Diễn biến mới vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng

Google News

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đề nghị rà soát các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký gửi các địa phương hoặc sở, ngành.

Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký gửi các địa phương hoặc sở, ngành.
Nội dung đề nghị phối hợp là rà soát toàn bộ các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với cương vị đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi đến UBND tỉnh, thành phố hoặc các sở ban ngành, đơn vị trực thuộc.
Dien bien moi vu bat ong Luu Binh Nhuong
Ông Lưu Bình Nhưỡng 
Các văn bản, phiếu chuyển đơn thực hiện rà soát tính từ tháng 7/2016 đến nay, kèm theo kết quả xử lý, trả lời đối với các văn bản, phiếu chuyển đơn nêu trên của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Trước đó, ngày 15/11, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963), trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự.
Ông Nhưỡng bị bắt liên quan vụ án Phạm Minh Cường (SN 1986, thường gọi là Cường “quắt”, đối tượng hình sự, có 3 tiền án), trú xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, về tội Cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Khoản 4, Điều 170, Bộ luật Hình sự.
Quá trình bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lưu Bình Nhưỡng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang mở rộng điều tra vụ án theo quy định.
Tháng 5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Minh Cường, tức Cường "quắt", về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo Công an tỉnh Thái Bình, khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Cường "quắt" và đồng bọn tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho đối tượng này với giá rẻ hơn giá thị trường.
Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số tiền mà Cường "quắt" và đồng bọn chiếm đoạt được của các doanh nghiệp lên đến hàng tỷ đồng.
Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị can đã chiếm đoạt số tiền lớn, gây bức xúc trong nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư của tỉnh.
Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, quê quán tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hiện trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông Nhưỡng là Tiến sĩ Luật kinh tế và có nhiều năm làm giảng viên Luật.
Ông Nhưỡng từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 - 2021), phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng từng là phó chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Tính đến năm 2010, ông đã có 22 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Sau đó, ông Nhưỡng làm chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Năm 2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban dân nguyện cho đến khi bị bắt. Ông Nhưỡng được biết đến là đại biểu tích cực tham gia vào các vấn đề xã hội, dân sinh, pháp lý, có nhiều phát ngôn thẳng thắn được nhiều người ủng hộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng: Hé lộ chân tướng giang hồ Cường “quắt”
  
Hải Ninh