Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 Công an Nghệ An) mới quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Phạm Đình Phi (SN 1990, trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Phi được xác định giữ vai trò chủ đạo trong đường dây giả làm cán bộ viễn thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị Công an Nghệ An triệt phá vào tháng 9/2017.
|
Phạm Đình Phi bị bắt sau 9 tháng lẩn trốn (ảnh CQĐT cung cấp). |
Như Báo PLVN đã đưa, vào tháng 8/2017, Phòng PC45 Công an Nghệ An nhận được đơn trình báo của 9 bị hại về việc bị các đối tượng gọi điện xưng là cán bộ viễn thông, thông báo nợ tiền cước cuộc gọi đi nước ngoài với số tiền gần 10 triệu đồng. Người dân khẳng định không gọi đi nước ngoài, thì “nhân viên viễn thông” nối máy cho một người khác tự xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an. Qua điện thoại, “cán bộ điều tra” này thông báo chủ thuê bao bị nghi liên quan đến đường dây tội phạm mua bán ma túy và rửa tiền xuyên Quốc gia…
Đồng thời đề nghị công dân phối hợp để phá đường dây tội phạm, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm… với lý do là để chứng minh mình không liên quan. Các đối tượng còn yêu cầu bị hại gửi vào tài khoản mà chúng cung cấp số tiền lớn kèm lời hứa sẽ hoàn trả sau khi đường dây tội phạm bị triệt phá, đồng thời được hưởng số lãi suất trong thời gian bị giữ tiền…
Nạn nhân nhóm đối tượng hướng đến thường là người già, hưu trí có lương hưu để lừa đảo, tất cả đều được dặn dò không được tiết lộ cho người nào kể cả người thân trong gia đình. Khi bị hại gửi tiền vào tài khoản, các đối tượng sẽ nhanh chóng rút ra và chuyển vào một tài khoản khác và sử dụng cho mục đích cá nhân của mình. Trong thời gian ngắn, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng của các nạn nhân.
Xác định các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại “ảo” có đầu số trùng với đầu số 113 của Công an. Khi sử dụng phương thức này thì cơ quan chức năng không thể truy xuất số điện thoại gọi để phục vụ điều tra.
Qua truy xuất nguồn gốc các tài khoản ngân hàng mà các bị hại gửi tiền, Đội cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tìm ra được chân tướng các đối tượng. Ngày 1/9/2017, Phòng PC45 Công an Nghệ An tiến hành bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Thu và Phan Đình Luận khi các đối tượng đang thuê phòng nghỉ cùng nhau tại tỉnh Hưng Yên.
Thu giữ trong hành lý của hai đối tượng nhiều ĐTDĐ, thiết bị thu phát sóng wifi, nhiều thẻ ngân hàng, hộ chiếu, sim điện thoại, máy tính xách tay cùng một số lượng lớn tiền mặt
Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng thừa nhận, được Phạm Đình Phi thuê mở hoặc thu gom thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ. Sau đó, Phi thuê Luận và Thu rút số tiền lớn từ các tài khoản kể trên và chuyển cho 1 đối tượng thứ 3. Cứ mỗi lần rút tiền, Thu và Luận được hưởng 20% theo thỏa thuận từ trước. Trong vòng hơn 1 tháng, Thu và Luận đã rút từ các thẻ ngân hàng để chuyển cho Phi tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi biết Luận và Thu bị bắt giữ, Phi nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương. Sau 9 tháng theo dõi, truy tìm, đến ngày 13/6/2018, các trinh sát Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Phòng PC45 Công an Nghệ An đã bắt giữ Phi khi hắn lẩn trốn tại Bắc Giang.
Phi khai nhận, để chuẩn bị cho các tài khoản ngân hàng mang tên khác, Phi đã đến các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ mua lại các CMND khách bỏ quên, sau đó dán ảnh của mình lên thay rồi đến các ngân hàng đăng ký mở tài khoản. Từ các tài khoản mở bằng CMND giả này, Thu và Luận sẽ tiến hành lừa đảo các nạn nhân gửi tiền vào. Bước đầu, Phi khai nhận cùng các đối tượng thực hiện vụ lừa đảo 1 nạn nhân ở Nha Trang (Khánh Hòa), chiếm đoạt hơn 3,4 tỉ đồng. Số tiền được chia nhau tiêu xài mà mua sắm các trang thiết bị để tiếp tục lừa đảo.
Vụ án đang được CQĐT hoàn tất hồ sơ đưa các đối tượng ra xét xử trước pháp luật.
Theo N.Toàn/Báo Pháp Luật