Địch càn khu Tả Ngạn và khẩu lệnh “lạ” của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Google News

(Kiến Thức) - Có lần được tin địch sẽ càn vào khu vực mà Bộ Tư lệnh khu đang ở... chúng tôi vừa ra đến chỗ xếp hàng quân thì thấy anh Mười nói khẽ nhưng đủ nghe: "Cậu để mình chỉ huy". Nói xong, anh đi lên phía trước khẽ hô: "Đứng nghiêm! Bước đi, bước".

Báo điện tử Kiến Thức xin giới thiệu tới bạn đọc bài "Những kỷ niệm sâu sắc về anh Đỗ Mười" của nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận 5, Tham mưu phó khu Tả Ngạn Nguyễn Sáng viết vào năm 1998 được đăng trong cuốn "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" của Nhhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật:
"Có thể nói, Mặt trận 5 là tiền thân của Khu Tả Ngạn. Nó được lập từ năm 1947, khi mà đường 18, đường số 5, Đông Triều, Phả Lại, Thủy Nguyên, Núi Đèo, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An bị biến thành "vành đai trắng" của địch. Đồng chí Hoàng Minh Thảo là Chiến khu trưởng kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận 5; Đồng chí Ngô Lân làm Tham mưu trưởng.
Khi lập Khu Tả Ngạn, đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy; đồng chí Nguyễn Khai làm Phó Chính ủy kiêm Tư lệnh khu; đồng chí Dương Hữu Miên làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; tôi làm Tham mưu phó. Toàn bộ cơ quan Mặt trận 5 chuyển sang là cơ quan ngành quân sự của Khu Tả Ngạn. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về anh Đỗ Mười, khi ấy là Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính khu, kiêm Chính ủy Khu Tả Ngạn.
Khi anh Mười sang lãnh đạo Khu Tả Ngạn, là thời kỳ cục diện đồng bằng Bắc Bộ có sự thay đổi, nói chung, theo chiều hướng có lợi cho ta. Nhưng với Khu Tả Ngạn bấy giờ có khác. Sau khi quân Pháp bị thất bại nặng nề phải rút chạy khỏi Hòa Bình (cuối tháng 11-1951), Tướng Salăng - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tập trung lực lượng cơ động, tiến hành bình định ráo riết đồng bằng Bắc Bộ, mà trọng điểm là vùng tả ngạn sông Hồng (Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An), kho người, kho của phong phú, nhằm thực hiện âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt".
Địch tiến hành gần hai chục cuộc hành quân quy mô lớn, có lần lên tới một vạn quân như các trận càn "Trái quýt" (Măngđarin), "Thủy ngân" (Mécquya), "Lạc đà" (Đơrômađe), v.v…
Chúng liên miên quét đi quét lại, bằng những binh đoàn (GM) quân tinh nhuệ Âu - Phi, với một số Việt binh đoàn (BVN), kéo dài dai dẳng hơn tháng trời như trận càn "Diều hâu" (Giécphô), địch huy động tới 6 binh đoàn cơ động, 6 tiểu đoàn Pháp, 3 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn cơ giới các loại, 1 tiểu đoàn vận tải… càn các huyện nam Thái Bình.
Dich can khu Ta Ngan va khau lenh “la” cua nguyen Tong Bi thu Do Muoi (dang sang)
 Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.
Quân Pháp thường phải huy động máy bay, xe tăng, đại bác cỡ lớn, tàu chiến, canô, xe lội nước… phối hợp, yểm trợ cho các GM, nhằm đối phó với phong trào chiến tranh nhân dân phát triển ngày càng mạnh. Có nhiều trận, ta chiến đấu rất táo bạo, đưa chiến tranh vào hậu phương địch, nơi mà chúng cho là an toàn nhất. Ta đã biến hậu phương địch thành tiền tuyến của ta.
Khu Tả Ngạn lúc này bốn phía đều có địch. Toàn khu là một vùng quan trọng, nằm sâu trong vùng tạm chiếm, có cảng lớn Hải Phòng, có đường giao thông huyết mạch số 5 và đường sắt, là cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, vào đồng bằng Bắc Bộ, mà ta và địch đều có quyết tâm giành quyền làm chủ.
Cùng những mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chúng tôi ý thức rằng về mặt quân sự, anh Mười là người chỉ huy cao nhất. Anh nhận nhiệm vụ của Trung ương, của Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu III, giao cho xây dựng Khu Tả Ngạn thành một căn cứ vững chắc ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ.
