Độc chiêu buôn người ở vùng cao: Vố bán ngoạn mục cả 'phi đội' đàn ông

Google News

Khi mặt hàng phụ nữ dần dà nhàm chán bởi những cuộc săn lùng gắt gao của lực lượng chức năng, tội phạm buôn người xoay ra tìm kiếm mặt hàng mới.

Tất yếu, để lọt vào “mắt xanh” của chúng phải là một lực lượng trai tráng tràn trề sinh lực, nhằm cung cấp cho thị trường đầy khắt khe về thể lực bên kia biên giới. Trong những vố hàng “độc”, có thời điểm, cả “phi đội” gần 30 đàn ông... “sập bẫy”.
Vụ buôn người lớn nhất... lịch sử!
Trong chuyến hành trình mệt nhoài trên những cung đường uốn lượn phủ màn trắng của cơn mưa rừng dai dẳng. May mắn đã đến với chúng tôi khi được gặp ông Phùng Ngọc Thuyết, Đội phó Đội đặc nhiệm PCTP ma túy (BĐBP tỉnh Hà Giang) - người được mệnh danh là ổ cứng lưu trữ dữ liệu những vụ án kinh điển của bộ đội biên phòng.
Không cần hỏi, ông Thuyết cũng đoán ngay: “Nhà báo chắc lại hỏi về vụ án mới mà độc chứ gì? Yên tâm, tôi đã chuẩn bị sẵn từ khi biết tin sẽ có PV báo Người Đưa Tin lên BĐBP Hà Giang viết án”.
Nói là làm, ông Thuyết lôi ra cả đống tài liệu dầy hàng gang tay được phân loại từ trước. Nhưng đặc biệt, một vụ án, được ông Thuyết để riêng, tránh nhầm lẫn. Lật ra, mới hay đây là vụ án đang được đánh giá là điển hình nhất về bọn tội phạm buôn người ở vùng cao.
Sự là, khoảng đầu tháng 5/2011, cả huyện Mèo Vạc (Hà Giang), xôn xao vì thông tin tuyển dụng lao động của vợ chồng Triệu Văn Sơn (SN 1978, dân tộc Tày, tạm trú tại Lũng Làn, Sơn Vĩ, Mèo Vạc) để sang Trung Quốc làm việc với mức lương hậu hĩnh. Ngay sau khi thông tin được đưa ra, hàng trăm người dân kéo đến dự tuyển.
Tuy nhiên, qua quá trình sàng lọc, 33 người khỏe mạnh nhất được Sơn lựa chọn (trong đó có 27 nam và 6 nữ) với lời hứa hẹn, mỗi ngày công là 150.000 đồng, địa điểm làm việc chỉ cách biên giới khoảng 1 tiếng đồng hồ đi bộ và công việc lại hết sức đơn giản là phát rừng, trồng cây.
Bên cạnh đó, người lao động sẽ được bão lãnh toàn bộ nơi ăn ở, đi lại, chỉ cần trước khi đi mang theo chứng minh thư nhân dân là đủ. Ngoài ra, để củng cố niềm tin về một công việc có tiền đồ sáng lạn, Sơn còn hứa hẹn cho những ai làm tốt sẽ có mức lương 180.000 đồng/ngày. Nếu trời mưa không làm việc được nuôi ăn, không lương.
Tin lời, ngày 11/5/2011, 33 người được tuyển chọn đã tập hợp đông đủ tại một địa điểm chờ Sơn mang xe qua đón. Đúng hẹn, chiều tối cùng ngày, Sơn đã điều xe qua đón đưa toàn bộ lên khu vực mốc biên giới 499 rồi đi bộ sang Trung Quốc. Vì sợ Biên phòng phát hiện, trên đường đi, Sơn và đồng bọn yêu cầu tất cả phải tắt đèn pin và giữ trật tự đến tuyệt đối.
Những nạn nhân trong vố buôn người lịch sử may mắn thoát về nước. 
Sau một giờ đi bộ sâu vào Trung Quốc, tất cả được chỉ định lên một chiếc ô tô đã đón sẵn rồi chạy vào tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Chưa dừng lại, nhóm người lại được Sơn và đồng bọn yêu cầu sang xe khác cho cuộc hành trình hơn 2 ngày đêm đi sâu vào lục địa của mảnh đất này.
Tuy nhiên, càng đi đoàn người càng cảm thấy lo lắng về tính mờ ám với công việc nơi đất khách quê người, gặng hỏi thì Sơn và cả bọn đưa đi đều trả lời quanh co, ấp úng. Nghi ngờ Sơn và đồng bọn lừa đảo, cả đoàn người đã dùng áp lực bắt dừng xe đòi quay về Việt Nam.
Biết kế hoạch bất thành, Sơn yêu cầu mọi người phải tự bỏ tiền ra để Sơn lo chi phí đi về, nhưng không đủ vì không ai có chủ đích mang tiền. Bị sức ép, Sơn đành một mình quay về Việt Nam gom tiền từ người nhà nạn nhân để sang đưa họ về. Nhưng khi Sơn quay lại, 33 người Việt Nam đã bị tạm giữ tại trụ sở Công an Trung Quốc. Hoảng sợ, y chạy thục mạng về Việt Nam, lờ đi mọi việc như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Lật mặt kẻ chủ mưu
Sau khi an vị tại quê nhà, Triệu Văn Sơn cứ ngỡ số phận của 33 người lao động hoàn toàn vô can mình, thế nhưng ông trời có mắt, ngay sau khi được phía Công an Trung Quốc trao trả về địa phương, toàn bộ đoàn người bị lừa trên đã chính thức làm đơn tố cáo Sơn với các cơ quan chức năng.
