Tháng 10, đối với người dân miền Trung là tháng thảm họa. Ngoài bão chồng bão, lũ chồng lũ, những vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng đã cướp đi mạng sống của gần trăm người.
Đó là vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 ngày 12/10 khiến 17 công nhân mất tích, tử vong, vụ sạt lở đất tại trạm kiểm lâm sông Bồ, tiểu khu 67 xảy ra rạng sáng 13/10 khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi đang trên đường cứu hộ Rào Trăng, sạt lở tại trụ sở đoàn kinh tế quốc phòng 337 huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hi sinh. Mới đây nhất là vụ sạt lở ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) khiến 9 người chết, 14 người hiện đang mất tích…
|
Những vụ sạt lở đất liên tiếp xảy ra đã đặt ra những vấn đề cấp bách trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Ảnh: Zing. |
Chỉ 3 vụ sạt lở đất trên đủ để gọi là thảm họa thiên tai. Nhưng hậu quả của các vụ sạt lở đất không chỉ dừng lại ở thiệt hại về người. Bởi kéo theo đó còn là những thiệt hại về tài sản và sinh kế khi tất cả bị chôn vùi trong đất đá. Những người còn sống trong cảnh gia đình sinh ly tử biệt, cha mất con, vợ mất chồng, có người còn mất cả gia đình người thân.
Một con số thống kê từ Tổng cục phòng chống thiên tai cho thấy, chỉ 5 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất làm chết và mất tích 779 người, bị thương 426 người, thiệt hại kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia địa chất khi nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đất đã đề cập đến hai yếu tố: Do các hiện tượng thời tiết bất thường và tác động của con người.
Thảo luận tại tổ về kinh tế -xã hội sáng 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở đất vừa qua. Thủ tướng đặt câu hỏi: Vì sao sạt lở đất nhiều như thế? Đồng thời trả lời do kết cấu địa chất ở khu vực sạt lở chủ yếu là đất sét nên mưa trên 1.000mm nửa tháng thì đất nhão. Mưa thối đất thì không kết cấu nào có thể chịu được sẽ gây sạt lở.
Các chuyên gia cũng nhận định, khu vực sạt lở đất thường có tổ hợp nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành một khe suối hẹp, có độ dốc, vách khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc. Khi mưa lớn kéo dài, đất bị bão hòa thành khối bùn lỏng dẫn đến sạt lở nhanh xuống phía dưới, tạo ra một trận lũ quét kéo theo đất đá cuốn theo tất cả những gì trên đường đi của đất đá, gây nên những thảm họa.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà mới đây cũng đưa ra nhận định, nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục với cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng ở khu vực miền Trung. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Ngoài ra, khu vực miền Trung còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn đồi độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ bị dập vỡ, nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày), thảm phủ thực vật bị suy giảm…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất, hoạt động nhân sinh trong xây dựng đóng vai trò lớn, làm trầm trọng thêm hậu quả thiên tai.
"Các hoạt động nhân sinh trong xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác, cả quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc... cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định và đưa ra kiến nghị cần đánh giá kỹ hơn địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, việc thực hiện dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó. Bởi hiện chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng, điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, để dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể.
Từ thực tế trên, điều quan trọng cấp bách thời điểm này không chỉ là khắc phục hậu quả mà còn cần có những giải pháp để bảo vệ người dân miền Trung ở những vùng có nguy cơ sạt lở núi cao.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản – một trong những quốc gia thường xuyên xảy ra sạt lở đất cho thấy, có 3 yếu tố để đưa ra cảnh báo sạt lở đất. Thứ nhất là vấn đề sử dụng đất, những vùng an toàn có thể cho người dân sinh sống nhưng tại vùng có nguy cơ cao, chính quyền sẽ di dân khi có khả năng xảy ra sạt lở. Mỗi người dân đều nắm rõ họ ở vùng nào để phòng tránh.
Đồng thời, Nhật Bản cũng xây dựng hệ thống cảnh báo sớm từ các trạm quan trắc lượng mưa được xây dựng nhiều để đo lượng mưa hàng giờ và họ có những máy tính rất tốt để tính toán lượng mưa lũy tích và dựa trên đó họ ban hành các dự báo, cảnh báo. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển tới nơi an toàn. Nhật cũng chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa sạt lở đất dựa vào những bản đồ cảnh báo nguy cơ...
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản trên có thể thấy, việc cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cấp huyện tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã (tỷ lệ 1/1.000 - 1/2.000) và phổ biến tới chính quyền cấp xã, thôn và người dân biết và việc xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao là vô cùng cần thiết. Đồng thời, việc di dời dân sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở là việc làm cấp bách, không thể chậm trễ.
Bên cạnh đó, cần rà soát, quy hoạch bố trí lại dân cư, cơ sở hạ tầng (đặc biệt là đường giao thông, cống thoát nước phải đủ khẩu độ thoát được lũ lớn) an toàn trước thiên tai, xây dựng những khu nhà phòng chống thiên tai có kết cấu đảm bảo để người dân có thể tránh trú trong những thời điểm mưa bão, có nguy cơ sạt lở đất và tuyên truyền tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở đất nói riêng. Đồng thời, việc rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên, phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét cũng vô cùng quan trọng.
Nhưng đó là những biện pháp lâu dài. Trước mắt, để ngăn chặn nguy cơ thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất khi bão số 10 đang chuẩn bị đổ bộ, các địa phương cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn để di dời dân đến nơi an toàn.
Để bảo vệ bản thân mình và gia đình trước nguy cơ sạt lở đất, người dân cần chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu...phải báo ngay chính quyền và thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền. Thực tế ngay trong vụ sạt lở Trà Leng, nhiều người dân đã thoát nạn khi kịp thời phát hiện những dấu hiệu của sạt lở đất.
Dù khó có thể nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất nhưng nếu chúng ta không chủ quan ứng phó thì việc đảm bảo an toàn cho người dân không phải là bất khả thi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn biến vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3
Tâm Đức