Nhiệm vụ của anh Mười rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề, nó được đặt trên đôi vai người cán bộ đã được tôi luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng, rất sung sức và xông xáo, là người "Đẩy cày cách mạng, vai không mỏi" (thơ Tố Hữu).
Có thể nói, khi ấy hàng mấy năm liền không có cuộc họp nào mà anh Miên và tôi vắng mặt. Hằng ngày, đầu giờ buổi sáng, anh Miên hoặc tôi, nhưng thường là tôi, sang trực tiếp báo cáo rất vắn tắt tình hình với anh Mười. Anh vắng hay bận việc thì tôi gặp đồng chí Phạm Gia Tuân để báo cáo.
Có lần cả đồng chí Trưởng ban Tác chiến và Trợ lý Tác chiến đi theo, cùng gặp anh Mười để báo cáo và nhận nhiệm vụ. Làm việc với anh, chúng tôi đều thấy rất thoải mái, nhưng phải chuẩn bị thật kỹ, thật tỉ mỉ, cụ thể. Vì sau khi nghe báo cáo xong, anh đều đặt ra những giả thuyết, những câu hỏi, những phán đoán tình huống... làm cho anh em chúng tôi phải suy nghĩ, động não. Đúng hay sai cứ tự do phát biểu. Cuối cùng chúng tôi nhận được những lời giải đáp rất đúng, rất trúng, mà chúng tôi cứ bình luận với nhau là "ý kiến cụ rất chính xác".
Chưa có lần nào anh phán đoán sai về diễn biến tình hình địch. Điều đó giúp chúng tôi nâng dần trình độ suy xét, phán đoán. Đồng thời anh em tham mưu chúng tôi còn nghiên cứu những bản báo cáo hằng tháng, hằng quý và tổng kết năm, do đồng chí Vũ Trọng Nam, thư ký của anh chấp bút. Báo cáo đã thể hiện được tư tưởng chỉ đạo của anh Mười đối với các mặt phong trào. Tình hình chỉ viết những điểm chủ yếu và ngắn, nhưng phần phương hướng nhiệm vụ, biện pháp thực hiện viết khá cụ thể. Anh Miên và anh em chúng tôi lấy nó làm kim chỉ nam cho hoạt động quân sự của mình. Các đồng chí chỉ huy tỉnh đội, thành đội cũng rất tâm đắc vận dụng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương mình.
Đôi lúc sang làm việc, tôi gặp anh đọc sách. Có lần thấy anh đọc quyển sách quân sự nước ngoài, anh hỏi tôi: "Cậu Sáng có hiểu các chiến thuật "nhất điểm lưỡng diện; đầu nhọn đuôi dài; bao vây vu hồi" là thế nào không? Trong hậu địch thì "chiến đấu ngoại tuyến trong nội tuyến" là thế nào? Mình theo dõi một đơn vị của Trung đoàn 50 vừa rồi thực hiện đánh như vậy, làm thằng địch bất ngờ và ta thắng!".
Tôi trả lời hơi vòng vo làm anh khó hiểu. Tôi liền vẽ lên giấy, anh thích thú về lời đáp của tôi.
Lần khác, tôi và đồng chí Lê Nghĩa, Trưởng ban Tác chiến khu đi họp, gặp anh Mười ở sân nhà dân, đột nhiên anh hỏi: "Các cậu có nhớ dân tộc ta có mấy bản tuyên ngôn độc lập không?". Tôi trả lời: Sau khi thắng quân Tống xâm lược, Lý Thường Kiệt có bài thơ tuyên ngôn độc lập "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...". Đến thời nhà Lê thắng quân Minh, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo cũng là một bản tuyên ngôn độc lập. Đến thế kỷ này, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Nghe tôi đáp, anh tỏ vẻ ưng ý.
Thời kỳ anh Mười mới sang Tả Ngạn, địch không thể càn quét theo lối cũ: 1 tiểu đội ngụy cũng chia làm ba mũi hô xung phong vào một làng; những trận địch "quây đêm, quét sớm", 11 - 12 giờ đêm hành quân bí mật đến một điểm nào đó rồi sáng sớm tinh mơ nổ súng..., mà phải tổ chức những trận càn quét lớn, dài ngày, càn đi càn lại; bao vây lớn kết hợp bao vây nhỏ, rồi cất vó quân ta. Thời kỳ này có thể coi là đỉnh cao của kế hoạch bình định chiếm đất hoặc phá căn cứ du kích, mà địch tiến hành trên địa bàn châu thổ sông Hồng.
