Điều tra dấu hiệu lợi ích nhóm trong phát hành sách giáo khoa

Google News

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án liên quan đến sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tại buổi Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2023 do Bộ Công an tổ chức sáng 30/6, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã trả lời câu hỏi của phóng viên về những sai phạm liên quan đến sách giáo khoa, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, nhiều năm qua, tình trạng viết, in ấn, phát hành sách giáo khoa, nhất là về giá sách đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Cùng với đó, vấn nạn sách giáo khoa giả cũng khiến người dân bức xúc, dư luận đặc biệt quan tâm.
Dieu tra dau hieu loi ich nhom trong phat hanh sach giao khoa
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phát biểu tại buổi họp báo. 
Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu điều tra, xử lý những vấn đề liên quan.
Ngay sau khi lãnh đạo Bộ Công an giao, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã chủ động xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ một số hành vi vi phạm, xử lý hành vi in ấn sách giáo khoa lậu.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng tập trung điều tra về giá thành, những dấu hiệu lợi ích nhóm trong sản xuất, phát hành sách giáo khoa.
Đến tháng 2/2023, C03 đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời khởi tố Nguyễn Đức Thái, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (NXB), cùng các đồng phạm.
Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vi phạm về đấu thầu. Sau khi khởi tố, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng nhận được kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tuy nhiên những tài liệu này khá mỏng. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chủ động trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm này của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Cơ quan CSĐT cũng đang điều tra làm rõ tình trạng phát hành những loại sách giáo khoa, trong đó có những bộ sách tham khảo, đồng thời tập trung chính vào giá thành sách giáo khoa quá cao, cao hơn mức sống của người lao động, nhất là người lao động nghèo.
Trước đó, tháng 2/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cùng tội danh trên, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng ban kế hoạch marketing Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Đáng chú ý, hơn một tháng trước, bà Thủy đã bị bắt trong vụ án Việt Á về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam hai người khác gồm: Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng ban kế hoạch marketing, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam; Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với 3 bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Sau khi trúng thầu, các bị can Nguyễn Đức Thái, Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ Tô Mỹ Ngọc.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố về kết quả thanh tra về Sách giáo khoa.
Kêt luận nêu rõ, từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019, 73/193 cuốn SGK học sinh có thể viết vào sách đã được in, phát hành và bán được tổng hơn 303 triệu bản. Trường hợp tính 65% giá SGK có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội số tiền tạm tính là hơn 2.374 tỷ đồng.
Theo TTCP, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về sách bài tập do NXB tổ chức biên soạn, gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK. Dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua SGK đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Việc xác định nhu cầu sản xuất của NXB không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu là giấy in, làm tăng chi phí lãi vay dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Việc lựa chọn nhà thầu in SGK của NXB cũng chưa đúng quy định. NXB sử dụng giấy in chất lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia.
Từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, NXB chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in. Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB, tương ứng số tiền hơn 1.890 tỷ đồng.
Kiểm tra xác suất một hợp đồng giấy in cho thấy giá giấy in của công ty này bán cho NXB cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty này nhập khẩu trực tiếp, tương ứng số tiền chênh lệch hơn 210 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra nêu rõ, những nội dung này cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ GD-ĐT đề nghị rà soát, báo cáo về SGK Tiếng Việt 1, tác giả lên tiếng về SGK Tiếng Việt 1 bị chê

Nguồn: Vietnamnet

Hải Ninh