Từ ngày 3/3, Hải Dương kết thúc cách ly xã hội, TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, toàn tỉnh sang trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
|
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại buổi công bố gỡ phong tỏa TP Chí Linh tối 2/3. |
34 ngày dịch bùng phát tại Hải Dương, diễn biến phức tạp trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Dịch bệnh khiến hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ, đời sống người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về mặt phát triển kinh tế xã hội.
Sản xuất công nghiệp giảm sâu
Báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương về thực trạng và những ảnh hưởng trong phát triển kinh tế xã hội, đời sống, việc làm của nhân dân trong 15 ngày thực hiện cách ly xã hội cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 ước giảm 39% so với tháng trước và giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.
So với tháng 1, tháng 2/2021 do chênh lệch về số ngày sản xuất cùng với ảnh hưởng từ việc phong toả, cách ly một số khu, cụm, địa bàn huyện, thành phố nên sản xuất công nghiệp giảm khá sâu.
Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 44,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 43,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 9,9%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 6,6%.
2 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm quan trọng của Hải Dương đều có lượng sản xuất giảm.
|
Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng đến sản xuất công nghiệp. |
Chỉ tính từ 16/2 đến nay (thời điểm thực hiện cách ly xã hội), giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.664 tỷ đồng, giảm 45,8% so với cùng kỳ trung bình 10 ngày tháng 2/2020. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 46,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 51,8%.
Cũng trong khoảng thời gian này, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 800 tỷ đồng, giảm 48,65% so với cùng kỳ trung bình 10 ngày tháng 2 năm trước.
Dịch bệnh cũng khiến 750 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bị thiệt hại ước trên 500 tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề, không thể đo đếm được
Báo cáo cho thấy, hai tháng đầu năm, đặc biệt tháng 2/2021, dich COVID-19 ngày càng có những diễn biến phức tạp, trên diện rộng và đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của Hải Dương.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, dịch vụ, bán lẻ... các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với suy giảm về sản xuất, kinh doanh.
Tiêu thụ nông sản trong tháng 2/2021 cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường nông sản chính của Hải Dương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa ra ngoài tỉnh gặp khó khăn. Đặc biệt là nông sản xuất khẩu do các tỉnh lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt để ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19, khiến nhiều lượng nông sản bị tồn ứ.
|
Dịch đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của Hải Dương. |
Dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng đang gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Dương; đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phải nhập khẩu nguyên, vật liệu và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa ra nước ngoài.
Trong sản xuất công nghiệp, một số doanh nghiệp đã tàm ngừng hoạt động; một bộ phận các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động sản xuất, tuy nhiên đã gặp rất nhiều khó khăn, có dấu hiệu sản xuất cầm chừng do tiêu thụ sản phẩm hoặc thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu lao động do phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và gián đoạn trong khâu trung chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất do việc xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hải Phòng gặp khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, các ngành chịu ảnh hưởng lớn (may mặc, da giày, điện tử, nhựa và các ngành tham gia chuỗi giá trị ở nhiều tỉnh, thành phố và quốc gia khác nhau...) đều là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô công nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Các doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều là những khách hàng lớn của ngành sản xuất và phân phối điện, tiêu dùng một lượng lớn điện năng, nên khi những doanh nghiệp này thu hẹp sản xuất cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện năng giảm.
COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến các ngành dịch vụ, do tổng cầu giảm, mất nhiều thời gian phục hồi do yếu tố tâm lý và thay đổi hành vi tiêu dùng.
Theo hàng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn từ ngày 23 tháng Chạp và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết, dù chịu ảnh hưởng nhất định từ dịch bệnh. Tuy vậy, sức mua nói chung vẫn thấp hơn cùng kỳ do những ảnh hưởng chung từ tình hình dịch bệnh.
Bước sang năm mới Tân Sửu, nhu cầu mua hàng hóa không cao do ảnh hưởng bởi lệnh cách ly xã hội trong toàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh.
Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số công ty có người lao động bị dịch phải ngừng hoạt động như: Công ty Poyun, Eastech,... trong KCN Cộng Hòa, TP Chí Linh; Công ty Kuroda Kagaku KCN Phúc Điền; Công ty TNHH một thành viên Senying, huyện Ninh Giang; Công ty Xi măng Hoàng Thạch cũng phải tạm dừng, hiện nay công ty đang hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu đầu vào; Công ty TNHH Sumidenso, KCN Đại An cũng dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp chống dịch và mới cho hoạt động trở lại.
Ngoài ra, rất nhiều công ty trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, Kim Thành tuy hoạt động nhưng thiếu lao động. Tính đến ngày 26/2, đã có nhiều công ty hoạt động trở lại, nhưng chưa thể sản xuất bình thường vì thiếu lao động, khó khăn về nguyên liệu...
Trường hợp dịch COVID -19 diễn biến kéo dài, chắc chắn sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tiếp tục sẽ bị ảnh hưởng vì cả hoạt động xuất nhập khẩu và các dây truyền sản xuất công nghiệp, nhất là lĩnh vực may mặc, giầy da, điện tử,... sẽ bị suy giảm; ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động.
Không đánh đổi sức khỏe của nhân dân để lấy phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương nói như trên khi trả lời báo chí về những nghi ngờ Hải Dương đang vội vàng dừng cách ly để phát triển kinh tế.
Ông Phúc khẳng định, không có sự vội vàng nào trong việc ngừng cách ly toàn xã hội với Hải Dương. Ngừng thực hiện cách ly xã hội trên toàn tỉnh không có nghĩa là đánh đổi sức khỏe của nhân dân để lấy phát triển kinh tế. Nhưng cũng không vì chống dịch, khi dịch chỉ còn ở một vài điểm của các huyện, thị mà phong tỏa toàn bộ, đóng băng lâu hơn nữa các hoạt động sản xuất kinh tế trong toàn tỉnh.
|
Đến nay, nhiều cửa hàng kinh doanh tại TP Hải Dương chưa được hoạt động. |
Thực tế, trong chỉ thị 12 mới ban hành Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã nêu ra 10 biện pháp tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19 và 5 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái mới. Cho thấy, Hải Dương xác định thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong một giai đoạn mới.
UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tạm cấp cho ngân sách Hải Dương 118 tỷ đồng và đề nghị có cơ chế hỗ trợ 633,4 tỷ đồng phục vụ các hoạt động phòng chống dịch COVID-19.
Theo thống kê, kinh phí phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ ngày 27/1-2/3 khoảng 917,5 tỷ đồng.
Hải Dương đã huy động 50% kinh phí dự phòng ngân sách địa phương và 70% kinh phí từ Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh năm 2021 cho công tác phòng chống dịch, mua hóa chất khử trùng, chi hỗ trợ người cách ly tập trung tương đương 166,3 tỷ đồng.
Ngân sách địa phương hiện rất khó khăn, năm 2020, Hải Dương hụt thu thường xuyên 1.460 tỷ đồng.
Quý I và quý II.2021 dự kiến thu ngân sách địa phương đạt thấp, không còn nguồn kinh phí để bảo đảm tiếp tục thực hiện thanh toán chi trả cho các đối tượng gặp khó khăn, thanh toán kinh phí phòng chống dịch...
>>> Mời độc giả xem thêm video Lô VACCINE COVID-19 nhập khẩu đầu tiên đã về tới Việt Nam
Hải Ninh