Thời kỳ này, chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân ở Tả Ngạn phát triển mạnh mẽ và khá đều. Bộ Tổng tư lệnh lại đưa quả đấm thép Đại đoàn 320 vào địch hậu, phối hợp với các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích là chủ lực khu. Do đó, các tỉnh nam, bắc sông Luộc đều có nhưng khu căn cứ du kích vững chắc.
Nhưng ba bề bốn bên đều có đồn địch, hình thái tác chiến trong lòng địch cài răng lược, chiến đấu không có tiền tuyến và cũng chẳng có hậu phương. Địch vẫn có thể càn quét lúc nào cũng được, nhưng quy mô tổ chức, sử dụng lực lượng, nhất là càn quét vào các khu du kích và căn cứ du kích, lực lượng địch huy động phải lớn và mức độ tổn thất của địch cũng khá lớn. Địch không thể có đủ lực lượng để bao vây cả một khu, một vùng quá rộng. Do đó, có những đoạn trống, vòng vây địch không khép kín, địch phải dùng pháo binh cỡ lớn bắn cầm canh để ngăn chặn. Hoặc chúng bao vây một khu vục nhỏ rồi bất ngờ lật cánh sang càn khu khác,v.v..
Khó nhất là phán đoán hành động của địch. Địch thì rất xảo quyệt. Có khi chúng kéo quân từ Hà Nội, Hải Phòng về tập kết ở thị trấn Ninh Giang (Hải Dương), rồi từ đây, dựa vào phương tiện vận tải thủy, bộ, chúng có thể đột ngột kéo lên phía bắc sông Luộc, càn Hưng Yên, Hải Dương, hoặc xuống phía nam sông Luộc là Thái Bình, Kiến An. Ta căn cứ vào sự nắm bắt tình hình của tình báo các địa phương, kết hợp với sự nhận định, phán đoán rồi từ đó mà khẳng định địch sẽ càn quét ở đâu, hướng nào là trọng điểm, hướng nào là mập mờ nghi binh.
Những lúc này, anh Mười cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh khu gọi anh em tham mưu, kể cả trợ lý tác chiến, đến báo cáo tình hình cụ thể, dân chủ đề xuất ý kiến phán đoán của mình. Cuối cùng, anh Mười phân tích, kết luận và khẳng định về ý đồ của địch.
Tôi nhớ khoảng cuối năm 1952, địch dùng lực lượng khá lớn, 3 - 4 binh đoàn cơ động, phần lớn là quân Âu - Phi, càn khu vực nam và bắc huyện Thanh Hà (Hải Dương). Địch dùng từ 1 đến 2 binh đoàn càn quét một làng, một xóm, rồi chốt lại ở đó qua đêm.
Hằng ngày địch lùng sục, dẫm nát đường sá, đào bới vườn tược, tìm bắt người của ta. Ở đây có con sông Ruột Lợn bao quanh huyện. Chiều chiều, thủy triều dâng lên, nước con sông Ruột Lợn dâng theo. Mọi lần bộ đội du kích thường xuống hầm bí mật để đến đêm lên đánh địch. Nhưng lần này địch có quá nhiều quân ở một thôn, một xóm, dù có lên được ta cũng khó hoạt động, ở lại hầm suốt đêm thì hầm ngập nước và không ai tiếp tế vì dân bị địch dồn đi tập trung.
Trước thực tế đầy khó khăn đó, anh Mười xem xét rồi chỉ thị cho địa phương kiên quyết cho rút hết cán bộ cơ sở sang bên kia sông, tạm thời chưa hoạt động, chỉ để một vài cán bộ cơ sở nhiều tuổi, già yếu ở lại trà trộn tập trung với dân để nắm tình hình. Nhờ tính quyết đoán rất nhanh, rất trúng của anh Mười, mà anh em chúng tôi bớt ám ảnh về chuyện "địch đến, không đánh mà lại rút ra ngoài". Thực tế cho thấy đây là một quyết định đúng đắn, táo bạo, tránh được tổn thất, tạm lùi để rồi tiến.
