn hóa đó nảy sinh ra tâm lợi dụng của những người thật sự không có tâm tu hành.
Một con người lành mạnh thì mình hoàn toàn được quyền có niềm hoài nghi lành mạnh. Có bằng chứng như sư Toàn thì phê bình họ sai giới Luật Phật, còn nếu chưa có bằng chứng thì tôi nghĩ chúng ta cứ tạm thời gác để đó.
Đừng tuyệt đối hóa vai trò của nhà sư, cũng không nên bôi bác họ khi chưa có bằng chứng. Từ chuyện sư Thích Thanh Toàn mà về sau nhìn ai cũng giống sư Toàn thì đó là thành kiến.
Theo Hoài Thanh/ Zing