Nhận được đơn tố giác của công dân, Đồn biên phòng 159, đã phối hợp với Đội đặc nhiệm PCTP ma túy (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang) đã đến tận địa phương các bị hại đứng đơn tố giác để xác minh, kết quả ban đầu xác định việc đề nghị, tố giác của công dân là đúng sự thật. Ngay lập tức Triệu Văn Sơn được triệu tập để tiến hành điều tra làm rõ.
Trước chứng cứ quá rõ ràng, Triệu Văn Sơn phải cúi đầu nhận tội. Qua lời khai của đối tượng này, chủ mưu trong vụ án buôn người lại là một đối tượng khác người Trung Quốc.
Theo đó, Sơn có chơi thân với Sẻ Văn Chúng (người cùng xã), trong một lần tâm sự, Chúng có khoe với Sơn, đã nhận lời một người Trung Quốc có tên Hồ Pin, sẽ gom người lao động Việt Nam mang sang Trung Quốc làm thuê, nhưng thực chất là để bán với mức trả công tìm người là 500.000 đồng/người.
Thấy món hời trước mắt, Sơn đồng ý và xung phong làm đầu mối tuyển hàng. Sau nhiều lần qua lại nhà nhau, Sơn, Chúng và Pin đã bàn bạc và thống nhất một phương án buôn người được đánh giá là hết sức quy mô và tinh vi nhất trong lịch sử từ trước đến nay.
Tuy nhiên, toàn bộ kế hoạch của chúng đã hoàn toàn thất bại vì sức mạnh của đám đông nạn nhân và một phần cũng vì những mâu thuẫn trong nội bộ về tiền nong không được sòng phẳng giữa Sơn và Pin.
Căn cứ vào lời khai của các đối tượng và kết quả điều tra xác minh, Đồn biên phòng 159 đã ra quyết định khởi tố vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng và bàn giao vụ án cho Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục điều tra.
“Lỗ hổng” của... Luật!
Chốt lại câu chuyện cho vụ án này, theo ông Phùng Ngọc Thuyết thì với pháp luật hiện hành, chỉ có thể xử lý các đối tượng này với tội danh Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài mà thôi.
Bản chất là mua bán người, nhưng triển theo điều 119, Bộ luật Hình sự về tội mua bán người thì chưa đủ yếu tố vì không có hành vi giao dịch mua bán mà chỉ mang tính chất giới thiệu việc làm hưởng phần trăm.
Đáng nói, lạm dụng lỗ hổng của pháp luật, tội phạm trong hoạt động buôn bán người dạng này đang ngày một hoạt động mạnh hơn. Đơn cử, một vụ án vừa xảy ra vào cuối tháng 8/2011, tại Na Khê (huyện Yên Minh, Hà Giang), khi Công an xã Na Khê phát hiện 3 đối tượng khả nghi (2 người Trung Quốc, 1 người Việt Nam).
Ngay lập tức công an xã đã mời về UBND xã làm việc, qua kiểm tra hành chính, phát hiện thấy 2 người Trung Quốc là Lý Quang Huy và Lý Vương Sinh (đều trú tại Vân Sơn, Vân Nam, Trung Quốc) không có giấy tờ hợp pháp khi nhập cảnh vào Việt Nam, nên đã bàn giao cho Đồn biên phòng 185.
Qua lời khai của các đối tượng, 2 người Trung Quốc này đã móc nối với Ly Thị Dìn (SN 1992, dân tộc Dao, xã Bạch Đích, Yên Minh, Hà Giang) nhiều lần vào Việt Nam tổ chức đưa người Việt Nam trốn ra nước ngoài (thực chất là bán người lao động Việt Nam cho các ông chủ người Trung Quốc – PV).
Chỉ tính riêng từ tháng 1/2011 đến nay, chúng đã đưa được 15 người trốn ra nước ngoài lao động trái pháp luật.
Theo đó, tháng 1/2011, Dìn đưa 4 người sang Vân Nam, Trung Quốc để lao động phổ thông. Từ tháng 1 đến tháng 4. Ly thị Dìn đã làm quen với Lý Quang Huy và Lý Vương Sinh tiến tục bàn tính đưa thêm 3 lần nữa (với số lượng 10 người Việt Nam).
Dìn và các đối tượng này đã thỏa thuận với số người này về việc trả tiền công lao động là 50 NDT (tương đương 150 nghìn đồng tiền Việt Nam)/ 1 ngày công/1 người và trả theo tháng, nhưng thực chất mỗi ngày số người lao động này chỉ nhận được 40 NDT (tương đương 120 nghìn đồng tiền Việt Nam).
Đã thế, đến hết tháng, số người lao động trên vẫn không nhận được tiền công. Thấy bất công, 9 người lao động đã trốn được về đâm đơn đề nghị Đồn biên phòng 185 giúp đỡ, giải quyết việc lừa đảo của những đối tượng này. Hiện còn 5 người đang ở Côn Minh, Trung Quốc chưa thể về được.
“Đây thực chất là hành vi buôn người, nhưng triển theo các quy định pháp luật thì không thể khép vào tội danh này được. Đó là điều mà các cơ quan chức năng đang lúng túng trong cách xử lý dạng tội phạm này”. Ông Phùng Ngọc Thuyết không dấu nổi sự lo lắng.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Người Đưa Tin