Sau này, chúng tôi được biết đấy là một kiểu càn quét mà Pháp rút kinh nghiệm qua một số cuộc chiến tranh ở Philíppin, Malaixia, Trung Quốc, để vận dụng vào Việt Nam. Anh em chúng tôi gọi là kiểu càn "bắt cá ngóc". Cuộc càn này địch lấy tên là "Rắn độc" (Vipêrin).
Có lần vào một tối mùa đông, chúng tôi được tin địch sẽ càn vào khu vực mà Bộ Tư lệnh khu đang ở. Anh em được lệnh ăn cơm sớm để chuyển địa điểm, đánh càn. Đêm tối mịt mùng, anh Khai, anh Miên và anh em cơ quan ra xếp hàng một ở đầu xóm. Tôi vào chỗ anh Mười. Anh đã sẵn sàng chờ ở sân, khoác tay nải cùng đồng chí bảo vệ đi ngay. Tôi lại nhanh chân ra chỗ xếp hàng, đếm lại thấy thiếu 3-4 người. Tôi vội quay lại để thúc giục. Hạn chế dùng đèn pin tôi luồn từ chái nhà nọ sang nhà kia, theo lối tắt tìm anh em, khiến các anh phải đứng chờ tới 15 - 20 phút.
Chúng tôi vừa ra đến chỗ xếp hàng quân, khoảng 12 người, thì thấy anh Mười nói khẽ nhưng đủ nghe: "Cậu để mình chỉ huy". Nói xong, anh đi lên phía trước khẽ hô: "Đứng nghiêm! Bước đi, bước".
Tôi đi cuối cùng thấy mấy tiếng cười khúc khích. Có tiếng hỏi: - Bố nào lại hô thế? Làm gì có khẩu lệnh: "Đứng nghiêm! Bước đi, bước". Và có tiếng trả lời: "Khẽ chứ, cụ Ngạn hô đấy!". Hiểu ra, anh em lại khúc khích cười.
Kỷ niệm về anh Mười nhiều khi sâu đậm đến lớn lao, nhưng có khi chỉ đơn giản thế thôi. Nói chung, chúng tôi cảm nhận được lúc nào anh cũng dân chủ, cởi mở, rộng lượng, không cáu gắt với ai, anh em rất dễ gần anh.
Tới địa điểm mới, anh Mười cùng các anh trong Bộ Tư lệnh và cơ quan lại thâu đêm suốt sáng theo dõi cuộc càn mới của địch.
Anh Mười rất quan tâm xây dựng cơ sở nhân dân. Anh thường nhấn mạnh: "Cơ sở, cơ sở và cơ sở", vì mọi việc đều diễn ra từ cơ sở.
Trong một cuộc họp với các tỉnh, thành đội bàn về chủ trương tổng phá tề, các địa phương đều ủng hộ và chấp hành. Trong cuộc tổng phá tề ta sẽ phá vỡ hệ thống hội tề, nhưng trong đó lại có những nhân mối đáng tin cậy của ta. Do đó, anh Mười yêu cầu cần làm rõ tư tưởng chỉ đạo không diệt tề, phá tề ẩu. Trong bản chỉ thị phá tề có câu: "Tổng phá tề sẽ tiêu diệt một số tháp canh" và thêm mười chữ: "khi có điều kiện và phải được trên cho phép". Cái ý này là của anh Mười. Chỉ thêm mười chữ thôi nhưng duy trì được nhân mối, giữ được cơ sở và phong trào trong lòng địch. Anh Miên nói với tôi: "Cái ý ấy của cụ Ngạn rất quan trọng, nếu không thì nhân tổng phá tề sẽ xảy ra chuyện báo ân báo oán, anh em phá sạch cơ sở nhân mối".
Trừ khi đột xuất họp bất thường, còn hằng tháng Bộ Tư lệnh khu đều tổ chức họp với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban, Tỉnh đội, Thành đội trưởng. Tôi thay mặt cơ quan tham mưu khu dự họp. Mỗi lần họp hai, ba ngày đêm. Khi có tài liệu cần nghiên cứu thì kéo dài năm, sáu ngày đêm liền. Đêm thắp đèn dầu hoặc nến. Họp không có bồi dưỡng, chỉ có nước chè xanh. Ai hút thuốc lá thì tự túc. Không bao giờ nghỉ họp trước 12 giờ đêm. Có điều may là các anh tuy đã hơi đứng tuổi nhưng khỏe, chả ai phải đeo kính lão. Tài liệu đánh máy bằng giấy bản, đọc rồi cũng quen. Mỗi người "gia tài" chỉ có một cái tay nải lép kẹp khoác vai, rất nhẹ.
