Khi để ống cống chắn ngang đường trong khu công nghiệp Điềm Thụy (thị xã Phố Yên, Thái Nguyên) mà không có cảnh báo nào, những người có trách nhiệm hẳn không nghĩ sự bừa bãi đó sẽ lấy đi 2 mạng người vào rạng sáng 1/11. Tan ca đêm, đôi nam nữ đã không thể về đến phòng trọ khi qua đoạn đường này. Họ vĩnh viễn ra đi ở cái tuổi 23 đầy hứa hẹn, trước đám cưới đã được lên kế hoạch và đứa con trong bụng chỉ mấy tháng nữa sẽ chào đời.
Ba sinh mạng mất đi vì vụ tai nạn thương tâm trong phút chốc.
Hiện trường vụ tai nạn khiến đôi nam nữ chết thương tâm ở khu công nghiệp Điềm Thụy (thị xã Phố Yên, Thái Nguyên).
Trước đó, đã có nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra từ sự tắc trách tương tự trong lĩnh vực xây dựng. Người ta chỉ lười biếng một chút, vô tâm một chút, cái giá phải trả là thương tích, tàn phế và cái chết. Khi đi xe máy qua tòa nhà đang thi công trên phố Lê Văn Lương (Hà Nội) vào buổi tối 3 năm trước, một phụ nữ 31 tuổi bị thanh sắt từ tầng 20 rơi trúng, chết tại chỗ. Thanh vật liệu này cũng làm một người đàn ông qua đường khác bị thương nặng. Tháng 1 năm đó tại TP Ninh Bình, một thanh sắt dài từ tòa nhà đang xây trên đường Trần Phú rơi xuyên nóc chiếc taxi, lấy đi tính mạng người đàn ông ngồi phía sau.
Hè năm ngoái ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, một cháu bé 5 tuổi thiệt mạng khi rơi xuống hố gas của công trình thoát nước. Hố gas sâu 3 mét này được thi công từ lâu nhưng vẫn không đậy nắp, không có bất cứ biển báo hay rào chắn nào.
Tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cũng từng xảy ra vụ chàng trai khiếm thị 26 tuổi rơi xuống hố gas bên lề đường, bị đa chấn thương. Trước đó một ngày, hố gas không nắp đậy sâu gần 2 m, bên trong có 4 thanh sắt lòi ra nhưng không rào chắn, không biển cảnh báo này đã làm một học sinh đi xe đạp bị thương nhẹ khi ngã vào. Điều oái oăm đến đau lòng là hố gas được đơn vị thi công làm xong từ 1 tuần trước.
Dư luận và báo chí đã nhiều lần bức xúc lên tiếng nhưng nhiều năm qua, trên khắp đất Việt Nam, những tai nạn tương tự vẫn tiếp tục xảy ra. Sau mỗi vụ việc, các bên liên quan lại vào cuộc điều tra, quy xem chủ đầu tư hay nhà thầu hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Nhưng mạng người và sự toàn vẹn thân thể thì chẳng lấy lại được, và vấn đề nổi liên khiến dư luận phẫn nộ chính là sự bàng quan, vô cảm, bừa bãi của một bộ phận người Việt thể hiện trong lĩnh vực xây dựng. Chắc rằng nhiều người trong chúng ta từng suýt lao xe vào cái hố sâu hoắm bỗng nhiên xuất hiện trên đường vào sáng sớm, do đơn vị thi công nào đó để lại. Những cái hố chỉ được lấp qua loa chiếu lệ hoặc thậm chí người ta không thèm lấp ấy trở thành cái bẫy có thể dễ dàng lấy mạng người đi đường.
Ở mức độ nào đó, sự bừa bãi, qua quýt, vô tâm này có thể gọi là vô cảm và độc ác.
Vì thế, đừng đợi đến khi có người chết hay bị thương mới điều tra và quy trách nhiệm. Cơ quan chức năng cần giám sát thường xuyên, chặt chẽ để phát hiện ngay những vi phạm về quy định an toàn trong mọi công trình xây dựng dù lớn dù nhỏ, và phạt thật nặng.
Còn khi có tai nạn xảy ra, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xử phạt, yêu cầu bồi thường và có thể phải truy tố. Nếu có chết người do ống cống chắn ngang đường, hố gas "há miệng" không rào chắn hay biển cảnh báo, thiết nghĩ không chỉ đơn vị thi công mà cả lực lượng kiểm tra, kiểm soát cũng phải bị xử lý.
Riêng những kẻ bừa bãi, vô trách nhiệm, biết có thể sẽ để lại hậu quả thảm khốc cho người khác mà vẫn nhắm mắt, tặc lưỡi khiến tai nạn xảy ra phải bị truy tố tội “giết người”. Như vậy mới có tính răn đe, mới xóa bớt tình trạng vô cảm đến tàn nhẫn, thói bàng quan hại người khi làm việc. Ngay từ vụ đôi vợ chồng sắp cưới chết oan uổng vì ống cống chắn ngang đường ở Thái Nguyên này, dư luận cần một kết quả điều tra rõ ràng và cách xử lý quyết liệt, kịp thời, có khả năng thức tỉnh, để những cái bẫy tử thần không còn chờ chực lấy mạng người trên đường nữa.
Theo Trần Hồng/VTC