Anh Mười hơn tuổi chúng tôi nhưng làm việc rất say sưa, không biết mệt mỏi, nên có sức động viên, cổ vũ chúng tôi. Có lần họp, đồng chí nào đó hút thuốc lá thơm Côtáp. Anh Mười liền hỏi: "Cậu nào đốt nhà dân đây?". Chúng tôi đang mải nghe anh truyền đạt văn bản, bỗng nghe một câu hỏi lạc đề, chưa hiểu anh nói gì. Anh vừa cười vừa nhắc lại: "Cậu nào "đốt nhà dân" thì dập ngay đi!". Chúng tôi mới hiểu là anh nhắc khéo về hút thuốc lá thơm đắt tiền, lãng phí.
Họp xong, chúng tôi phân tán về nhà dân ăn cơm, chỉ có rau, mắm, có sao ăn vậy, rất kham khổ. Các cuộc họp, có khi kéo dài đến nửa đêm, mệt mỏi, nhưng anh Mười vẫn tỉnh táo, sáng suốt phát biểu hoặc theo dõi ý kiến anh em, nắm mắt đầy đủ. Ai nói chệch là anh uốn nắn có lý lẽ, dễ tiếp thu.
Chúng tôi, những người chấp bút về văn bản quân sự bảo nhau: Cụ phát biểu là cứ ghi cho đủ. Vừa ghi vừa sắp xếp, sửa lời văn theo ý mình thì không kịp và dễ bỏ sót những ý hay của cụ. Không may bỏ sót thì khi thông qua văn bản, anh Miên hoặc cụ liền góp ý bổ sung.
Khi anh Mười kết luận cuộc họp thì ai cũng phải chịu, vì anh kết luận rõ ràng, ngắn gọn, cụ thể. Các ý kiến tranh luận gay cấn đều được anh giải đáp, chỉ ra cái sai, chấp nhận cái đúng, lại chỉ rõ cách làm thế nào cho phải, cho trúng nhằm giải quyết vấn đề... Ai nấy đều hài lòng và nhất trí về kết luận, về biện pháp cụ thể mà anh đưa ra.
Tôi và các anh em tỉnh đội, thành đội vốn hay đùa, nói chuyện vặt, nhưng anh Mười chủ trì cuộc họp thì ai nấy đều nghiêm túc lắng nghe. Anh chủ tâm mở rộng dân chủ, lắng nghe mọi ý kiến của anh em, chỉ định từng người phát biểu. Hồi ấy có người "bạo hổ bằng hà" là anh Vũ Thái, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, rất hăng hái phát biểu, nói thẳng, không nể ai, anh Mười vẫn lắng nghe, rồi chọn ra ý đúng, giải thích những ý không đúng.
Đêm ấy họp đến 1-2 giờ khuya, anh Thái ngồi bên tôi và anh Chất (Phác) - Tỉnh đội trưởng Hải Dương. Thấy anh Thái ngủ gật, anh Chất nảy ý đùa vui. Anh khẽ hích vào sườn anh Thái cho tỉnh, rồi khẽ nói: "Cụ Ngạn phê bình Hưng Yên giết tề ẩu đấy". Thái mở choàng mắt. Tôi hích thêm và bảo: "Phát đi!". Thế là Vũ Thái giơ tay nói lia lịa. Anh nhận Hưng Yên có giết nhưng không ẩu, không ẩu!
Anh Mười đã biết tính anh Thái, không vội cắt ngang, để anh nói xong rồi mới tủm tỉm cười: "Ông Thái ngủ gật, tỉnh giấc chưa? Hội nghị đang bàn về đấu tranh kinh tế, ủng hộ tiền Việt Nam, tẩy chay tiền Đông Dương, sao ông lại chen vào chuyện giết ẩu?". Anh Thái nhận ra cái sai của mình, ngồi ngay như cán tàn. Mọi người trong cuộc họp bấm bụng mà cười. Tan họp ra về, anh Thái chửi tục tôi và anh Chất. Tôi bảo: "Tại bố ngủ gật, nghe tai nọ ra tai kia, nó thế!".
Anh Vũ Thái vào Đảng sớm hơn anh Mười, có phần chủ quan, nói rất tự tin, nói lia lịa... Nhưng khi anh Mười truyền đạt nghị quyết hay kết luận hội nghị, anh Thái vẫn chăm chú lắng nghe, ghi đầy đủ để về làm cho đúng.
Bọn chúng tôi trẻ tuổi, mỗi khi họp thường có cái thú quan sát và bình phẩm từng đồng chí cán bộ dự họp. Cứ thấy anh Mười khi phát biểu đang ngồi xếp chân bằng tròn mà từ từ ngồi nhổm dậy, rồi ngồi bó gối, là chúng tôi liếc nhìn nhau "đánh tín hiệu coi chừng". Nếu anh phát biểu ý kiến một lúc rồi từ từ xoay sang tư thế hai đầu gối quỳ xuống chiếu, hơi khom khom lưng, giơ tay lên băm băm vào không khí, thì chúng tôi lại bấm đùi nhau, khúc khích ngầm: "Chất chưa? Mở mắt chưa? Tỉnh ngủ chưa?". Không khí cuộc họp lúc này tưởng như căng thẳng nhưng vẫn dân chủ, vui và có phần thoải mái, vì ý kiến của anh càng nghe càng sáng sủa, chính xác, giải tỏa được thắc mắc, đi vào lòng người.
Bằng tác phong giản dị, cách sống chân thực, chan hòa, cởi mở, anh đã tạo cho tôi, cho các anh Lê Nghĩa - Trưởng ban Tác chiến và Hoàng Thế - Phó ban sự hưng phấn làm việc, khiến chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất.
Sau này, hằng năm cứ đến tháng 5, anh em cơ quan tham mưu Mặt trận 5, Khu Tả Ngạn, thường họp mặt để ôn lại những kỷ niệm sâu đậm thời kháng chiến. Song chưa dám mời anh Mười, vì ngại anh đang bận nhiều việc lớn.
Tháng 5-1995, tôi mạnh dạn biên thư đến anh, lúc đó anh đang là Tổng Bí thư Đảng. Tôi chỉ đề nghị anh viết cho chúng tôi vài lời để động viên anh em khi họp mặt. Nhận được thư, mặc dù rất bận anh vẫn đến dự họp với chúng tôi tại gia đình đồng chí Hoàng Thế ở phường Bách Khoa. Anh em chúng tôi rất bất ngờ và rất phấn khởi đón tiếp anh. Anh hồ hởi, ân cần hỏi thăm hoàn cảnh gia đình từng người.
Sau cuộc họp vui và đầy tình cảm, bắt tay chúng tôi ra về, anh mới nói: "Hôm nay là ngày giỗ đầu nhà tôi, định làm buổi sáng, nhưng tôi đến đây họp mặt với các cậu, nên hoãn giỗ lại đến chiều".
Trong cuộc gặp mặt này còn có cháu gái Dương Thị Độ - Trung tá, bác sĩ, con gái anh Dương Hữu Miên. Mỗi lần gặp tôi, khi tôi còn đang công tác ở Quân khu III, anh Mười đều nhắc tôi phải theo dõi việc thực hiện chính sách với anh Miên và gia đình. Nay gặp con anh ở đây, anh Mười tỏ ý hài lòng. Các cháu con anh Miên cũng rất biết ơn bác Đỗ Mười về tấm lòng ưu ái, thân thương mà bác dành cho gia đình mình.
Trong cuộc họp này, anh Mười cũng không quên hỏi thăm đồng chí Nguyễn Văn Chức, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Lê Lợi, bộ đội địa phương tỉnh Thái Bình. Đơn vị đồng chí Chức đã chiến đấu dũng cảm bảo vệ anh Mười ở làng Chỉ Thiện (Thái Ninh). Cách đây gần một năm, đồng chí Chức mất, anh Mười có gửi vòng hoa đến viếng.
Cách nhà đồng chí Hoàng Thế độ gần 100 mét có đồn công an. Đến 12 giờ trưa, khi anh Mười ra về, các đồng chí công an mới biết và trách anh Hoàng Thế không cho phường biết trước để bảo vệ. Chúng tôi nói vui với nhau: "Chúng ta được sống lại với một tác phong thời địch hậu "đến không ai biết, đi không ai hay", đúng theo tác phong Bác Hồ". Khi anh Mười ra về, chúng tôi bảo nhau: "Đã mấy chục năm, nay lại cùng nguyên Chính ủy ngồi trên chiếc chiếu, xếp chân bằng tròn".
Anh Mười còn để lại cho gia đình tôi một kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ, đêm ấy ở thôn Mua Đồng (Hải Dương), anh Đỗ Mười làm chủ hôn, anh Nguyễn Khai tuyên bố lý do, anh Đặng Tính thổi kèn "bắp ngô" (ácmônica), anh Hoàng Thế thổi "kèn tây" bằng kẽ tay như "hề xiếc" rất vui trong buổi lễ thành hôn của vợ chồng chúng tôi, tổ chức theo đời sống mới 100%, không rượu, không bánh kẹo, không thuốc lá, chỉ có nước chè tươi do Tỉnh hội Phụ nữ Hải Dương cho.
Chúng tôi nhớ suốt đời không bao giờ quên tấm lòng và tình đồng chí, đồng đội này. Có thể nói, anh Mười là người đã chắp cánh, cổ vũ động viên hai chúng tôi trong suốt chặng đường dài công tác, chiến đấu từ ngày ấy cho đến nay.
Nhớ những kỷ niệm về anh Mười, tôi cũng nhớ mấy kỷ niệm về anh Vũ Trọng Nam, thư ký của anh Mười. Anh Nam cần mẫn đêm ngày làm việc. Nhiều đêm thức cùng ngọn nến hoặc ngọn đèn con, ghi chép lại những điều cần thiết hoặc làm báo cáo. Anh làm việc rạc cả người, ăn, ở nhà dân, không có gì bồi dưỡng. Biết nhau, thương nhau nhưng "lực bất tòng tâm" chẳng có gì giúp nhau.
Chúng tôi sống chết với dân, "bốn cùng" với dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chiến đấu. Chống càn, luồn càn về, ai còn, ai mất, chuyện như cơm bữa. Nhiều lần chúng tôi sang chỗ làm việc của Chính ủy, thấy hai thầy trò say sưa thông qua báo cáo, thì chúng tôi lại bấm nhau rút lui. Khi tôi lên dự hội nghị ở Bộ tổng Tham mưu, có mấy đồng chí quen thân bảo tôi: "Rất thích đọc báo cáo của Khu Tả Ngạn, vì nó phản ánh súc tích, phong phú tình hình địch hậu; với phong cách nói thẳng, nói thật, nó phân tích, lý giải, đề xuất những giải pháp rất thiết thực, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống và chiến đấu trong địch hậu".
Rồi hòa bình lập lại, tôi được phân công làm Cục trưởng Cục Xây dựng kinh tế Quân khu III. Tôi lại được làm việc trực tiếp với anh Mười ở cơ quan Chính phủ hoặc ở nơi anh nghỉ. Với cương vị là Thủ tướng, anh đến dự cuộc họp tổng kết việc Quân khu III đưa quân vào cảng làm kinh tế ở khâu vận tải, bốc xếp, tại tất cả các cầu của Sáu Kho.
Cũng vẫn tác phong như thời chiến, trên diễn đàn, anh nói thẳng, nói thật, bàn tay băm vào không khí. Từ trên bục, anh xuống hàng ghế đại biểu, nắm vai một cán bộ lãnh đạo sở nói: "Cậu trả lời tôi, trả lời cho anh chị em công nhân cảng về một vạn cái cối (cuộn) tơ nhập khẩu về để dệt vải láng bây giờ ở đâu? Ở đâu?".
Cả hội trường, anh em cán bộ, công nhân là tổ trưởng, là thủ kho ở cảng rất thích thú và tỏ ra rất đồng tình với anh. Rồi anh đến thẳng chỗ tôi đặt tay lên vai tôi lắc lắc: "Vất vả nhất là các cậu này!". Mọi người đều hiểu ý anh là: đưa bộ đội vào cảng làm kinh tế, bộ đội lao động rất vất vả nhưng lại là những người khác hưởng thụ.
Nói về Khu Tả Ngạn sông Hồng với bao kỷ niệm gian khổ nhưng cũng rất sâu nặng tình đồng chí, đồng đội, chúng tôi không bao giờ quên các anh Nguyễn Khai, Đặng Tính, Dương Hữu Miên và nhiều anh khác đã về cõi vĩnh hằng, và cũng không bao giờ quên những kỷ niệm về anh Đỗ Mười, vị Chính ủy, người đồng đội rất thân thiết của chúng tôi!".
PV